Trong tuần cuối cùng của tháng 6, các nghị sĩ, quan chức quận, cảnh sát và báo chí đã đổ xô đến phố Khaosan của Bangkok, nơi có hàng chục quán bar, nhà hàng,... để kiểm tra các quầy kinh doanh cần sa đang xuất hiện ngày càng nhiều ở đó.

Khu vực dành cho khách du lịch nổi tiếng của thành phố chỉ mới bắt đầu trở nên sôi động sau đại dịch.

Kể từ khi cần sa được hợp pháp hóa, cửa hàng cần sa di động và các quầy cần sa tự phát nhỏ hơn đã mọc lên, bán đủ các chủng loại khác nhau. Điều này đã khiến các nhà chức trách phải nhanh chóng siết chặt kiểm soát, cảnh báo rằng các quầy hàng trên đường phố phải có giấy phép.

Vào tuần cuối cùng của tháng 6, không còn những quầy hàng nào như vậy được nhìn thấy trên con phố. Tuy nhiên, một quan chức quận nói với South China Morning Post rằng ông không thể xác nhận liệu các sản phẩm cần sa có còn được bán trên phố Khaosan hay không.

Một số cư dân cho rằng việc hợp pháp hóa cần sa đang mang đến nhiều phiền toái, trong khi một số người khác ủng hộ việc này đang có những đề xuất mới cho chính phủ.

Thiếu tính toán kỹ lưỡng

Yada Pornpetrampa, người làm việc tại một quán ăn trên phố Khaosan, cho biết ngay khi luật thay đổi vào ngày 9/6, cần sa bắt đầu xuất hiện khắp con phố. Cô lo ngại sự phát triển này có thể làm hỏng hình ảnh của đường phố và đất nước Thái Lan.

Không phải ai cũng đến Khaosan vì cần sa. Nó là một điểm đến cho tất cả du khách. Người hút cần sa làm phiền người khác, và mùi cũng vậy. Giống như việc hút thuốc nơi công cộng, điều này gây ảnh hưởng đến người khác”.

Rắc rối sau 'cuộc cách mạng' cần sa ở Thái Lan - 1

Chokwan Kitty Chopaka, chủ cửa hàng Chopaka bán kẹo cần sa ở Bangkok. (Ảnh: Reuters)

Yada nằm trong số ngày càng nhiều người ở Thái Lan nhận thấy việc hợp pháp hóa cần sa gây ra rắc rối.

Thái Lan là quốc gia châu Á đầu tiên đưa cần sa ra khỏi danh sách chất ma túy cần kiểm soát, nhằm hỗ trợ việc sử dụng trong y tế và nhằm thu lợi cho nền kinh tế.

Các sản phẩm hoặc thực phẩm không được phép chứa nhiều hơn 0,2% tetrahydrocannabinol (THC), chất hóa học có tác động đến thần kinh hoặc gây hưng phấn cao độ.

Tuy nhiên, tất cả các bộ phận của cần sa không còn được phân loại là chất ma túy, điều này có nghĩa là hơn 4.000 tù nhân đã bị giảm tội liên quan đến cần sa.

Miễn là chúng tôi giữ mức THC trong tất cả các sản phẩm dưới 0,2% như luật quy định, người mua phải từ 20 tuổi trở lên và chỉ được sử dụng ở những khu vực được chỉ định, thì danh tiếng của Khaosan sẽ không thay đổi và nó sẽ được hưởng lợi từ kế hoạch này”, Sa-nga Ruangwatthanaku, Chủ tịch hiệp hội thương nhân trên phố Khao San, nói.

Tuy nhiên, rất nhiều người không đồng ý với cách nghĩ của ông Sa-nga.

Yada cho biết các hộ kinh doanh ở Khaosan đã không được hỏi ý kiến về kế hoạch này, và không ai mà cô biết chấp thuận kế hoạch, vì lo lắng khách du lịch không thích cần sa sẽ không đến đây nữa.

Tuần này, một quan chức cấp cao của Bangkok cho biết xung quanh Khaosan có nhiều trường học và đền thờ nên ý tưởng này là không thể xảy ra.

