Một buổi tối nọ, cô Liu Fang viết trên Weibo: “Điều tôi hối tiếc nhất trong cuộc đời mình là kết hôn và sinh con. Thật tuyệt làm sao khi chỉ có một mình!”. Bài của cô đã tạo nên làn sóng "khủng" trên mạng xã hội và cho thấy một thực tế ngày càng có nhiều phụ nữ Trung Quốc đang đặt vấn đề về cuộc sống hôn nhân.

Liu năm nay 38 tuổi, đã kết hôn được bảy năm và có một cậu con trai sáu tuổi. Khi mới kết hôn, cô mong hạnh phúc nhân đôi và nỗi buồn giảm đi một nửa. Nhưng người phụ nữ Thượng Hải này, đang làm việc tại một công ty dữ liệu tài chính, cho biết: “Hóa ra công việc tăng gấp ba lần. Công việc văn phòng, công việc nhà và công việc chăm sóc con cái. Tôi đã nghĩ đến chuyện ly hôn suốt thời gian qua”.

Phụ nữ ngày càng hối tiếc vì đã kết hôn, sinh con
Nhiều phụ nữ Trung Quốc hối tiếc vì đã kết hôn, sinh con

Cuộc sống nặng nề của Liu về việc chịu trách nhiệm chăm sóc con cái và việc nhà trong khi vẫn duy trì công việc là điều phổ biến dẫn đến bất hạnh trong hôn nhân của phái nữ. Tuy nhiên, nhận thức về bạo lực gia đình đối với phụ nữ cũng như áp lực công việc, tài chính kéo dài càng khiến cho phụ nữ muốn ly hôn.

Trong khi các chuyên gia đang tranh luận về việc điều gì đã dẫn đến sự vỡ mộng này, thì trên thực tế nhiều phụ nữ ngày càng cảm thấy không hạnh phúc trong hôn nhân. Năm ngoái, gần 20% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ hối tiếc vì kết hôn, so với 12% vào năm 2017 và 9% vào năm 2012.

Chỉ có khoảng 7% nam giới nói rằng họ hối tiếc khi kết hôn.

Trung Quốc đang chứng kiến số vụ ly hôn gia tăng và số người đăng ký kết hôn giảm trong thập niên qua. Theo số liệu của Bộ Dân sự, tỷ lệ ly hôn trên kết hôn, hoặc ly hôn theo tỷ lệ phần trăm của các cuộc hôn nhân, ở mức hơn 20% vào năm 2009. Năm 2019, con số này là 50%. Tỷ lệ ly hôn đã giảm vào năm 2020 - năm xảy ra đại dịch COVID-19 - nhưng vẫn ở mức cao trên 45%.

Hầu hết cuộc chia tay đều do người vợ khơi mào. Theo số liệu của Tòa án nhân dân tối cao, hơn 73% vụ ly hôn được các tòa án trên khắp Trung Quốc xét xử trong năm 2017 là do phụ nữ đưa ra.

Chính phủ Trung Quốc dường như cũng "đau đầu" về các vụ ly hôn gia tăng. Ngày 1/1/2021, chính phủ đã thực hiện luật yêu cầu các cặp vợ chồng phải trải qua 30 ngày "kề cận và nhẹ nhàng" bên nhau trước khi họ có thể hoàn tất việc chia tay. 

hiều phụ nữ ở Trung Quốc đang trì hoãn hôn nhân nếu họ không tin rằng họ đã sẵn sàng có con. Ảnh: Getty Images
Nhiều phụ nữ ở Trung Quốc đang trì hoãn hôn nhân nếu họ cảm thấy chưa sẵn sàng có con - Ảnh: Getty Images

Người vợ thường gánh vác rất nhiều việc

Trong một cuộc khảo sát của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) năm ngoái, gần 47% đàn ông Trung Quốc cho biết họ tham gia làm việc nhà trước khi kết hôn, so với 46% ở phụ nữ. Nhưng sự cân bằng đã thay đổi sau khi kết hôn, với 46% nam giới nói rằng họ chỉ.... làm việc nhà một chút thôi.

Zhu Nan, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Khoa Tâm lý của Đại học Ma Cao, cho biết: "Trong hầu hết các xã hội mà các nhà chuyên môn nghiên cứu, sự phân chia lao động gia đình không đồng đều (thường thiên về nam giới) có liên quan đáng kể đến sự bất mãn trong hôn nhân".

Zhu chỉ ra rằng cuộc khảo sát của CCTV có thể không chặt chẽ về mặt phương pháp so với các nghiên cứu hàn lâm khác nhưng những phát hiện này có thể phản ánh chính xác thực tế. Tại Hoa Kỳ, 51% đàn ông đã kết hôn cho biết họ hài lòng với cách phân chia công việc gia đình, theo một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên Trung tâm nghiên cứu Pew.

