Ở tuổi 27, L.T.H. (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sở hữu một căn hộ chung cư, một mảnh đất nền ở quê, tài khoản tiết kiệm hàng trăm triệu đồng, 3 hợp đồng bảo hiểm sức khỏe - bệnh hiểm nghèo, một số tài khoản đầu tư chứng khoán, vàng và nhiều hơn 2 dự án kinh doanh đang sinh lời cùng bạn bè, người quen.

Cô cho biết đó là những gì mình đạt được sau khoảng 5 năm vừa làm việc, vừa học tập nhằm đạt được sự độc lập về tài chính.

"Đối với tôi, phụ nữ cần tự lập về kinh tế để cảm thấy tự tin hơn. Có tiền, bạn có thể làm chủ cuộc đời mình mà không cần tham khảo ý kiến của bất kỳ ai. Khi không độc lập về tiền bạc, hoặc đang vay mượn, nợ nần, bạn buộc phải cho phép người khác tham gia vào quyết định của mình vì trong quyết định đó có phần đóng góp tài chính của họ", T.H. chia sẻ với Zing.

Quyền lợi của độc lập

Theo H., phụ nữ hiện đại có nhiều cơ hội để kiếm tiền hơn so với thế hệ trước đây, do vậy càng nên cố gắng để đạt được sự độc lập về tài chính. Cô cho rằng quan điểm này của mình một phần do tính cách thực tế, ngại phụ thuộc; phần khác xuất phát từ hoàn cảnh gia đình trước đây không mấy khá giả.

"Ngày tôi còn bé, mỗi lần mở miệng xin mẹ tiền học, tiền đi chơi tôi đều rất ngại, phải chờ lúc mẹ vui hoặc gần sát hạn nộp mới dám xin.

Mẹ tôi là người phụ nữ thương con cái nhưng kinh tế khó khăn quá, mẹ thường không giữ được bình tĩnh khi nhắc đến đồng tiền. Từ đó, tôi hình thành tính cách cần gì đều cố gắng tự làm trước, coi việc nhờ đến người khác là phương án cuối cùng, không riêng gì chuyện tiền nong", cô kể lại.

Đối với H., quyền lợi lớn nhất khi độc lập tài chính đó chính là sự tự do. Ngay cả việc đầu tư rồi thất bại, cô cũng cảm thấy thoải mái bởi đó là quyết định và sai lầm của cá nhân, không chịu tác động hay gây ảnh hưởng đến người khác.

phu nu doc lap tai chinh anh 1

H. cho rằng phụ nữ hiện đại có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn so với thế hệ trước. Ảnh:Phương Lâm.

Trong tình yêu, H. càng cần đến sự rạch ròi tiền bạc. Cô cho rằng mỗi người nên là một cá thể độc lập cả về kinh tế và tình cảm, sự phụ thuộc sẽ gây ra gánh nặng và mệt mỏi không cần thiết.

"Có thể quan điểm của tôi hơi tiêu cực so với số đông, nhưng thật sự ai nấy đều nên tự chịu trách nhiệm với chính mình. Tất nhiên, tôi không cổ súy cho những mối quan hệ rời rạc. Nhưng sẽ chẳng tốt hơn sao nếu phụ nữ và đàn ông có tiền của riêng mình, dùng tiền đó quan tâm, lo lắng cho nhau và xây dựng gia đình cân bằng?".

Từ năm 2 đại học, Thanh Hằng (24 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã không còn dựa vào khoản chu cấp của bố mẹ.

Cô bắt đầu đi dạy piano bán thời gian từ năm 18 tuổi và gắn bó với nghề từ đó. Hằng cho biết mình có nhiều thời gian rèn thói quen chi tiêu, tích lũy được một khoản đáng kể từ khá sớm.

Nhờ vậy, cô quyết định dọn ra ở riêng cùng bạn trai vào đầu năm 2021 mà không đắn đo điều gì về chuyện tiền bạc.

