Bài viết của nhà văn tự do Trung Quốc Anh Anh.
Gần đây "bà mẹ sắt" Trương Quế Mai – nữ hiệu trưởng có công đưa nhiều bé gái nông thôn Vân Nam đến những trường đại học danh tiếng – đã đuổi một cựu học sinh khi người này đến trường xin tiền. Bà Trương mắng: "Ra khỏi đây ngay. Con chỉ làm được nội trợ toàn thời gian, dựa dẫm vào đàn ông thôi ư?".
Nhiều năm trước, mục tiêu mở trường của bà Trương là thay đổi cuộc sống cơ cực, không lối thoát của những cô gái xuất thân từ gia đình nghèo khó. "Nữ sinh đó làm tôi thất vọng", bà chua chát.
Từ vụ việc này, nhiều người đặt câu hỏi: "Học xong rồi làm nội trợ có phí hoài không?". Phụ nữ nội trợ toàn thời gian đang được mạng xã hội nhắc đến là một người không có thu nhập độc lập và phải chịu trách nhiệm chăm sóc nhu cầu thiết yếu của gia đình. Nói cách khác, về kinh tế những phụ nữ này dựa dẫm hoàn toàn vào đàn ông.
Tôi từng đặt câu hỏi: "Làm phụ nữ toàn thời gian có đáng không? và sau đó nhận được câu trả lời từ một người bạn "Bạn sẽ hiểu khi đã trải qua". Bạn tôi làm nội trợ toàn thời gian một năm sau khi tốt nghiệp đại học. Đó là khoảng thời gian tự ti và chán nản nhất trong cuộc đời. Ngày nào cũng phải dậy sớm, dọn dẹp nhà cửa, trưa ăn gì thì ăn nhưng tối nhất định phải làm một bữa thật ngon cho chồng.
Không có thu nhập, bạn tôi rất ngại vào các ứng dụng mua sắm. Chồng đưa cho bao tiền biết bấy nhiêu, đòi thêm sẽ bị kêu ca hoang phí. Mỗi khi bước chân về nhà nhìn thấy chút rác vương vãi, chồng tức giận nói rằng không hiểu vợ làm gì khi chỉ quanh quẩn nội trợ. Trong một lần cãi vã, người chồng nói: "Không có thu nhập chính là không có phẩm giá và không có giá trị ở cái nhà này". Sau lời nói đó, họ chia tay. Bạn tôi nói rằng, cô ấy sẽ không bao giờ sống mà không có giá trị nữa.
Nhiều người nói, nội trợ toàn thời gian là một việc làm vĩ đại, bởi việc nhà tưởng như nhỏ nhặt nhưng lại tốn công sức vô cùng. Ngày ba bữa, mỗi bữa phải mua thức ăn về nấu cơm, rửa bát. Quanh năm, ngày nào cũng phải dọn dẹp, giặt giũ quần áo. Nếu không hoàn thành hôm nay sẽ phải hoàn thành vào ngày mai, mãi mãi không hết việc.
Cùng với nhiệm vụ lớn nhất trong lịch sử nhân loại là nuôi dạy trẻ em. Khối lượng công việc này nhiều hơn gấp chục lần khi bạn đi làm ở công ty, và người nội trợ toàn thời gian là một công nhân lành nghề nhất. Khi làm việc trong công ty, mọi người có KPI để định lượng kết quả công việc, hệ thống thưởng phạt rõ ràng. Còn người nội trợ toàn thời gian? Kết quả công việc phụ thuộc vào đánh giá của người chồng, không lương, không điều khoản, chỉ có tờ hôn thú đóng dấu. Chưa kể, việc nhà rất khó để người khác đánh giá hoàn thành tốt đẹp hay chưa.
Bận bịu cả ngày, cuối cùng cũng đợi chồng đi làm về. Cô ấy bưng ra món canh sườn củ sen hầm 24 tiếng. Chồng xúc một thìa vào miệng và nhận xét: "Cũng không tệ". Sau đó tiếp tục nói về công việc. Lúc này trong thế giới của chồng, công việc của anh ta mới là quan trọng nhất. Người vợ cặm cụi ninh súp trong một ngày chỉ nhận được cụm từ "Cũng không tệ".