Akradej Chakjinda, người ủng hộ cần sa, tin rằng các ý kiến trái chiều xuất phát từ những sơ hở trong chiến lược của chính phủ, nói rằng các nhà chức trách đã không thảo luận về vấn đề có thể xảy ra của việc hợp pháp hóa, bao gồm cả việc tích trữ.

Các báo cáo về tác động tiêu cực của việc sử dụng cần sa đã gây ra nỗi sợ hãi và thành kiến về loại cây này, Akradej nói.

Ít nhất một trường hợp tử vong đã được cơ quan y tế thông báo vào ngày 14/6, một người đàn ông chết vì trụy tim sau khi sử dụng cần sa.

Rắc rối sau 'cuộc cách mạng' cần sa ở Thái Lan - 2

Một cửa hàng bán kẹo cần sa gần Asoke, Bangkok. Ảnh: Reuters.

Đại học Y khoa Hoàng gia Thái Lan và Hiệp hội Nhi khoa Thái Lan đã đưa ra một tuyên bố cảnh báo trẻ em về tác dụng của cần sa, sau khi ít nhất 9 thanh niên nhập viện. Trong đó, một thanh niên 15 tuổi, trở nên cuồng loạn và cố gắng dùng dao đâm vào người sau khi hút.

Gần 10 ngày sau khi hợp pháp hóa, Bộ trưởng Y tế Công cộng Anutin Charnvirakul đã ban hành quy định cấm người dưới 20 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú sử dụng cần sa.

Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt ngày 15/6 cũng tuyên bố cấm cần sa trong tất cả trường học và cơ sở cảnh sát.

Các quan chức quận tuyên bố rằng họ sẽ phạt các quầy bán cần sa nếu không có giấy phép thích hợp.

Cảnh sát cảnh báo rằng tội danh gây phiền toái công cộng liên quan đến cần sa có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù.

“Dự thảo của người dân”

Quốc hội Thái Lan đang xem xét Đạo luật Cần sa/Cây gai dầu sau khi Bộ trưởng Y tế công cộng Anutin đề xuất một dự thảo vào tháng 1.

Dự thảo tập trung xem cần sa như một loại cây có lợi ích kinh tế, và một loại dược dùng trong y tế. Dự thảo ủng hộ cải tiến mới các sản phẩm cần sa, và không khuyến khích loại cây này được sử dụng để giải trí.

Những người ủng hộ cần sa đã đề xuất dự thảo của riêng họ. Kitty Chopaka, một người kinh doanh cần sa, tin rằng cần tạo ra một ngành công nghiệp phi tập trung bền vững.

Hiện tại, một số trang trại trong nước được chính phủ cho phép cung cấp các bộ phận của cần sa cho y tế, hoặc nằm dưới sự điều hành của các tập đoàn lớn để cung cấp cần sa.

Rắc rối sau 'cuộc cách mạng' cần sa ở Thái Lan - 3

Một quán cà phê cần sa gần phố Khaosan. (Ảnh: Rebecca Root)

Theo “dự thảo của người dân”, những người trồng cần sa địa phương nên được khuyến khích phát triển các giống cây trồng và sản phẩm của riêng họ. Các cơ quan hành chính địa phương sẽ được ủy quyền để quản lý lợi tức từ việc bán cần sa của nông trại hoặc các khu du lịch được chỉ định.

Theo Kitty, giáo dục cộng đồng về ưu và nhược điểm của cần sa cũng cần thiết.

Cần sa hiện được nhìn nhận dưới góc độ tiêu cực, nhưng có các loại ma túy khác dễ tiếp cận hơn nhiều như methamphetamine hiện được bán với giá 15 baht một viên”, cô nói. “Chúng tôi không muốn những người sử dụng cần sa bị đổ lỗi là vô trách nhiệm. Có những người đang vận động để cần sa bị liệt vào danh sách ma tuý một lần nữa, nhưng thật không công bằng khi chỉ xoáy vào một chất cụ thể để đổ lỗi các tệ nạn xã hội”.

Theo vtc.vn