Cô không tiết lộ cụ thể thu nhập hàng tháng nhưng khẳng định đó là mức tiền có thể giúp mình sống thoải mái mà không cần sự trợ giúp của gia đình, bạn trai.

“Khi sống cùng nửa kia, chúng tôi cùng san sẻ chi phí sinh hoạt và tiết kiệm tiền bạc. Cả hai đều độc lập về kinh tế với gia đình nên chúng tôi tự tin có thể sống riêng”, Hằng kể.

 
phu nu doc lap tai chinh anh 2

Thanh Hằng dọn ra ở riêng cùng bạn trai khi đã độc lập về tài chính. Ảnh:NVCC.

Để có mức thu nhập tốt, Hằng xếp kín lịch dạy đàn cho tất cả buổi tối trong tuần và làm thêm cả cuối tuần. Cô thừa nhận cuộc sống của mình bận rộn với lịch làm việc dày đặc, song cô vẫn hài lòng với cuộc sống khi tự chủ tài chính.

"Cá nhân tôi thấy tiêu tiền của bản thân là thoải mái nhất. Nếu mãi dựa dẫm vào người khác, bản thân sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề khi chỗ dựa ấy không còn. Do sống với người yêu, tôi cũng thấy độc lập về kinh tế giúp cả hai có thể đỡ đần nhau, có chung tiếng nói trong mọi chuyện".

Một nguyên nhân khác khiến Hằng muốn độc lập từ sớm là có thể tự quyết định các vấn đề cá nhân, trong đó có chuyện kết hôn.

"Tôi và người yêu ở bên nhau đã lâu, lại dọn về sống cùng nhau nên hai bên gia đình có thúc giục chuyện kết hôn. Tuy nhiên, vì cố tiền, tôi không bị ảnh hưởng về điều đó. Tôi muốn và có thể sống cuộc đời của mình".

Cái giá

Dẫu vậy, Hằng vẫn thường phải "đau đầu" về chuyện tiền bạc, đặc biệt khi công việc của cô chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi những đợt dịch bệnh vừa qua.

Trong suốt nhiều tháng giãn cách xã hội, công việc ngưng trệ, Hằng được "cứu" nhờ số tiền tích lũy. Sau dịch, cô càng quyết tâm kiếm thêm tiền, thử thách mình với việc đầu tư để đảm bảo cho những tình huống bất trắc.

"Tôi chỉ có một nguồn thu nhập, không đầu tư nên mọi khoản tích lũy đều quy về một mối. Đợt dịch vừa rồi, tôi khá lo lắng khi phải cân nhắc mua - không mua gì khi thu nhập giảm đột ngột. Giờ đây, tôi nghĩ rằng bản thân cần bắt tay đầu tư một hạng mục nào đó để gia tăng tích lũy", cô nói.

Hay như đối với T.H., cái giá phải trả cho mong ước độc lập tài chính đó là cảm giác vất vả, mệt mỏi và cô độc.

Để kiếm tiền nhiều, mỗi ngày cô nghĩ ngợi nhiều hơn, cũng nghỉ ngơi ít đi một chút. Khi có vấn đề phát sinh, việc tự tìm cách giải quyết đôi khi khiến cô khủng hoảng, tủi thân vì không ai đủ hiểu vấn đề để giúp đỡ.

"Tôi có tâm lý sợ mắc nợ người khác, ngại nhờ vả và tự chịu áp lực một mình. Tôi nghĩ một phần do vậy mà tình yêu, tình thân của tôi cũng thiếu gắn kết", Hà bày tỏ.

 
phu nu doc lap tai chinh anh 3

Việc độc lập tài chính khiến nhiều cô gái áp lực, mệt mỏi. Ảnh:Duy Hiệu.

Tuy nhiên, cá nhân cô vẫn ủng hộ phái nữ độc lập về tài chính.

