Từ giữa tháng 7, ngay sau khi công diễn vở cải lương tuồng cổ Sóng gió đại Minh triều (tác giả: Quang Nhã - đạo diễn: Chí Linh), sân khấu Chí Linh - Vân Hà đã lên kế hoạch dựng ngay vở Trung liệt Dương gia tướng để ra rạp dịp giỗ Tổ sân khấu.

Những năm qua, sân khấu Chí Linh - Vân Hà vẫn hướng đến là một “sân khấu truyền nghề”, tạo “đất dụng võ” cho các nghệ sĩ trẻ.
Những năm qua, sân khấu Chí Linh - Vân Hà vẫn hướng đến là một “sân khấu truyền nghề”, tạo “đất dụng võ” cho các nghệ sĩ trẻ

 

Cũng với ý nghĩa này, đây là vở diễn đông người bậc nhất của sân khấu Chí Linh - Vân Hà, và hội tụ được nhiều thế hệ làm nghề. Ngoài những cái tên quen thuộc với khán giả mộ điệu, như: Chí Linh, Vân Hà, Tú Sương, Thy Trang, Võ Minh Lâm, Minh Trường, Chí Bảo, còn có nhiều gương mặt triển vọng và thậm chí rất mới góp mặt, như: Hoàng Hải, Hoài Thanh, Thúy My, Lâm Minh Nghiêm, Văn Mẹo, Phú Yên, Hùng Vương, Tri Na, Sơn Minh, Thành Thuận…

Đặc biệt, vở diễn cũng đánh dấu sự “tái xuất” của vợ chồng nghệ sĩ Minh Tâm - Tài Lương sau hơn 40 năm rời xa sàn diễn trong nước. Cả 2 đều thành danh từ trước năm 1975, có thời gian gắn bó với đoàn cải lương Sài Gòn 3 mà Tài Lương là đào chánh.

Nối bước chị, cả 2 em của Tài Lương là Tài Linh và Chí Linh đều tỏa sáng, trở thành những tên tuổi lớn của sân khấu cải lương về sau. Năm 1981, Minh Tâm - Tài Lương sang Pháp định cư, và đã có nhiều nỗ lực giữ gìn nghệ thuật cải lương trên đất khách.
Nữ nghệ sĩ Tài Lương - chị ruột của 2 nghệ sĩ Tài Linh và Chí Linh - trong một chương trình biểu diễn tại Pháp
Nữ nghệ sĩ Tài Lương - chị ruột của 2 nghệ sĩ Tài Linh và Chí Linh - sẽ cùng chồng là nghệ sĩ Minh Tâm tái ngộ khán giả trong nước trên sân khấu Chí Linh - Vân Hà trong mùa giỗ Tổ sân khấu

 

Nghệ sĩ Chí Linh phải thuyết phục rất nhiều để anh chị đồng ý trở lại sàn diễn, nhất là trong dịp ý nghĩa như giỗ Tổ sân khấu. Trung liệt Dương gia tướng sẽ đến với khán giả tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (quận 1) vào tối 23/9.

Vào tối 24/9, tại rạp Hồng Liên (quận 6), Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long công diễn vở Lưu Kim Đính đại phá âm dương trận (tác giả: Bạch Mai, đạo diễn: Hữu Quốc). Đây cũng là sân khấu có lực lượng trẻ rất mạnh hiện nay, với những: Bình Tinh, Thái Vinh, Hoàng Quốc Thanh, Phương Cẩm Ngọc, Phạm Huyền Trâm, Trọng Nhân, Hoài Nhung, Bảo Ngọc… Đêm diễn kết hợp giỗ Tổ sân khấu, nên còn có sự tham gia của các ngôi sao khách mời Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ, Kim Tiểu Long trong các tiết mục đặc biệt.

Đông đảo nghệ sĩ nhiều thế hệ góp mặt trong chương trình Ngọn lửa truyền thừa của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
Đông đảo nghệ sĩ nhiều thế hệ góp mặt trong chương trìnhNgọn lửa truyền thừacủa Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang

 

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng giỗ Tổ sân khấu lớn hơn mọi năm, khi tổ chức đến 2 đêm diễn. Trong đó, tối 22/9 là đêm của trích đoạn cải lương kinh điển, giới thiệu lại các trích đoạn Cây sầu riêng trổ bông và Tiếng trống Mê Linh. Đặc biệt, chương trình Ngọn lửa truyền thừa vào đêm 25/9 quy tụ nhiều thế hệ nghệ sĩ từng gắn bó với nhà hát: Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Nguyệt, Quốc Nhĩ, Lê Thiện, Thanh Điền, Bo Bo Hoàng, Thoại Mỹ, Phượng Loan, Tấn Giao, Trọng Nghĩa, Tú Sương, Tâm Tâm, Quỳnh Hương, Võ Minh Lâm, Lê Thanh Thảo, Minh Trường, Nhã Thi...

“Chương trình là sự kết nối và sẻ chia, thể hiện khát khao “truyền lửa” lẫn “kế thừa” của các thế hệ nghệ sĩ, khi các cô chú nghệ sĩ lớn sẽ giao lưu, kể chuyện về nghề và việc giữ nghề. Còn các bạn trẻ cũng chứng tỏ năng lực tiếp bước, khi thể hiện các trích đoạn nổi tiếng ngày trước, như: Cô gái Đồ Long, Phụng Nghi Đình, Nghiệp cầm ca…” - nghệ sĩ Điền Trung - tổng đạo diễn chương trình - cho biết.

Theo phụ nữ TPHCM