|
|
Người Hàn không ưa chuộng quạt điện vì một số câu chuyện mê tín xung quanh đồ vật này. Ảnh: Han Jae Ho/Reuters |
Các tòa nhà, khách sạn cũng không có tầng 4. Người Hàn sử dụng những tên gọi khác như F vì không muốn con số này xuất hiện trên nút bấm tháng máy hoặc lối vào hành lang, theo Korea JoongAng Daily.
Sân bay Quốc tế Incheon không có cổng số 4, 44 hoặc 244, và tòa nhà 63 ở Yeouido, Seoul không dùng số 44 để chỉ tầng ở giữa tầng 43 và 45.
Số 4 không phải điều duy nhất phải kiêng kỵ ở Hàn Quốc. Người Hàn có một danh sách dài những điều không nên làm để tránh xui xẻo: huýt sáo vào ban đêm, viết tên của bạn bằng bút màu đỏ, rung chân, ăn canh rong biển vào ngày thi...
Các cặp đôi còn được khuyến cáo không cùng nhau đi dạo trên Deoksugung Stonewall Walkway, con đường đi bộ bao quanh Cung điện Deoksu ở trung tâm Seoul, nếu không muốn sớm chia tay nửa kia.
Nguồn gốc
Trong khi nguồn gốc của một số biểu hiện mê tín dị đoan là khá rõ ràng, thì những cái khác khó tìm hiểu nguyên nhân hơn.
Một trong những câu chuyện mê tín có nguồn gốc rõ ràng là về Deoksugung Stonewall Walkway. Lý do người Hàn tin rằng các cặp đôi đi dạo ở đây sẽ chia tay nhau vì cuối con đường này là Tòa án gia đình Seoul, nơi có thẩm quyền giải quyết các vụ ly hôn trong thành phố.
Dù Tòa án gia đình Seoul đã chuyển đến quận Seocho ở phía tây nam Seoul vào năm 1989, nhưng câu chuyện mê tín vẫn còn tồn tại.
|
|
Nhiều người Hàn tin rằng cùng đi dạo trên Deoksugung Stonewall Walkway, các cặp đôi sẽ nhanh chóng chia tay. Ảnh: habkorea |
Trong khi đó, quan niệm số 4 là xui xẻo bắt nguồn từ cách phát âm con số này trong tiếng Hàn gần giống với cách đọc từ "chết" trong tiếng Trung Quốc. Còn việc kiêng huýt sáo, cắn móng tay vào ban đêm xuất phát từ niềm tin rằng đêm đến là thời gian trở về của các vị thần và linh hồn. Vì vậy, con người không nên gây huyên náo.
Im Jang-hyuk, giáo sư văn hóa dân gian tại khoa Văn hóa châu Á của Đại học Chung-Ang, cho biết mê tín dị đoan bắt nguồn từ các đặc điểm của môi trường xung quanh cộng đồng, môi trường tự nhiên và hệ thống sinh thái, dẫn đến nhiều câu chuyện mê tín ở các nước Đông Á khá giống nhau.
Ví dụ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đều có những câu chuyện truyền miệng về chim ác là, một loài chim thường thấy ở cả ba quốc gia này.
Tuy nhiên, cũng có nhiều câu chuyện mê tín ở Hàn Quốc khó lý giải nguồn gốc, ví dụ như "quạt chết".
Nhiều người Hàn cho rằng để quạt điện trong không gian kín như phòng đóng cửa sẽ gây ngạt thở do thiếu khí, nhưng hoàn toàn không có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này.
Giới trẻ nghĩ gì
Các câu chuyện mê tín dị đoan đã được truyền qua nhiều thế hệ và hầu hết người Hàn Quốc ít nhiều biết đến thậm chí tin tưởng.
Chưa có cuộc khảo sát toàn diện nào được tiến hành, song một số nhà ngôn ngữ học đã xem xét các câu chuyện cụ thể và cách những người trẻ tuổi phản ứng với nó.
Kang Hee-sook, giáo sư ngôn ngữ và văn học Hàn Quốc tại Đại học Chosun, đã tiến hành nghiên cứu năm 2014 với các sinh viên ở khu vực Jeolla.
|
|
Số 4 gần như không tồn tại trong thang máy ở Hàn Quốc. Ảnh: EPA |
Bà Kang khảo sát với 142 sinh viên về 90 cụm từ và câu tiếng Hàn phản ánh câu chuyện mê tín. Bà phát hiện ra rằng 7/10 người được hỏi phản ứng tiêu cực, không còn quá nhiều niềm tin vào chuyện truyền miệng.
Kang đưa ra kết luận rằng thế hệ trẻ không còn quá tin tưởng vào những điều cấm kỵ và mê tín vốn là một phần của văn hóa truyền thống Hàn Quốc.
Tuy nhiên, có những quan điểm trái ngược cho rằng mê tín dị đoan không những vẫn tồn tại mà niềm tin vào chúng còn mạnh mẽ hơn bao giờ hết do những bất ổn ngày càng tăng trong xã hội hiện đại, theo Im Jang-hyuk, giáo sư văn hóa dân gian tại Khoa Văn hóa châu Á của Đại học Chung-Ang.
"Nhiều người vẫn đến gặp thầy bói và số lượng đạt mức cao kỷ lục khi nền kinh tế đi xuống hoặc trong thời kỳ hỗn loạn. Xã hội Hàn Quốc thay đổi quá nhiều và rất nhanh chóng, sự không chắc chắn đi kèm với nó khiến mọi người dựa vào những yếu tố mê tín, siêu nhiên nhiều hơn", ông Im giải thích.
Theo Zingnews