Nhưng Gunnison, thị trấn nhỏ nằm ở miền núi bang Colorado, đã thoát khỏi cuộc tấn công của đại dịch toàn cầu này, nhờ biện pháp mà thời bấy giờ ít người nghĩ tới: tự cách ly với thế giới bên ngoài.
Cuối năm 1918, cúm Tây Ban Nha - được mệnh danh kẻ giết người khủng khiếp nhất - đang tiến gần Gunnison. Đại dịch lây nhiễm cho hàng trăm triệu người ở châu Âu, châu Phi và châu Á cũng như trên khắp nước Mỹ. Bệnh nhân chật kín bệnh viện và nhà xác ở Boston, Philadelphia rồi sau đó dịch bệnh tàn phá các thành phố, làng mạc từ Alaska đến Texas. Gunnison, một thị trấn nông nghiệp và chuyên khai thác mỏ với gần 1.300 cư dân thời đó, có lý do đặc biệt để sợ hãi.
|
Trung tâm thị trấn Gunnison. Ảnh:Uncover Colorado. |
Khi ấy, Gunnison có hai tuyến đường sắt kết nối với Denver, thành phố lớn nhất bang và các trung tâm, thị trấn khác. Nhiều nơi mà tuyến đường sắt này đi qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Trước bối cảnh đó, thị trấn đã tự cách ly với thế giới bên ngoài trong 4 tháng. Thay vì đeo khẩu trang và rửa tay bằng nước diệt khuẩn, Gunnison tuân theo hướng dẫn từ các tờ báo, bác sĩ và cảnh sát địa phương, cùng sự kiên nhẫn của họ. Và cuối cùng họ đã may mắn.
Một số nhà ga xe lửa bị đóng cửa. Người dân dựng lên các rào chắn, đèn lồng được treo cao cùng biển cảnh báo hướng dẫn các tài xế hoặc đi thẳng, hoặc phải vào khu cách ly một thời gian rồi mới được vào thị trấn. Các bữa tiệc, các buổi tụ tập đông người trên đường phố bị hủy bỏ, các trường học, nhà thờ đóng cửa. Du khách bị cô lập, những hành khách xuống tàu ở nơi này cũng bị cách ly. Mọi người có thể rời khỏi thị trấn theo ý muốn, nhưng không thể trở lại nếu không tự nguyện cách ly. Những người vi phạm sẽ bị xử lý ở mức độ cao nhất, theo ông FP Hanson, bác sĩ chỉ đạo phòng chống dịch khi đó tại Gunnison.
Một bác sĩ khác, JW Rockerfeller nhận trách nhiệm kiểm dịch toàn thị trấn. Khi một người dân báo cáo hai người lái môtô và một khách đi tàu cố tình trốn kiểm dịch, cảnh sát trưởng đã bỏ tù họ. "Ví dụ nhỏ này cho người ngoài hiểu rõ hơn về Gunnison. Chúng tôi không có ca nhiễm cúm nào và không có ý định để ai bị lây nhiễm", bác sĩ Rockerfeller nói.
|
Holiday Inn Express, trên đại lộ Tomichi,là một trong những khách sạn cao cấp mà bạn có thể nghỉ chân khi đến Gunnisondu lịch. Ảnh:IGH. |
Phương pháp trên có tác dụng khi cả thị trấn không ghi nhận ca lây nhiễm trong hai đợt dịch bệnh bùng phát đầu tiên. Đến đợt thứ ba, vào đầu tháng 2/1919, số lượng các ca nhiễm bệnh trên toàn bang giảm, Gunnison nới lỏng cách ly. Trong đợt này, hơn 100 người dân trong thị trấn nhiễm cúm. May mắn họ chỉ mắc bệnh nhẹ và sống sót. Khi nhắc lại, nhiều nhà nghiên cứu đã liệt kê Gunnison là một trong những cộng đồng thành công nhất trong đại dịch gây chết người nhiều nhất lịch sử. Trong một báo cáo gửi Cơ quan Giảm thiểu các Mối đe doạ Quốc phòng (DTRA) năm 2016, các nhà nghiên cứu của Đại học Michigan nhắc đến Gunnison bằng từ "phi thường".
Gunnison đã trải qua thời kỳ tự cách ly đó như thế nào? Làm sao người dân có được tinh thần mạnh mẽ và sẵn lòng hợp tác với chính quyền trong thời điểm hoảng sợ tột độ như vậy? Đến nay, những câu hỏi ấy vẫn là một ẩn số. Vào năm 2015, tờ Guardian đã đề nghị những người dân ở Gunnison kể lại bất kỳ câu chuyện, giai thoại nào vào thời điểm đó mà họ biết, nhưng không có hồi đáp.
Ngày nay, Gunnison, còn được biết đến với tên Gunny, phát triển nhờ các hoạt động khai thác mỏ, du lịch, trang trại... Khu trung tâm có những cửa hàng độc đáo, nhà hàng trang trí đẹp mắt và nhiều nơi để thưởng thức bia cùng các món ăn đặc biệt được phục vụ hàng đêm. Thị trấn nằm trong lòng dãy Rockies này cũng có nhiều nhà nghỉ, phục vụ du khách từ các khách sạn đẳng cấp đến các cabin nhỏ. Giá thuê phòng từ 60 USD một đêm.
Một trong các điểm tham quan chính ở đây là Khu Giải trí Quốc gia Curecanti - nơi có hồ Blue Mesa lớn nhất bang nằm ở phía tây thị trấn. Hồ dài tới 32 km khi đầy nước. Tiếp theo là công viên nằm ở phía bắc đường cao tốc 92, dọc hẻm Black của khu danh thắng North Rim, gần Đại vực Grand Canyon. Bạn có thể cắm trại, leo núi ở rừng quốc gia Gunnison, hoặc câu cá trên sông.
Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 cướp đi sinh mạng của gần 700.000 người Mỹ, trong đó có Frederick Trump, ông nội của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump. Dịch diễn ra từ tháng 1/1918 đến tháng 12/1920 và không khởi phát từ Tây Ban Nha. Sở dĩ các chuyên gia y tế lấy tên quốc gia này để đặt tên cho dịch, vì đây là nước đầu tiên công khai trường hợp nhiễm bệnh. |
Theo vnexpress