Kinh doanh có cửa hàng, công ty mới là... có nghề?
Chiều 22/11, tại tọa đàm: “Nâng cao kỹ năng số cho phụ nữ: Cân bằng giữa phát triển kinh doanh và công việc chăm sóc” do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) phối hợp Quỹ Châu Á tại Việt Nam tổ chức.
Ông Filip Graovac – Phó trưởng đại diện văn phòng Quỹ Châu Á tại Việt Nam chỉ ra, công việc chăm sóc không lương (bao gồm chăm sóc con cái, người già và các công việc nội trợ) vẫn là một gánh nặng lớn đối với phụ nữ ở Việt Nam, đặc biệt là những người đang điều hành các doanh nghiệp nhỏ.
|
|
Các chuyên gia kêu gọi thay đổi quan niệm của cộng đồng về phụ nữ làm việc nhà - ảnh: H.Anh |
Tại chương trình, bà Trần Thị Thu Hà (Quỹ Châu Á) đã công bố một nghiên cứu ban đầu về Vai trò của công nghệ số đối với công việc chăm sóc không lương của phụ nữ kinh doanh. Theo khảo sát 664 người lựa chọn ngẫu nhiên - đến từ 5.000 người đăng ký tham gia khóa học AMB (chủ yếu phụ nữ ở Hà Nội và Thanh Hoá), có tới 78% phụ nữ bị ảnh hưởng công việc kinh doanh khi phải gồng gánh các công việc chăm sóc gia đình không lương.
Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030 đặt ra mục tiêu giảm số giờ trung bình làm việc nội trợ và chăm sóc gia đình không được trả lương của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Thu Hà, chiến lược này chưa làm rõ những công việc chăm sóc gia đình không được trả lương gồm những việc nào.
Đặc biệt, theo vị nữ chuyên gia, trong xã hội còn rất nhiều quan niệm cổ hủ, chưa xác đáng về việc chăm sóc gia đình không lương. Theo đó, nhiều người cho rằng, chăm sóc người cao tuổi là trách nhiệm của con cái, thuê người chăm sóc là không hay.
“Nhiều người bán hàng online vẫn được xem là người nội trợ ở nhà; chỉ có người có cửa hàng, công ty mới được xem là có nghề và được giảm bớt thời gian làm việc”, bà Trần Thị Thu Hà nói.
Tương tự, quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ”, theo bà Trần Thị Thanh Loan - Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới khiến người phụ nữ bị trói buộc trong suy nghĩ phải đảm đương, gánh vác việc nhà. Thực tế từ đợt COVID-19 cho thấy, nhiều người phụ nữ vừa phải lo kinh doanh, vừa phải lo công việc gia đình đã tạo ra cho họ sự căng thẳng.
Cuộc đấu tranh "chính nghĩa"
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Hải Đường - Tổng giám đốc Tổ chức tài chính vi mô TNHH Thanh Hóa phân tích: “Việc đảm nhận nhiều vai trò, ngoài điều hành doanh nghiệp, nữ doanh nhân phải kiêm nhiệm chăm sóc gia đình, con cái khiến họ mệt mỏi, khó khăn trong cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân”.
Trước thực tế này, các chuyên gia nhấn mạnh phải tiếp tục tuyên truyền sự tham gia của nam giới trong các công việc nhà; khuyến khích sự phát triển và sử dụng dịch vụ chăm sóc người già, trẻ em...
PGS. TS Bùi Quang Tuấn – Phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam bày tỏ: “Làm thế nào để nam giới hiểu hơn về công việc nhà của phụ nữ; cần phải thay đổi nhận thức, định kiến, văn hóa của xã hội. Điều này có thể đòi hỏi một thời gian dài nhưng đây là cuộc tranh đấu “chính nghĩa”, chắc chắn sẽ thành công”.
Để cân bằng công việc và việc nhà, bên cạnh sự chung tay của người đàn ông trong gia đình, PGS.TS Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh sự tham gia của phụ nữ vào các nền tảng số, ứng dụng chuyển đổi số và khoa học công nghệ sẽ mang lại hiệu quả cao.
Ông cho rằng, phụ nữ tham gia chuyển đổi số sẽ mang lại được nhiều lợi ích như giúp quản trị tốt, tăng hiệu quả và năng suất, giảm chi phí, mở rộng thị trường và kết nối doanh nghiệp. Việc giao lưu của phụ nữ khó khăn hơn nam giới nhưng khi kết nối trên mạng sẽ thuận tiện hơn. Ngoài ra, có cơ hội kết nối về thị trường, nguồn lực…
Robot và AI đang làm thay đổi thế giới, ứng dụng công nghệ này vào cuộc sống cũng góp phần làm giảm thời gian làm việc nhà trong mỗi gia đình.
Theo phụ nữ TPHCM