Từ lâu, quấy rối tình dục tại nơi làm việc được cho bắt nguồn từ sự mất cân bằng quyền lực.

Kẻ quấy rối thường nắm giữ vị trí quyền lực, ví dụ như giám đốc điều hành hoặc người đứng đầu một studio. Mục tiêu của những kẻ này thường là đồng nghiệp cấp dưới, như một thư ký hay diễn viên trẻ tham vọng, theo Channel News Asia.

Vì vậy, nhiều người nhận định rằng những người có ít quyền lực nơi làm việc hay các nhân viên nhỏ sẽ dễ trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục hơn.

Tuy nhiên, sự thật không hoàn toàn đơn giản như vậy.

Theo cuộc khảo sát của tổ chức AWARE và công ty nghiên cứu thị trường Ipsos trên 1.000 người về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Singapore, phụ nữ có kinh nghiệm giữ chức vụ quản lý có tỷ lệ bị quấy rối cao hơn và đối mặt nhiều hình thức quấy rối hơn nhóm khác.

Ví dụ, 10% nhân viên bình thường nhận được những lời hứa hẹn về thăng chức để đổi lại quan hệ thể xác và ngược lại, bị đe dọa nếu không hợp tác. Với những phụ nữ ở cấp quản lý, họ cho biết đã trải qua cả hai hình thức quấy rối này với tỷ lệ gấp đôi là 21%.


                                                                                        Phụ nữ chức vụ cao cũng có thể là nạn nhân của quấy rối tình dục nơi công sở. Ảnh minh họa: The Conversation.


Nhiều nghiên cứu quốc tế cũng chỉ ra phụ nữ làm việc trong vai trò giám sát dường như bị quấy rối ở mức độ cao hơn.

Năm 2012, các trường đại học Minnesota và Maine (Mỹ) nghiên cứu câu trả lời của 522 người, cũng như thực hiện phỏng vấn với 33 đàn ông và phụ nữ.

Theo đó, một nữ quản lý từng bị quấy rối tại nơi làm việc cho biết cô cảm thấy mình phải “chịu đựng” điều đó để không bị mất việc và duy trì mối quan hệ với đồng nghiệp.

Cuộc khảo sát cho thấy nhiều nữ quản lý không tố cáo hành vi quấy rối vì họ chỉ muốn quên đi sự việc. Gần 1/5 cảm thấy việc làm bung bét ra sẽ phản tác dụng: ảnh hưởng đến sự nghiệp chuyên môn hoặc gây tổn hại đến danh tiếng của họ.

Nguyên nhân


Một trong những lý do giải thích tình trạng này là các nhà quản lý nữ được coi là mối đe dọa trong những nơi làm việc thường do nam giới thống trị. Khi đó, quấy rối tình dục trở thành một công cụ cân bằng quyền lực để “đặt phụ nữ vào đúng vị trí của họ”.

Theo Heather McLaughlin, tác giả của nghiên cứu năm 2012 đề cập ở trên, quấy rối là một cách làm suy giảm uy tín của một người phụ nữ quyền lực. Đó có thể là những nhận xét khiếm nhã về cơ thể, quấy rối bằng lời nói bởi đồng nghiệp nam và cấp dưới.

Do quan niệm sai lầm phổ biến rằng các hành vi quấy rối bằng lời nói “không nghiêm trọng” như đụng chạm thể xác, những kiểu quấy rối tình dục này thường bị coi là “trò đùa vô hại” hoặc “trò đùa công sở” - vốn có trong văn hóa công ty.


                                                    Phần lớn nạn nhân quấy rối nơi công sở là nữ, nhận được những lời hứa hẹn về thăng chức để đổi lại quan hệ thể xác. Ảnh minh họa: Womensenews.


Quan niệm này còn tạo xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân vì đã "chuyện bé xé ra to", cho rằng họ nên thích nghi với văn hóa xung quanh mình thay vì đi ngược lại.

Trong trường hợp phụ nữ nắm quyền, kiểu văn hóa này còn gây áp lực buộc họ phải kết thân với những người quản lý nam khác vì lợi ích của tổ chức và để cho tình trạng quấy rối tái diễn.

Thay đổi


Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy một số tín hiệu tốt. Việc tỷ lệ báo cáo về quấy rối tình dục ở lãnh đạo nữ cao hơn, 49% so với 26% ở nhân viên bình thường, cho thấy họ có hiểu biết hơn, nhận thức được đó là quấy rối.

Việc thiếu kiến thức là một rào cản rất lớn trong hành trình chống lại nạn quấy rối tình dục.

Khi được hỏi liệu có bị quấy rối tình dục trong 5 năm qua hay không, 1/5 người trả lời khảo sát của AWARE-Ipsos chỉ nhận ra những gì họ đã trải qua là "có vấn đề" sau khi đọc các mô tả dấu hiệu. Khi nhiều loại quấy rối được chỉ ra hơn, con số trở thành 2/5.

                                                                          Mỗi cơ quan, doanh nghiệp cần có bộ quy định cụ thể về quấy rối tình dục để ngăn chặn tình trạng này. Ảnh: New York Times.


Tại nhiều môi trường làm việc, ngay cả những nơi được đào tạo bài bản về chống quấy rối tình dục, đều không tính đến những rủi ro mà các nữ quản lý phải đối mặt.

Để giải quyết vấn đề này, Singapore cần ban hành bộ luật cụ thể, đưa ra định nghĩa và ví dụ về quấy rối tình dục tại nơi làm việc, đảm bảo tất cả người lao động được bảo vệ và thực thi trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Đặc biệt, các nhà tuyển dụng nên tự trang bị kiến thức, phương án tốt hơn để đối phó với vấn đề này. Mọi cơ quan nên tự tạo ra bộ quy định rõ ràng về chống quấy rối tình dục, bao gồm các ví dụ về hành vi bị cấm cũng như quy trình báo cáo và khiếu nại.

Bằng những cách đó, việc giảm thiểu quấy rối tình dục mới đạt được hiệu quả, không phân biệt giới tính, ngành nghề hay vị trí quyền lực.

Theo Zing