“Tôi đồng tình với ý kiến cho rằng Omicron tạo ra bước ngoặt về nhận thức tại các nước Đông Nam Á, khi họ không còn quá chú trọng vào số ca mắc, mà chú ý đến các yếu tố khác (như tỷ lệ bao phủ vaccine và tỷ lệ nhập viện) để quyết định mở cửa biên giới trở lại”, giáo sư Teo Yik-Ying - Hiệu trưởng Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock, thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) - nói với Zing.
Ông Teo cho rằng đây là cái nhìn tích cực khi chính phủ hiểu rõ họ cần tập trung vào yếu tố gì để sẵn sàng sống chung với Covid-19, mặc dù số ca mắc rất cao.
Đồng tình với quan điểm trên, phó giáo sư Alex Cook - Phó hiệu trưởng (nghiên cứu) Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock, thuộc NUS - cho biết những dấu hiệu lạc quan của biến chủng Omicron đã làm thay đổi cách chính phủ tính toán lợi ích - rủi ro liên quan đến kinh tế - sức khỏe mà khách du lịch mang lại.
Sau khi nhận thấy biến chủng Omicron gây triệu chứng ít nghiêm trọng hơn Delta, nhiều quốc gia Đông Nam Á bắt đầu mở cửa chào đón du khách quốc tế với mức độ mở khác nhau.
Chẳng hạn, sau gần 2 năm đóng cửa biên giới, Philippines từ ngày 10/2 bắt đầu mở cửa đón du khách quốc tế đã tiêm chủng mà không cần cách ly. Bên cạnh đó, sau 5 tuần tạm hoãn vì Omicron, chương trình nhập cảnh không cách ly của Thái Lan đã tái khởi động từ ngày 1/2.
Tại sao mở cửa lúc này?
Về khía cạnh y tế, giáo sư Teo nhận định rằng tỷ lệ tiêm chủng tại các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia hay Philippines đều đang tăng lên, từ đó giúp giảm nhu cầu nhập viện.
“Số lượng bệnh nhân cần nhập viện đã giảm xuống, so với đợt bùng phát biến chủng Delta. Trên hết, cần chú ý rằng gần đây, Omicron mới là yếu tố chính thúc đẩy số ca nhiễm gia tăng”, giáo sư Teo cho biết.
“Biến chủng này gây ra triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với Delta. Tất cả dấu hiệu tích cực này cho thấy tác động của Covid-19 đã nhẹ hơn so với 6 tháng trước, khi Delta là biến chủng chủ đạo và số người đã tiêm phòng chưa nhiều”, ông Teo cho biết thêm.
Bên cạnh đó, chính phủ gặp nhiều áp lực buộc nới lỏng các biện pháp bởi người dân gặp khó khăn về kinh tế. “Bằng cách dỡ bỏ nhiều hạn chế, chính phủ cho phép du lịch và nhiều hoạt động khác quay trở lại. Nhiều nền kinh tế Đông Nam Á dựa vào du lịch, vì vậy, đó là lý do các quốc gia đang mở cửa”, ông Teo nhận định.
|
Các nước Đông Nam Á thay đổi tư duy chống dịch. Ảnh:Reuters.
|
Theo ông Teo, dường như sự xuất hiện của Omicron lại là “một may mắn”, nếu hiểu theo nghĩa những người nhiễm Omicron sẽ không bị nhiễm Delta trong một khoảng thời gian. Ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, Omicron hiện là chủng thống trị và Delta dần mất ưu thế.
Do Omicron gây triệu chứng ít nghiêm trọng, vấn đề không còn nằm ở số ca mắc và mức độ lây nhiễm nữa, ông Teo nói. Vì vậy, các quốc gia đang tập trung vào những yếu tố làm thế nào để sống chung với Covid-19 trong dài hạn, như tỷ lệ tiêm chủng hay khả năng ứng phó của các cơ sở chăm sóc sức khỏe và bệnh viện.
Cùng quan điểm với giáo sư Teo, ông Cook cho biết mặc dù hầu hết nước ASEAN đang chứng kiến làn sóng biến chủng Omicron, tỷ lệ tử vong đang giảm hoặc ở mức thấp, và tỷ lệ tiêm chủng cũng cao hơn nhiều nước phương Tây như Mỹ.
Ông lý giải vào thời kỳ đầu đại dịch, số ca mắc sẽ phản ánh tác động của virus tới cộng đồng. Tuy nhiên, hiện tại, số ca và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh không còn liên quan tới nhau khi cộng đồng đã có miễn dịch, từ tiêm chủng hoặc từng mắc trước đó.
“Do vậy, chúng ta nên chuyển sự tập trung từ số ca sang những gì thực sự quan trọng, như số người bị bệnh nặng hoặc sắp tử vong. Và chúng ta thấy những số liệu này thấp hơn nhiều so với các đợt trước đó”, ông nói.