"Việc độc lập có mang lại sự hài lòng, hạnh phúc hay không sẽ phải tùy thuộc vào cách thể hiện và vận dụng của các bạn trong từng tình huống. Tôi không phải người giỏi cân bằng cuộc sống và công việc, nhưng tôi vẫn thấy nhiều người làm được, không những vậy còn làm rất tốt. Có lẽ song song bài học độc lập, tự do tài chính, phụ nữ cần học thêm cả cách cân bằng điều đó với cảm xúc của mình", cô cho hay.

Phụ nữ và sự tự do tài chính

Phụ nữ ngày càng có khả năng, cơ hội chứng minh sự độc lập tài chính và năng lực bản thân.

Theo số liệu được công bố vào ngày 4/3 vừa qua của Hãng tư vấn doanh nghiệp Grant Thornton, trong năm 2021, Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm 6 điểm % (còn ở mức 33%) số lượng phụ nữ ở vị trí quản lý cấp cao, trong khi thế giới tăng một điểm % (vượt mốc 30%).

Tuy nhiên, nguyên nhân của tình trạng này có thể dễ dàng lý giải do giai đoạn giãn cách xã hội và những người mẹ buộc phải tạm dừng công việc để ở nhà trông con.

Tại Việt Nam, phụ nữ thường đảm nhận vai trò cấp quản lý với vị trí hàng đầu là Giám đốc nguồn nhân lực (68%) và CFO (Giám đốc tài chính) (47%).

 
 
 
phu nu doc lap tai chinh anh 4

Ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng phụ nữ có lợi thế cũng như bất lợi trong việc đầu tư so với đàn ông. Ảnh:NVCC.

Còn theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO Công ty tài chính AFA Capital, founder ứng dụng đầu tư và quản lý tài chính cá nhân TOPI, phụ nữ Việt Nam ngày nay không chỉ đóng vai trò quan trọng trong các doanh nghiệp mà còn có khả năng kiếm tiền không thua kém gì nam giới.

Họ đặt mục tiêu độc lập tài chính đối với gia đình, chồng hoặc người yêu, xa hơn còn là hướng tới tự do tài chính. Ngày nay, phụ nữ kiếm tiền được hậu thuẫn bởi rất nhiều cơ hội, tiền đề rộng mở. Trong đó, không ít người lựa chọn lĩnh vực đầu tư để tạo nguồn thu nhập thụ động bên cạnh công việc chính thức.

"Theo định nghĩa của Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam, một người đạt tự do tài chính là khi thu nhập từ tài sản đầu tư vượt mức sinh hoạt hàng năm của họ. Theo quan sát của tôi, hiện nay có nhiều phụ nữ nắm rất rõ phương pháp đầu tư, đồng thời kiểm soát tốt chi phí. Kết quả dễ hiểu là họ nhanh chóng đạt được mục tiêu tự do tài chính", ông chia sẻ cùng Zing.

Cũng theo ông Tuấn, so với nam giới, phụ nữ có một số lợi thế hơn trong việc đầu tư như họ mang tư duy tích lũy, luôn kiên trì học hỏi và tìm hiểu về các lĩnh vực làm việc, tài chính mới.

Tuy nhiên, họ lại có tâm lý sợ mạo hiểm, do vậy thường lựa chọn các sản phẩm đầu tư có mức độ tăng trưởng thấp.

"Lời khuyên của tôi dành cho những phụ nữ muốn đạt được sự độc lập, tự do về tài chính là hãy tìm hiểu kỹ càng về vấn đề quản lý tài chính cá nhân, tùy thuộc vào hoàn cảnh sống mà tìm ra phương pháp chi tiêu, tích lũy phù hợp.

Thứ hai là hãy học cách đầu tư, coi đây là nguồn thu nhập thụ động, cuộc sống không chỉ nên chờ đợi vào một nguồn thu duy nhất.

Và thứ ba là hãy kiên trì thực hiện kế hoạch tài chính của mình. Nhiều chị em vạch ra kế hoạch chi tiêu nhưng không quyết tâm làm theo, đến cuối cùng không thể đạt được hiệu quả như kỳ vọng", ông nói.

Theo Zing