Sự căng thẳng gây ra bởi đại dịch bao trùm cả cộng đồng và châm ngòi cho cuộc tranh luận khoa học: liệu những đứa trẻ sinh ra trong thời gian bị phong tỏa sẽ gặp phải các vấn đề về sức khỏe trong suốt quãng đời sau này? Trong lúc mọi người đang tự hỏi điều đó có thể xảy ra hay không, các nhà khoa học cho biết kinh nghiệm không cần tìm đâu xa, đó là cơn bão băng xảy ra ở Bắc Mỹ năm 1998.

"Thế hệ C"

Trong khoảng sáu tuần lễ sau khi cơn bão đánh sập hệ thống điện toàn miền Đông Ontario và Nam Quebec (Canada), phụ nữ mang thai phải vật lộn với nhiệt độ lạnh như băng ở trong nhà. Hậu quả thai nhi phải gánh chịu một số chấn thương sinh học, theo Catherine Lebel (Đại học Calgary). Nghiên cứu thuộc dự án “Ice Storm” đã tiến hành quét não 35 bé trai và 33 bé gái được mẹ mang bầu trong thời gian xảy ra thiên tai để xem các ảnh hưởng của cơn bão lên hạch hạnh nhân (giữa thùy thái dương) và một phần não liên quan đến việc điều khiển cảm xúc.

                                                           Đại dịch COVID-19 đã khởi xướng các nghiên cứu cũng như tranh luận về sự sang chấn tâm lý cho “Thế hệ C” - ẢNH: REUTERS

Kết quả cho thấy những đứa trẻ sinh ra trong thảm họa nói trên có khối hạch hạnh nhân lớn hơn sau đó một thập niên. Sự to lên của tuyến hạch này tỷ lệ thuận với số hành vi hung hăng nhiều hơn, đặc biệt ở trẻ gái. Căng thẳng trước sinh được cho là sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển sớm của hạch hạnh nhân, cả ở người và động vật gặm nhấm. Kích thước của hạch sẽ làm người đó gia tăng trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc hung hăng.

Bà Lebel - hiện vẫn đang dẫn đầu một nhóm nghiên cứu dài hạn về phụ nữ mang thai hằng tháng trên khắp Canada - cho biết, sẽ theo dõi kết quả trẻ sau sinh để xem liệu việc cách ly do COVID-19 sẽ có tác động tương tự đối với trẻ sinh ra trong thời đại vi-rút hay không. Lebel nhấn mạnh sự căng thẳng và tình trạng cô lập thường xuyên mà phụ nữ mang thai đang trải qua, có thể ảnh hưởng đến thai nhi. COVID-19 có thể đã đặt “nền móng” cho một thế hệ mới, “Thế hệ C” (C: Coronavirus) với một loạt các biểu hiện đặc trưng về tình trạng nhận thức, tinh thần, cảm xúc và thể chất.

Hồi tháng Năm, Sam Schoenmakers (Trung tâm Y tế Đại học Erasmus ở Rotterdam, Hà Lan) và bốn bác sĩ sản khoa, sơ sinh và đạo đức y tế đã công bố ý kiến chuyên môn trên tạp chí Y khoa Anh quốc. Bài viết mô tả các “thiệt hại phụ” mà trẻ sinh ra trong đại dịch có thể phải đối mặt. Nhóm lưu ý bằng một số trích dẫn về tỷ lệ rối loạn nhân cách chống đối xã hội cao hơn và tuổi thọ ngắn hơn xảy ra với trẻ sinh ra trong nạn đói giai đoạn Đức Quốc xã chiếm đóng ở miền Tây Hà Lan những năm 1940. Tương tự, các nghiên cứu về hậu quả của siêu bão Sandy năm 2012 đã phác họa những thay đổi về tính khí ở trẻ còn nằm trong bụng mẹ khi thiên tai xảy ra. Các em này thường hay sợ hãi, buồn bã, cũng như ít tìm kiếm niềm vui.

“Dự án COVID-19” của Lebel trình bày một số kết quả đáng lo ngại. Tháng 4/2020, nhóm nghiên cứu đã khảo sát gần 2.000 người mang thai qua bảng câu hỏi tâm lý. Qua khảo sát, 37% cho biết có các triệu chứng lâm sàng của trầm cảm, 57% còn lại có dấu hiệu lo lắng. Dựa trên các bằng chứng từ quá khứ, sự căng thẳng trên phụ nữ mang thai lần này có thể gây ra những thay đổi sinh lý ở thai nhi đang lớn lên trong bụng họ.

Lạc quan hơn cho "thế hệ C"

Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ “hài nhi Corona” nhất thiết sẽ gặp khó khăn. Nhà tâm lý học lâm sàng Noel Hunter, tác giả cuốn Chấn thương và điên loạn trong dịch vụ sức khỏe tâm thần, cho rằng quan điểm về thiệt hại tâm lý nêu trên đã bị khái quát quá mức và dựa trên số liệu thống kê ít ỏi. “Các nghiên cứu trước đây chỉ cho thấy mối tương quan giữa các vấn đề về sau này đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ sơ sinh, chứ không chỉ ra nguyên nhân”, Hunter nói.

Theo bà, không nên bỏ qua những tình huống căng thẳng đang diễn ra trong đại dịch có thể khiến hành vi của người lớn ảnh hưởng đến trẻ em. Thay vì đổ lỗi cho cơ thể người mẹ và giai đoạn trước sinh, Hunter lưu ý, nên mở rộng nghiên cứu những chấn thương dai dẳng có thể ảnh hưởng đến trẻ sau sinh. Chẳng hạn việc ngược đãi và căng thẳng thời thơ ấu trong đại dịch, cũng có liên quan đến hậu quả sức khỏe lâu dài.

Dù tỏ ra ôn hòa, nhưng Lebel vẫn bảo vệ lập trường khi nói: “Tôi không nói sẽ có một thế hệ hư hỏng. Nhưng 20 năm nữa, chúng ta sẽ thấy tỷ lệ trầm cảm và lo lắng cao hơn các thế hệ trước”.