Một tầng lớp phụ nữ trẻ được mệnh danh là các "tiểu muội" đang nhanh chóng trở thành động lực chi tiêu quan trọng ở Trung Quốc, thúc đẩy triển vọng kinh doanh của tất cả các công ty buôn bán mọi mặt hàng, từ bia, rượu đến mỹ phẩm, thực phẩm.
Họ đều là những người có học thức, thu nhập tương đối ổn định, đang trì hoãn hoặc từ bỏ ý định kết hôn và làm mẹ, giúp họ có thêm tiền và tự tin hơn trong việc chi tiêu cho bản thân.
"Tiểu muội" là cụm từ đang trở nên thịnh hành ở Trung Quốc, được sử dụng rộng rãi trong các bộ phim và cả chương trình truyền hình thực tế. Tầng lớp "tiểu muội" là một phân khúc ngày càng quan trọng của bộ phận người tiêu dùng nữ ở Trung Quốc. Họ chiếm tới 3/4 lượng mua hàng ở tất cả các nhóm tuổi tại quốc gia đông dân nhất thế giới này, theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Frost and Sullivan.
"Quyền lực ngày càng tăng của những phụ nữ thành thị có học thức ở độ tuổi từ 20 đến 40 đang trở thành đề tài ăn khách trong các bộ phim truyền hình và chương trình giải trí", Wendy Liu, chuyên gia chiến lược tại Hong Kong của ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS Group, cho hay. Liu từng đăng một bài viết đánh giá về cái mà bà gọi là nền kinh tế "tiểu muội".
"Nói chung, thu nhập khả dụng ngày càng tăng của họ cùng với khao khát hướng tới một 'cuộc sống tốt đẹp' đã tác động mạnh mẽ tới nhu cầu về mỹ phẩm, hàng miễn thuế, chăm sóc sức khỏe, trò chơi di động hay các nội dung Internet. Quan trọng hơn, nền kinh tế 'tiểu muội' có thể ảnh hưởng đến chi tiêu của các gia đình và trẻ em trên mọi lĩnh vực của thương mại điện tử và giải trí", bà đánh giá.
Tầng lớp "tiểu muội" sẽ dẫn tới sự bùng nổ chi tiêu trong các lĩnh vực từ làm đẹp đến thể thao, thực phẩm, đồ uống, đồ gia dụng, theo UBS và HSBC Holdings, công ty cũng vừa đưa ra một báo cáo mới về khả năng chi tiêu không ngừng tăng của phụ nữ Trung Quốc.
"Phụ nữ đang làm việc nhiều hơn, có tiếng nói lớn hơn trong các quyết định chi tiêu của hộ gia đình và mua sắm cho bản thân nhiều hơn", Herald van der Linde, trưởng ban chiến lược tài sản tại HSBC Hong Kong, nói. "Rõ ràng là phụ nữ đang trở thành những người tiêu dùng vô cùng quan trọng".
Tầm quan trọng của túi tiền các "tiểu muội" không chỉ được khẳng định trong những thị trường truyền thống như mỹ phẩm mà giờ đây còn lan sang nhiều lĩnh vực khác.
Chi tiêu từ phụ nữ chiếm tới 60% thị trường ăn uống trị giá 662,7 tỷ USD của Trung Quốc, theo Industrial Securities. Trong khi đó, dữ liệu từ công ty chứng khoán Wanlian Securities cho thấy lượng bia được tiêu thụ bởi phụ nữ trong tháng 7/2020 đã tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Họ thậm chí còn ngày càng ưa thích loại rượu Mao Đài Quý Châu nổi tiếng của Trung Quốc, vốn trước đây chỉ thịnh hành trong giới đàn ông. Phụ nữ mua tới 1/3 rượu Mao Đài Quý Châu được bán trên Tmall, nền tảng thương mại điện tử của Tập đoàn Alibaba, vào ngày khuyến mại giữa năm hồi tháng 6. Mức mua này tăng 12% so với năm ngoái.
Các công ty quản lý tài chính đã bắt đầu nhảy vào cuộc. Công ty Quản lý Quỹ Bosera, trụ sở ở Thâm Quyến, hồi tháng 6 ra mắt quỹ tương hỗ đầu tiên tại Trung Quốc tập trung vào tiêu dùng của phụ nữ. Được gọi là Quỹ Hỗn hợp Chủ đề Tiêu dùng Phụ nữ, nó đã tăng gần 2% giá trị tài sản ròng kể từ khi thành lập.