Vững luật nên không bị o ép

Chị H.A., tại TPHCM bị cha chồng đòi đuổi ra khỏi nhà. Nguồn cơn từ tờ giấy khai sinh của con chị. Lúc làm khai sinh cho con, chồng chị khai nguyên quán con theo bên nội thì cán bộ tra cứu không ra, vì đơn vị hành chính đã thay đổi khác xưa. Do vậy, vợ chồng chị chọn khai theo quê bên nhà ngoại.

Đến khi nhận giấy khai sinh đem về, ba mẹ chồng nổi cơn thịnh nộ, mắng con dâu không biết điều đã xúi giục chồng. Ông bà còn đòi sửa khai sinh cho cháu và đuổi chị khỏi nhà.

Ban đầu, chị H.A. rất sốc, nhưng sau đó cố trấn tĩnh, bắt đầu tra cứu, tìm hiểu về luật. Chị biết được giấy khai sinh của con chị đã được làm đúng quy định pháp luật, còn việc ba chồng đòi đuổi chị ra khỏi nhà trong khi chị đã có giấy đăng ký kết hôn, đăng ký tạm trú và mới sinh con nhỏ là chưa hợp cả lý lẫn tình.

leftcenterrightdel
 Nắm chắc luật khi đặt bút ký các loại giấy tờ, bạn sẽ không rơi vào những tình huống bất lợi (ảnh minh họa)

Chị lễ phép nhưng cứng rắn bày tỏ quan điểm với nhà chồng: “Nội dung giấy khai sinh của bé không sai luật, con xin phép không chỉnh sửa. Nếu có ai chỉnh sửa, can thiệp mà không có sự đồng ý của ba, mẹ bé là không đúng quy định đâu ạ”.

Còn chị Bùi Xuân Quỳnh Anh (TPHCM) thì gặp rắc rối từ phía công ty khi chị mang thai. Chị mang bầu bé Mi Sa và không có đăng ký kết hôn (giai đoạn bắt đầu mang thai con thì chị nhận ra không muốn lấy cha của bé làm chồng). Nghe tin, cơ quan yêu cầu chị làm giấy khai báo về việc mang bầu, không kết hôn, để trình báo. Thấy không hợp lý, chị thắc mắc với công đoàn cơ quan: “Tại sao tôi phải làm tờ giấy đó? Giấy đó có trong quy định để nhận chế độ thai sản hay không?”.

Chủ tịch công đoàn vẫn yêu cầu phải viết. Chị bèn làm đơn đề nghị cơ quan giải thích lý do phải làm tờ khai như trên bằng văn bản hoặc triệu tập cuộc họp để giải thích. Cuối cùng, chị đã không phải viết tờ khai báo bản thân “không chồng mà chửa” như yêu cầu ban đầu. Chị chia sẻ, nhờ chị nắm được Bộ luật Lao động nên mới dám mạnh dạn đấu tranh trước những yêu cầu vô lý như vậy.

Hiểu luật để sống đúng luật

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh - Đoàn Luật sư TPHCM - cho biết: hiểu luật và sống đúng luật chính là chìa khóa bảo vệ quyền lợi cá nhân. Luật pháp Việt Nam không chỉ quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân mà còn đóng vai trò như một công cụ bảo vệ người yếu thế, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

leftcenterrightdel
 Chị Quỳnh Anh và con gái Mi Sa hạnh phúc bên nhau - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nhận thức đầy đủ về những quyền lợi này hoặc các quyền ấy bị lu mờ bởi định kiến xã hội và mối quan hệ trong gia đình.

Theo luật sư Thanh, trong gia đình, các hành vi bạo hành trẻ em, dù bằng lời nói hay hành động, đều bị pháp luật nghiêm cấm. Luật Trẻ em 2016 quy định quyền được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục dành cho trẻ nhỏ. Những lời dọa nạt, đuổi ra khỏi nhà, dù chỉ mang tính cảnh cáo, có thể gây ra tổn thương tâm lý lâu dài.

Pháp luật quy định rõ trong Luật Hôn nhân và Gia đình, cùng với Nghị định 144/2021/NĐ-CP, rằng các hành vi xúc phạm nhân phẩm, gây tổn thương tinh thần đều có thể bị xử lý. Những tình huống như đuổi con dâu ra khỏi nhà hay ngăn cản quyền nuôi con thường diễn ra do sự thiếu hiểu biết về pháp luật, gây thêm tổn thương cho người trong cuộc.

Tương tự, tranh chấp về khai sinh trong gia đình cho thấy sự áp đặt không đúng mực. Theo Luật Hộ tịch 2014, thông tin khai sinh có thể được lựa chọn theo nguyện vọng của cha hoặc mẹ và việc ép buộc thay đổi thông tin này là vi phạm quyền của người mẹ và con. Việc hiểu luật giúp các thành viên gia đình không lạm dụng quyền lực và giải quyết tranh chấp một cách công bằng.

Hiểu biết và tuân thủ pháp luật không chỉ bảo vệ quyền lợi của mỗi cá nhân mà còn xây dựng một xã hội công bằng và văn minh hơn. “Đôi khi, một hành động nhỏ như tìm hiểu một quy định hay tham khảo ý kiến luật sư có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống của một người. Hiểu luật và sống đúng luật không chỉ là bảo vệ chính mình mà còn là cách yêu thương và tôn trọng người khác một cách văn minh và chuẩn mực” - luật sư Đỗ Ngọc Thanh nói.

Theo phụ nữ TPHCM