Nội dung bức thư của ông Alberto Mendoza, từ Philippines (Ảnh: Baobinhphuoc)
Ông Alberto Mendoza cùng 4 người bạn Philippines nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất ngày 16/3. Khi họ đến tư vấn cho Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Phước có cơ sở tại ấp Cần Dực, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh đã được cách ly tập trung tại Khách sạn 23/3 Tà Thiết và trụ sở Bộ đội biên phòng cũ từ ngày 20/3 đến 3/4.
Trong thư, ông Alberto Mendoza tỏ lòng biết ơn và đánh giá cao những nỗ lực của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp của Việt Nam, trong đó có huyện Lộc Ninh “trong việc kiểm soát và quản lý cuộc khủng hoảng”.
Ông Alberto Mendoza cho rằng, cảnh sát và bộ đội thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly rất chuyên nghiệp, thân thiện, “xử lý mọi nhu cầu của chúng tôi một cách bình tĩnh”. Cơ sở cách ly có thể không sang trọng nhưng lại rất thoái mái và an toàn. Thực phẩm và nước được đưa đến đúng giờ, thậm chí các nhóm trong khu cách ly còn được cung cấp bình để đun nước pha trà, cà phê.
Với những người làm công việc xuyên quốc tế và xa gia đình, người thân như ông Alberto Mendoza, internet và thông tin liên lạc rất quan trọng. Vậy mà, ở một huyện biên giới của một tỉnh miền núi, giáp với Vương quốc Campuchia, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, internet và mạng lưới thông tin đã đáp ứng kịp thời nhu cầu liên lạc, cập nhật tình hình của những người trong khu vực cách ly tập trung với gia đình và người thân.
Các nhân viên y tế ở khu cách ly tập trung huyện Lộc Ninh đã liên tục theo dõi diễn biến về sức khỏe của những người tham gia cách ly, nhất là người có triệu chứng của COVID-19. “Họ sẽ đáp ứng ngay lập tức các nhu cầu về y tế của chúng tôi” - ông Alberto Mendoza viết. Và điều đặc biệt quan trọng là, qua xét nghiệm, tất cả những người khu cách ly tập trung đều cho kết quả âm tính với virus Corona.
Ông Alberto Mendoza cũng thừa nhận rằng, ban đầu không hề muốn trải qua quá trình cách ly tập trung, nhưng ngay sau đó, “chúng tôi nhận ra rằng một chút bất tiện của chúng tôi đã đảm bảo sự an toàn cho cả cộng đồng”. Do vậy, ông Alberto Mendoza và những người tham gia cách ly tập trung đã “ủng hộ và tin tưởng vào những nỗ lực chung của Việt Nam trong việc quản lý khủng hoảng cấp toàn cầu”.
Hoạt động trong lĩnh vực xây dựng xuyên quốc gia, được đi nhiều nước và vùng lãnh thổ, trước đại dịch đang diễn ra, ông Alberto Mendoza đánh giá: “Chúng tôi quan sát thấy ở các quốc gia khác như Mỹ, Ý và ngay cả ở đất nước chúng tôi, họ đã thất bại trong việc kiểm soát tình hình. Họ cho phép tất cả những người nhập cảnh mà không áp dụng kiểm tra bất kể triệu chứng nào dù người ta đã biết rằng virus có thể lây lan trong thời gian ủ bệnh. Điều này đã dẫn đến một tình huống không thể truy tìm nguồn gốc lây nhiễm và không thể kiểm soát được làm tổn hại đến cuộc sống người dân và sự ổn định của đất nước”. Kết thúc bức thư, ông Alberto Mendoza cho biết: “Chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm này khi trở lại đất nước của chúng tôi và hy vọng mọi người ở đó có thể học hỏi từ trải nghiệm tuyệt vời của chúng tôi khi chúng tôi ở trong huyện của các bạn”.
Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Lộc Ninh Trần Thị Bích Lệ còn cho biết một chi tiết rất thú vị, trong quá trình cách ly tại khu cách ly tập trung, ông Trần Hữu Nam-Giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Phước và những người bạn của ông Alberto Mendoza đã tình nguyện ủng hộ 6.000 trứng gà, còn làm thêm 180 nón ngăn chặn giọt bắn tặng những người cách ly và cả tổ phục vụ.
Công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 đang ở giai đoạn quyết liệt nhất, quyết định nhất, rất cần sự tin tưởng đồng lòng, chung sức của mỗi người dân không kể quốc tịch, không gian và vị trí địa lý. Bức thư đầy cảm động, khách quan của ông Alberto Mendoza qua 14 ngày trong khu cách ly tập trung của huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã góp phần giúp nhân dân trong nước và quốc tế hiểu rõ hơn quyết tâm “chống dịch như chống giặc” và tinh thần nhân văn trong công cuộc phòng, chống đại dịch của Việt Nam. Mong rằng, mỗi người chúng ta, hãy đồng lòng chung tay vì một thế giới và Việt Nam khỏe mạnh, kiên cường, phát triển.
Theo Thời Đại