Sáng 24/2, Dispatch đưa tin G-Dragon (trưởng nhóm Big Bang) và Jennie (BlackPink) hẹn hò. Hiện hai nghệ sĩ không lên tiếng về tin đồn này, trong khi công ty chủ quản YG cho biết: "Chúng tôi không thể xác nhận bất cứ điều gì về cuộc sống riêng tư của các nghệ sĩ. Chúng tôi mong các bạn thông cảm".

Dù vậy, nhiều khán giả gần như đã không còn nghi ngờ gì về thông tin hẹn hò của hai thần tượng. Họ đặt niềm tin vào loạt ảnh bằng chứng được các paparazzi rình mò trước căn hộ của G-Dragon trong nhiều tháng qua để ghi lại.

gd hen ho jennie anh 1

G-Dragon (trưởng nhóm Big Bang) và Jennie (BlackPink) được cho đang hẹn hò.

Paparazzi (thợ săn ảnh) bắt nguồn từ giới giải trí châu Âu, Mỹ và thường đồng nghĩa với việc xâm phạm đời tư của các ngôi sao giải trí. Paparazzi là những người sẵn sàng "nằm vùng" hàng tháng, thậm chí hàng năm để ghi lại những hình ảnh riêng tư nhất của nghệ sĩ, từ chuyện hẹn hò, mặt mộc, trang phục đời thường, kiểu tóc mới cho đến scandal.

Tại Hàn Quốc, khái niệm paparazzi cũng được hiểu theo nghĩa tương tự. Tuy nhiên, trong một môi trường khắt khe như Kpop, nơi các ngôi sao phải tuân theo nhiều nguyên tắc, đòi hỏi hình ảnh thuần khiết, đời tư sạch sẽ, cánh săn ảnh luôn nhăm nhe vạch trần những mảng tối, những chuyện thầm kín, còn trở nên đáng sợ hơn nhiều.

"Hung thần" của giới idol

Với những ai thường xuyên theo dõi tin tức Kpop đều sẽ nghe đến cái tên Dispatch, một trang tin nổi tiếng của Hàn Quốc chuyên thông tin về bí mật của idol, đặc biệt là chuyện hẹn hò.

Những bức ảnh paparazzi đầu tiên của Dispatch được tiết lộ vào ngày 1/1/2008. Cặp sao mở màn năm đó là diễn viên Kim Jongmin và MC Hyun Young.

Kể từ đó, gần 40 cặp đôi nổi tiếng khác đã bị Dispatch "khui" hẹn hò theo cách tương tự, bao gồm Bi Rain - Kim Tae Hee (2013), Suzy - Lee Min Ho (2015), Hani (EXID) - Junsu (JYJ) (2016), Son Ye Jin - Hyun Bin (2021)...

Với nhiều thần tượng, hẹn hò là điều cấm kỵ. Trong hợp đồng ký kết với công ty quản lý, họ thậm chí được yêu cầu không yêu đương trong 2-3 năm đầu tiên sau khi debut. Chính vì vậy, cánh paparazzi chuyên tiết lộ thông tin hẹn hò như Dispatch được ví như "hung thần" của giới idol.

Trên thực tế, không ít thần tượng từng lao đao, bị hủy hoại sự nghiệp sau khi bị Dispatch phanh phui bằng chứng hẹn hò với người trong ngành.

Năm 2010, khi SHINee đang trong thời kỳ đỉnh cao, thành viên Jong Hyun bị lộ loạt ảnh hẹn hò với nữ diễn viên Shin Se Kyung. Tin tức này lập tức gây chấn động không chỉ với các SHAWOL mà còn khiến cả cộng đồng fan Kpop bất ngờ.

Dù không ngần ngại thừa nhận mối quan hệ, hai ngôi sao không được khán giả ủng hộ. Họ phải chịu nhiều điều tiếng, áp lực dư luận trước khi kết thúc mối quan hệ không lâu sau đó.

Năm 2014, cựu thành viên f(x) Sulli và rapper Choiza bị Dispatch tiết lộ thông tin hẹn hò. Trước khi chia tay, cả hai đối mặt với vô số lời chỉ trích, miệt thị.

Học viện đào tạo paparazzi

ỞHàn Quốc, cụm từ paparazzi không chỉ áp dụng cho các nhiếp ảnh gia theo chân người nổi tiếng. Nó còn được dùng cho những cá nhân chuyên săn các khoản tiền thưởng bằng cách chụp, ghi lại các hành vi vi phạm như vượt đèn giao thông hoặc làm rơi tàn thuốc trên đường phố.

Một paparazzi có thể nhận được khoản tiền thưởng 50.000 won (45 USD) khi báo cáo và nộp bằng chứng về những vi phạm nhỏ. Số tiền thưởng có thể lên đến 2 tỷ won (1,8 triệu USD) trong trường hợp khai báo tham nhũng quy mô lớn liên quan đến các quan chức chính phủ.

Trong thời dịch Covid-19, thuật ngữ coparazzi (từ ghép corona và paparazzi) còn được sáng tạo để chỉ các paparazzi chuyên báo cáo vi phạm quy tắc kiểm dịch như không giữ khoảng cách, không đeo khẩu trang, tụ tập đông người...

Chính phủ Hàn Quốc cho biết họ sẽ trả từ 100.000-500.000 won (90-450 USD) cho những coparazzi xuất sắc.

gd hen ho jennie anh 5

Các học viện đào tạo paparazzi phát triển ở Hàn trong mùa dịch. Ảnh:Naver.

Trong bối cảnh đó, nhiều người dân ở xứ củ sâm đang đổ xô tìm kiếm các khóa học paparazzi. Các học viện đào tạo cánh săn ảnh vốn đã phổ biến trước mùa dịch nay càng được dịp nở rộ.

Chosun ước tính có khoảng 20 học viện đào tạo thợ săn ảnh trên toàn quốc. Học viên mất từ 100.000-250.000 won (90-225 USD) cho 1-2 buổi học với người hướng dẫn.

Các bài học từ lý thuyết cho đến thực hành, dạy học viên từ việc sử dụng các thiết bị quay chụp cho đến cách chụp ảnh mà không bị phát hiện. Tuy nhiên, tờ DongA cảnh báo không ít trung tâm đào tạo paparazzi thuộc dạng lừa đảo và từng quỵt tiền học viên.

Một số người được khuyến khích mua các thiết bị quay chụp chuyên nghiệp tại học viện với giá từ 500.000-2 triệu won (450-1.800 USD). Nhưng thực chất những loại máy ảnh này có chất lượng rất kém. Khi phát hiện bị lừa, các học viên tìm đến trung tâm để đổi trả song đều bị từ chối với lý do máy đã qua sử dụng.

Theo Zing