56% người nam đã kết hôn cho biết họ rất hài lòng với cách tiếp cận nuôi dạy con cái của vợ/chồng mình, so với 42% người nữ đã kết hôn.

Huang Yuqin, giáo sư xã hội học tại Đại học Khoa học và công nghệ Đông Trung Quốc, cho biết những người vợ ở Trung Quốc phải gánh vác rất nhiều công việc, việc làm ngoài xã hội, việc nhà và việc học hành của con cái.

"Tỷ lệ tham gia lao động của phụ nữ Trung Quốc vẫn ở mức cao, trên 60%, một trong những tỷ lệ cao nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vì vậy nhiều bà mẹ cũng đang đi làm. Nhưng thông thường, phụ nữ vẫn phải chịu trách nhiệm cạnh tranh cho việc học hành của con cái, điều này rất khốc liệt ở Trung Quốc", Huang nói thêm.

“Họ đầu tư nhiều tâm sức và thời gian cho gia đình, thường nhiều hơn chồng của họ… Sự bất mãn nảy sinh khi trách nhiệm hai bên không thống nhất, đồng đều”, cô nói.

Điều này đặc biệt đúng với những người trong độ tuổi từ 36 đến 45, bởi trong cuộc khảo sát của CCTV, đây là nhóm người không hài lòng nhất. "Đây có thể là do họ đang ở giai đoạn mệt mỏi nhất của cuộc đời", Huang nhận định.

Đối với nhiều phụ nữ độc thân ở Trung Quốc, hôn nhân thường được coi là gánh nặng hơn là may mắn. Ảnh: Getty Images
Đối với nhiều phụ nữ độc thân ở Trung Quốc, hôn nhân thường được coi là gánh nặng hơn là may mắn - Ảnh: Getty Images

Sợ bạo lực gia đình

Ngoài ra, việc hằng ngày các báo cáo về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tăng, nhất là một số vụ giết phụ nữ kinh hoàng mà hung thủ chính là chồng họ cũng khiến các cô gái thất vọng. 

Huang nói: "Tất cả những điều này đã khiến hôn nhân là điều ít được phụ nữ mong đợi hơn".

Giữa tháng 3/2016, khi Trung Quốc thực thi Luật Chống bạo lực gia đình đầu tiên và vào cuối năm 2019, các báo cáo trên phương tiện truyền thông cho thấy ít nhất 942 người chết do hậu quả trực tiếp của bạo lực gia đình. Trong 525 vụ bạo lực gia đình được nghiên cứu, 85% nạn nhân là phụ nữ, hầu hết ở độ tuổi từ 18 đến 60, có nghĩa là phụ nữ đã kết hôn có nhiều khả năng bị bạo lực gia đình hơn hết.

Đó là chưa kể, có nhiều vụ bạo lực gia đình không được thống kê vì chúng xảy ra ở các vùng sâu vùng xa hoặc vùng kém phát triển, thiếu sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông hoặc các tổ chức phi chính phủ.

Áp lực hơn trong việc sinh con

Bên cạnh những lo ngại về bạo lực gia đình, một số thay đổi lớn trong chính sách công cũng đang khiến phụ nữ không kết hôn.

"Phụ nữ chịu nhiều áp lực hơn trong việc sinh con sau khi chính phủ Trung Quốc bãi bỏ chính sách một con vào năm 2015 và bắt đầu khuyến khích các gia đình nuôi hai con trong bối cảnh lo ngại về dân số già nhanh chóng. Phụ nữ có thể tránh kết hôn nếu họ không muốn có con", theo nhà tâm lý học Zhu.

“Kết hôn không còn là mục tiêu cuối cùng của đàn ông và phụ nữ, và chúng ta nên ngừng đặt nặng vấn đề đó”, Zhu nói.

“Nói rộng ra, mọi người đang dần loại bỏ quan niệm truyền thống về hôn nhân, trong đó đàn ông được cho là đầu tư nhiều hơn vào việc theo đuổi bạn gái, trong khi phụ nữ được cho là hy sinh hạnh phúc của mình cho gia đình. Tất nhiên, lý tưởng nhất vẫn là để cả đàn ông và phụ nữ phải gánh vác một nửa trách nhiệm ở nhà”, ông nhấn mạnh.

Và, theo ghi nhận của Huang từ Đại học Hoa Đông, phụ nữ trẻ ngày nay đang bắt đầu tưởng tượng ra những cuộc sống khác nhau cho chính họ, đó là được lựa chọn có kết hôn hay không. “Họ bắt đầu nhận ra rằng mọi người không nhất thiết phải kết hôn”, cô chia sẻ.

Theo phunuonline.com.vn