Rủi ro y tế, nhưng kinh tế hưởng lợi
Đề cập tới cơ hội khi mở cửa biên giới, giáo sư Teo cho rằng quốc gia nào mở sớm nhất, theo cách an toàn, sẽ có được một số lợi ích từ lượng khách từ khắp nơi trên thế giới và nhu cầu du lịch quốc tế hậu Covid-19.
“Điều này liên quan tới chiến lược hàng không, chẳng hạn khi các chuyến bay kết nối từ châu Âu sẽ bay qua Đông Nam Á đến phần còn lại của châu Á và châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm New Zealand, Australia”, ông nêu ví dụ.
Theo giáo sư Teo, việc dỡ bỏ những hạn chế biên giới để chào đón du khách nước ngoài liên kết chặt chẽ đến lợi ích kinh tế: “Tuy nhiên, nhìn từ quan điểm y tế, điều đó vẫn chưa phải là động thái an toàn nhất”.
Dựa trên quan điểm của ông, những biện pháp chống dịch vào năm 2020 như phong tỏa, đóng cửa biên giới,... vẫn được coi là an toàn nhất, nhưng tại thời điểm này, chúng không còn ý nghĩa nữa nhờ có tỷ lệ bao phủ vaccine và các phương pháp điều trị.
“Khi mở cửa biên giới để chào đón du khách nước ngoài, chúng ta đang chấp nhận một số rủi ro về mặt sức khỏe cộng đồng để đổi lấy lợi ích kinh tế”, ông Teo nói.
Vì vậy, giáo sư Teo nhận định ở thời điểm này, các quốc gia Đông Nam Á không nên dỡ bỏ hầu hết hạn chế ở thời điểm này.
“Tuy tình hình dịch bệnh trên thế giới đã rất khác so với năm 2020, nhờ có vaccine và thuốc điều trị, chúng ta vẫn không nên dỡ bỏ tất cả hạn chế ở thời điểm này”, ông Teo cho biết. Theo ông, những biện pháp như đeo khẩu trang vẫn là một biện pháp an toàn và hữu hiệu để bảo vệ người dân trước Covid-19.
|
Chuyên gia từ NUS nhận định mở cửa biên giới đem lại lợi ích về kinh tế nhưng gây rủi ro sức khỏe cộng đồng. Ảnh:AFP.
|
Trong khi đó, ông Cook đề cập 3 mối đe dọa tới sức khỏe cộng đồng khi mở cửa biên giới.
Một là du khách nhiễm virus và phải nhập viện trong tình trạng bệnh viện đang thiếu hụt giường bệnh. Tuy nhiên, ông nêu giải pháp nguy cơ này có thể giảm thiểu bằng cách yêu cầu họ chủng ngừa trước khi nhập cảnh.
Thứ hai, họ mang mầm bệnh và lây lan dịch tại địa phương. “Tuy nhiên, tác động của khách du lịch không đáng kể khi số ca trong cộng đồng tại địa phương đó vốn đã nhiều”, ông nhận định.
Ngoài ra, ông nêu khả năng khách du lịch mang biến chủng mới vào trong nước. Thế nhưng, nhìn từ thực tiễn, chỉ là vấn đề thời gian trước khi biến chủng mới vẫn sẽ lây lan khắp thế giới, do đó các nước khó giảm thiểu rủi ro này, theo chuyên gia từ NUS.
Do đó, giáo sư Teo cho rằng có 3 yếu tố cần được xem xét nghiêm túc trước khi nới lỏng hoàn toàn biên giới.
Thứ nhất, dân số cần được tiêm chủng và nhận sự bảo vệ từ vaccine. Không chỉ vậy, chính phủ cũng cần chú ý tới một số phương pháp điều trị Covid-19 mới tiềm năng.
Thứ hai, trong trường hợp du khách mắc Covid-19, cần phải có phương án cách ly họ trước khi họ tiếp xúc với cộng đồng. “Chúng ta có thể tầm soát bằng cách xét nghiệm khi đến nơi”, ông Teo gợi ý.
Cuối cùng, ông Teo đặt vấn đề về cách các quốc gia sẽ chăm sóc du khách mắc Covid-19. Ông cho rằng cần xác minh tình trạng tiêm chủng đầy đủ của hành khách, xem xét họ có khả năng tự lo tài chính và chăm sóc sức khỏe hay không, bảo hiểm y tế tại nước đó hoặc bảo hiểm du khách tự mua sẽ chi trả phí khám và điều trị như thế nào.
“Các nước có thể đưa ra yêu cầu như bắt buộc hành khách phải mua bảo hiểm y tế Covid-19” khi đi du lịch, ông nói.
Với ông Cook, điều quan trọng nhất là mức độ miễn dịch trong cộng đồng, đặc biệt là ở nhóm người già nhất, bởi đây là yếu tố xác định xem có làn sóng mới nào không và số người tử vong là bao nhiêu sau mở cửa.
Theo Zing