Lạm phát ở Anh hiện đạt mức cao nhất trong 30 năm kể từ tháng 1, giá tiêu dùng tăng 5,5% so với năm trước. Tính đến tháng 1, giá tiêu dùng của Mỹ tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng hàng năm lớn nhất trong vòng 40 năm.

Về bản chất, lạm phát không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tác động của nó đến từng cá nhân phụ thuộc vào tình hình tài chính. Người có thu nhập trung bình, chủ yếu đủ phục vụ các nhu cầu cơ bản như thực phẩm và xăng dầu chịu nhiều tổn thương tâm lý nhất khi lạm phát tăng cao.

Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí World Psychiatry vào năm 2018, các chuyên gia đã xem xét 26 nghiên cứu về bất bình đẳng thu nhập trên khắp thế giới. Họ nhận thấy trong thời điểm bất bình đẳng về thu nhập gia tăng, tỷ lệ trầm cảm cũng tăng theo.

Phân tích dựa trên 12 nghiên cứu cho thấy người sống trong xã hội bất bình đẳng về thu nhập có nguy cơ trầm cảm cao hơn khoảng 1,2 lần so với người ở xã hội bình đẳng hơn. Xã hội bất bình đẳng làm giảm sự gắn kết giữa cộng đồng, tăng căng thẳng mạn tính cho những người dễ bị tổn thương và cũng đẩy cao tỷ lệ mắc tâm thần phân liệt.

Tình trạng thất nghiệp cũng gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của các cá nhân. Công cụ đánh giá tâm lý Holmes- Rahe Life Stress Inventory cho thấy mất việc làm là nguyên nhân gây căng thẳng thứ 8 trong cuộc sống của bất cứ ai. Nhiều nghiên cứu khác nhau đã phát hiện ra tác động tiêu cực của việc thất nghiệp, đó là lo lắng, trầm cảm, tự ti và cảm thấy bất hạnh.

Người dân biểu tình phản đối tăng giá dinh hoạt phí tại Manchester, Anh, ngày 12/2. Ảnh: SOPA

Người dân biểu tình phản đối tăng giá sinh hoạt phí tại Manchester, Anh, ngày 12/2. Ảnh: SOPA

Trong báo cáo năm 2009 trên Tạp chí Hành vi Nghề nghiệp, các nhà nghiên cứu phát hiện 34% người thất nghiệp gặp phải các triệu chứng tâm lý, so với 15% người có việc làm.

Lạm phát và bão giá đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ, song không phải lúc nào chúng cũng dẫn đến căng thẳng về tài chính và tác động đến tinh thần. Bà Lisa Strohschein, nhà xã hội học tại Đại học Alberta, cho biết tiền lương thường tăng cùng với lạm phát, giảm bớt áp lực cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, sinh hoạt phí cao hơn khiến tâm lý của nhiều người lao động trở nên căng thẳng. Tình trạng này càng trầm trọng trong hai năm đại dịch.

"Mọi người có thể tự điều chỉnh nếu chỉ có một vấn đề. Nhưng nếu các yếu tố gây căng thẳng chồng chất, tích tụ, họ sẽ đạt đến giới hạn", bà Strohschein nói.

Tại Anh, tăng trưởng về lương không theo kịp tốc độ của lạm phát, đặc biệt ở tầng lớp lao động tuyến đầu, trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Những người làm việc trên tuyến đầu bị ảnh hưởng nặng nề nhất về cảm xúc, khi phải làm nhiều công việc một lúc và chăm sóc gia đình trong thời kỳ đại dịch.

Ngoài ra, cảm giác sợ hãi về tương lai có thể ảnh hưởng đến tâm lý người trẻ tuổi. Các cuộc khảo sát cho thấy thanh thiếu niên chịu tác động tâm lý nhiều nhất trong suốt đại dịch.

Nghiên cứu do chuyên gia tâm lý Jean Twenge, Đại học Bang San Diego thực hiện năm 2020 chỉ ra rằng người trưởng thành từ 18 đến 44 tuổi bị áp lực về sức khỏe tâm thần, khi người trên 60 tuổi ít bị ảnh hưởng hơn.

Để đối phó với các khủng hoảng về tâm lý liên quan đến vấn đề tài chính, chuyên gia khuyến nghị người gặp khó khăn tâm sự với thành viên trong gia đình hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia.

"Chúng tôi nhận thấy mọi người chỉ tìm kiếm sự giúp đỡ khi đã quá muộn. Bạn nên chủ động đưa ra kế hoạch sớm hơn, thay vì để mọi thứ trở nên thực sự tồi tệ", Greg Marsh, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của nền tảng tư vấn chi phí sinh hoạt Nous, cho biết.

Theo vnexpress