Câu chuyện điển hình ở Nhật

Nhật Bản xếp thứ 118/146 quốc gia trong Báo cáo khoảng cách giới tính toàn cầu năm 2024 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Ở quốc gia này, tỉ lệ tuyển sinh đại học của nữ vượt quá 50%, tương tự như nam giới. Phụ nữ Nhật Bản có kỹ năng ngang bằng nam giới, ít nhất là sau khi hoàn thành chương trình giáo dục. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ Nhật Bản rất ấn tượng: 73%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) là 61%. Nhìn chung, khi bắt đầu sự nghiệp, không có sự khác biệt giữa nam và nữ, cả về tỉ lệ tham gia và thu nhập trung bình. Tuy nhiên, quỹ đạo phát triển của họ tại nơi làm việc sau đó rất khác nhau và khoảng cách tiền lương giữa 2 giới ở Nhật rộng hơn nhiều so với các quốc gia phát triển và đang phát triển khác.

leftcenterrightdel
 2 nữ lao động trẻ đang trên đường đi phỏng vấn tuyển dụng ở Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: Tsuyoshi Tamehiro (Nikkei Asia)

Sagiri Kitao - giáo sư kinh tế và chính sách xã hội tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia (Tokyo, Nhật Bản) - giải thích: yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng trên là do hệ thống tài chính không khuyến khích phụ nữ làm việc và xây dựng sự nghiệp. Ở những thập niên trước, khi kỳ vọng của xã hội đã giới hạn phụ nữ ở nhà và chăm sóc con cái, chính phủ đã đưa ra các chính sách giúp đỡ những gia đình có thu nhập hạn chế. Những người phụ thuộc có thu nhập mỗi năm dưới 1,3 triệu yên (8.410 USD) được miễn đóng góp cho các chương trình bảo hiểm xã hội nếu chồng hoặc vợ của họ có bảo hiểm tại nơi làm việc. Vì vậy, nhiều người có thu nhập quanh ngưỡng đó sẽ chọn điều chỉnh việc làm để không vượt qua mức giới hạn.

Ngoài ra, các công ty Nhật cũng thường cung cấp phúc lợi cho nhân viên nếu người phụ thuộc của họ không kiếm được nhiều tiền. Kết quả, phụ nữ thường làm những công việc có thu nhập thấp hoặc tập trung hoàn toàn vào việc nội trợ để nuôi dạy con cái và hỗ trợ sự nghiệp cho chồng.

Thị trường kỳ vọng ở lao động nữ

Tại Mỹ, các nhà sản xuất đang chật vật tìm cách lấp đầy 600.000 vị trí làm việc đang bị thiếu. Phụ nữ chiếm gần một nửa lực lượng lao động Mỹ. Tuy nhiên hiện họ chỉ chiếm 30% lực lượng lao động. Một tiềm năng to lớn chưa được khai thác khi đang có 3,06 triệu phụ nữ cần tìm việc làm. Theo bà Mariana Cogan - Giám đốc tiếp thị châu Mỹ của công ty tư vấn Hexagon Manufacturing Intelligence (Mỹ) - ngoài việc giải quyết tình trạng thiếu nhân lực, sự tăng cường đa dạng giới tính trong sản xuất còn mang lại ý nghĩa kinh doanh tốt. Các nghiên cứu đã chỉ ra: những công ty có lực lượng lao động và đội ngũ lãnh đạo đa dạng có khả năng đổi mới, sinh lời nhiều và giữ chân nhân tài tốt hơn.

Nhu cầu về nhà phát triển phần mềm hiện đang tăng lên trên toàn thế giới, đặc biệt là trong nhóm ngành công nghệ. Cục Thống kê Lao động Mỹ dự đoán đến năm 2030, thế giới có thể thiếu đến 85,2 triệu vị trí phát triển phần mềm. Điều này gây ra rủi ro đáng kể cho các công ty và có khả năng dẫn đến tổn thất doanh thu toàn cầu vượt quá 8.400 tỉ USD. Khảo sát năm 2022 của trang Statista cho thấy, 91,88% nhà phát triển phần mềm trên toàn thế giới là nam giới. Với sự mất cân bằng này, việc các công ty tích cực tìm kiếm ứng viên nữ trong chu kỳ tuyển dụng tiếp theo là điều hiển nhiên.

Mvelo Hlophe - Giám đốc điều hành của Zaio, một nền tảng giảng dạy lập trình trực tuyến có trụ sở tại Nam Phi - cho biết: “Phụ nữ có thể đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết tình trạng thiếu nhân lực trình độ cao, nhưng điều này sẽ đòi hỏi các công ty công nghệ phải điều chỉnh việc tuyển dụng, đồng thời tăng cường đầu tư để giúp họ nâng cao kỹ năng và phát triển trong vai trò mới của mình”.

Theo phụ nữ TPHCM