|
|
Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2024, Lithuania là quốc gia hạnh phúc nhất đối với Gen Z và thế hệ Millennials. Ảnh:Guardian. |
Vào một ngày ấm áp ở thủ đô Vilnius, Lithuania, Simona Jurkuvenaite, 23 tuổi, ngồi uống cà phê với những người ở độ tuổi đôi mươi được cho là hạnh phúc nhất trên thế giới.
Với thời tiết hoàn hảo và đồ uống giá rẻ, thật khó để cảm thấy gì ngoài hạnh phúc.
Còn khó hơn nữa nếu bạn giống Jurkuvenaite - vừa được chính phủ Lithuania trao 21.000 euro (hơn 22.800 USD) để đạo diễn bộ phim ngắn đầu tay về thanh thiếu niên đất nước.
“Đây là nơi tuyệt vời”, cô nói, chỉ tay quanh quảng trường được cắt tỉa cẩn thận. “Thật tuyệt vời khi bạn có được những cơ hội như thế này ở đây”.
Những cơ hội tốt và mức độ lạc quan cao đã giúp Lithuania đứng đầu bảng xếp hạng Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2024 dành cho nhóm dưới 30 tuổi.
Thế hệ gen Z và Millennials của quốc gia này tự đánh giá mình đạt 7.76/10 trên thang điểm hạnh phúc, vượt xa so với Vương quốc Anh và Mỹ, lần lượt ở vị trí thứ 32 và 62, theo Guardian.
"Tôi thích nơi này", Gantas Bendikas, bạn của Jurkuvenaite, nói. Chàng trai 23 tuổi này sắp tốt nghiệp, không mắc nợ và cũng không có lo lắng gì về thị trường lao động.
"Quả thật có những vấn đề, nhưng ở đâu cũng sẽ có vấn đề", anh nói. "Ít nhất ở Vilnius, chúng tôi cảm thấy rằng mình có cuộc sống tốt so với các nước châu Âu khác".
|
|
"Khi tôi nói chuyện với mọi người ở nơi khác, tôi nhận ra mình may mắn biết bao", nghệ sĩ Vinius Jolita Vaitkutė chia sẻ. Ảnh:Guardian. |
Thay đổi nhanh chóng
GDP bình quân đầu người của Lithuania đã tăng hơn 4 lần trong suốt cuộc đời của Jurkuvenaite và Bendikas.
Lĩnh vực công nghệ của nước đang phát triển với những “kỳ lân” như Vinted và Nord Security. Năm 2023, tổng thu nhập trung bình trong nước đã tăng 12,6% .
Hầu hết sinh viên được học đại học miễn phí. 57% dân số tại nước này có trình độ đại học, trong khi đó mức trung bình của EU là 43%.
Tại Vilnius, nơi từng là nhà tù Lukiškės đã được chuyển đổi thành khu phức hợp gồm studio và địa điểm tổ chức buổi hòa nhạc.
“Khi tôi nói chuyện với bạn bè ở những nơi khác - Paris, Tokyo, London - tôi nhận ra mình thật may mắn khi có không gian riêng của mình”, nghệ sĩ 28 tuổi - Jolita Vaitkutė - nói, khi ánh sáng tràn vào từ cửa sổ cao của studio ở tầng 3 và chiếu trên khuôn mặt cô.
Ở khoảng sân bên dưới, những người khoảng 20-30 tuổi mặc áo phông ngoại cỡ đang uống rượu.
“Tôi chọn ở đây vì tôi thích ở đây”, Vaitkutė chia sẻ. “Tôi không phải làm công việc mà tôi không muốn làm và tôi không phải làm việc ở văn phòng”.
Các studio trong tòa nhà - nơi được sử dụng để quay phần thứ 4 của loạt phim Stranger Things - được thuê với giá 100-500 euro (khoảng 108-217 USD)/tháng, theo Martynas Butkevičius. Công ty âm nhạc của anh là bên đã thắng thầu và biến nơi này thành địa điểm văn hóa.
|
|
Khu phức hợp nhà tù Lukiškės hiện được chuyển đổi thành studio và địa điểm tổ chức hòa nhạc. Ảnh:Guardian. |
Giá thuê ở Lithuania nhìn chung thấp so với các nước châu Âu khác - mặc dù đã tăng 144% từ năm 2010 đến năm 2022.
Dù vậy, Marija Kavtaradzė cho biết người trẻ vẫn có thể tạo dựng được sự nghiệp mà mình mong muốn ở thủ đô.
“Miễn là bạn làm việc tốt, bạn có thể sống tốt ở đây”, nhà làm phim 33 tuổi nói.
“Như vậy là ổn rồi”
Thủ đô của Lithuania không phải là nơi thú vị nhất trên thế giới. Thậm chí, Jurkuvenaite nói đùa rằng nó “có thể hơi nhàm chán”.
Hội đồng du lịch Vilnius từng lựa chọn chiến dịch xây dựng thương hiệu hài hước khi tự ví nơi này như "điểm G của châu Âu" vì "không ai biết nó ở đâu".
Nhưng trong bối cảnh có nhiều cuộc khủng hoảng, việc uống tách cà phê dưới ánh nắng và ăn chiếc bánh ngọt không tốn đến một giờ làm việc theo mức lương tối thiểu - “như vậy là ổn rồi”, theo Kate McCusker, cây bút của Guardian.
Tuy nhiên, vẫn còn có những lo lắng. Một số người e ngại các cuộc xung đột trên thế giới có nguy cơ làm đảo lộn sự ổn định mà Lithuania đã nỗ lực đạt được trong 34 năm qua.
Ngoài ra, tỷ lệ tự tử của đất nước cũng đặt ra bài toán hóc búa. Tỷ lệ tự tử ở nước này cao nhất EU vào năm 2020, với 21,3 người chết/100.000 dân.
|
|
Thư giãn bên dòng sông ở Vilnius. Ảnh:Guardian. |
“Đối với người lớn tuổi, sức khỏe tâm thần vẫn là chủ đề cấm kỵ”, Cinny, 19 tuổi, sinh viên khoa triết của trường đại học, cho biết. “Chẳng hạn, mẹ tôi vẫn không tin rằng sức khỏe tâm thần là vấn đề ở Lithuania”.
“Giới trẻ ít kỳ thị hơn về sức khỏe tâm thần, nhưng sự kỳ thị đó vẫn còn ở thế hệ cũ”, Antanas Kairys, giáo sư tâm lý học tại khoa triết học của Đại học Vilnius, nói.
Tạm gác lại điều đó, nếu Lithuania là nơi hạnh phúc nhất trên thế giới đối với giới trẻ thì McCusker khẳng định công viên trượt ván White Bridge bên bờ sông Neris là nơi hạnh phúc nhất ở Lithuania.
"Nếu những người mà bạn nói chuyện ở đó không hạnh phúc, thì không ai hạnh phúc cả", một phụ huynh có con nhỏ nói với cây bút của Guardian.
Quả thật, những thanh thiếu niên đang tắm nắng bên sân chia sẻ họ khá hài lòng với cuộc sống.
“Tôi đánh giá cuộc sống về đêm ở đây là một trong những nơi tuyệt vời nhất ở châu Âu”, sinh viên kỹ thuật phần mềm 21 tuổi - Daniil Švager - cho hay.
Theo lifestyle.znews