Mọi chuyện cũng sẽ ổn nếu chẳng may người chồng đột nhiên mất việc, toàn bộ kinh tế gia đình sẽ sụp đổ. Một khi có trục trặc trong hôn nhân, phụ nữ vốn không độc lập về kinh tế sẽ là người chịu thiệt thòi nhất.
Ở Trung Quốc, tại các vùng nông thôn và miền núi, nơi các cô gái lấy chồng sinh con từ năm 15 tuổi, sớm chịu cảnh tề gia nội trợ thì có nơi cứ 3 người lại có một người tự tử. Họ đều nằm trong độ tuổi từ 15-35, đáng nhẽ ở lứa tuổi sung sức và đẹp đẽ nhất cuộc đời. Kết quả không ai ngờ lại khủng khiếp như vậy.
Người nội trợ toàn thời gian rất vĩ đại nhưng tôi khuyên bạn không nên vĩ đại như thế. Nhiều người cho rằng nội trợ toàn thời gian là quyền tự do lựa chọn của mỗi người. Trên lý thuyết đúng như vậy nhưng nhiều phụ nữ bị ảnh hưởng, thuyết phục, hoặc thậm chí bị bắt cóc để trở thành những bà nội trợ toàn thời gian từ khi còn nhỏ.
Thời thơ ấu, đồ chơi được săn lùng nhiều nhất của các bé gái là bộ nấu ăn hay những căn nhà búp bê, nơi bọn trẻ có thể được làm một bà nội trợ chính hiệu và chúng hạnh phúc vì điều đó. Thế nhưng với các cậu bé, một khẩu súng đồ chơi có thể "biến" chúng thành những anh hùng chống lại cả thế giới. Vì vậy, nhiều cô gái khi yêu sâu đậm sẽ không khỏi nảy sinh ý muốn "em muốn sinh con cho anh ấy", "em muốn làm bà nội trợ của anh ấy", đó là điều hết sức tự nhiên. Bởi vì chúng ta đã bị ảnh hưởng như thế này từ khi còn nhỏ!
Tuy nhiên không phải cứ làm nội trợ toàn thời gian là thất bại. Trong bộ phim "Little Women" (Những người phụ nữ bé nhỏ), lý tưởng lớn nhất của người chị cả Meg là được sống bên người mình yêu. Dù cô đã sớm nhận ra cái giá phải trả của việc kết hôn với tình yêu đích thực là cuộc sống khó khăn và thiếu tự do. Nhưng vì tình yêu, cô không bao giờ thấy hối tiếc. Cô em gái thứ hai Jo từng giận dữ vì tất cả người lớn đều nói "phụ nữ chỉ có thể kết hôn hoặc chết trong nghèo đói". Suốt thời tuổi trẻ, cô chống đối hôn nhân, nỗ lực xây dựng cuộc đời độc lập. Nhưng rồi cô cũng phải rơi nước mắt vì sự vất vả và cô đơn của mình trên con đường này.
Những phụ nữ khác nhau tất nhiên có những cách sống khác nhau.
Chỉ là đối với các học sinh nữ của hiệu trưởng Trương Quế Mai, việc tự khẳng định mình dựa vào nỗ lực của bản thân chắc chắn có ý nghĩa hơn rất nhiều chỉ quanh quẩn làm nội trợ. "Mặc dù vô cùng khó khăn, nhưng con đường tự lực luôn đáng tin cậy nhất", bà Trương nói.
Nhà nữ quyền người Pháp Simone de Beauvoir nhấn mạnh: "Bất hạnh của người phụ nữ nằm ở chỗ bị bao quanh bởi sự cám dỗ gần như không thể cưỡng lại được. Khi cô ấy phát hiện ra mình bị lừa bởi một ảo ảnh thì đã quá muộn. Sức mạnh của họ đã bị kiệt sức trong một cuộc phiêu lưu thất bại".
Tôi tôn trọng sự lựa chọn của tất cả phụ nữ, nhưng tôi không khuyến khích các cô gái làm nội trợ toàn thời gian một cách hấp tấp. Đừng dùng quyền tự do và năng lực của mình để đổi lấy sự mất tự chủ về kinh tế.
Theo vnexpress