Nếu phương án "ly hôn thân thiện" mà Bộ Phát triển gia đình và Xã hội (MSF) đưa ra được quốc hội nước này thông qua, nó sẽ góp phần làm cho quy trình ly hôn bớt căng thẳng, đồng thời đem lại những lợi ích khác cho người dân.
Hôm 2/5, MSF bắt đầu lấy ý kiến của người dân về dự thảo luật "ly hôn thân thiện". Theo mô hình mà MSF đề xuất, các cặp vợ chồng đồng thuận ly hôn sẽ không cần viện dẫn bất kỳ bằng chứng nào trong số 5 bằng chứng, làm cơ sở chứng minh cho sự tan vỡ hôn nhân không thể cứu vãn. Trước đây, các bằng chứng để có thể nộp đơn ly hôn là: ngoại tình, hành vi bất hợp lý và sự bỏ rơi. Ngoài ra còn có hai tình tiết ly thân được lấy làm bằng chứng ly hôn: ly thân 3 năm nếu được vợ/chồng đồng ý, hoặc ly thân 4 năm mà không cần sự đồng ý của bạn đời.
"Ly hôn thân thiện" là việc cặp vợ chồng có thể cùng nhau đệ đơn ly hôn mà không cần một bên là nguyên đơn và bên kia là bị đơn.
Phương án "ly hôn thân thiện" được đưa ra ở thời điểm mà tỷ lệ lớn các cặp vợ chồng - đặc biệt là những người mới kết hôn - chia tay. Thống kê cho thấy trong số các cặp kết hôn vào năm 2006, 16% đã kết thúc cuộc hôn nhân trước kỷ niệm 10 năm ngày cưới, tức là gần gấp đôi so với tỷ lệ 8,7% của năm 1987. Đây là dữ liệu của MSF về xu hướng tan rã trong hôn nhân của người Singapore.
Luật sư Ivan Cheong đánh giá: "Điều này rất có ý nghĩa, bởi nó đánh dấu việc chuyển đổi từ cuộc ly hôn căng thẳng sang một cuộc ly hôn 'không có lỗi'. Điều này giúp giảm sự thù địch và căng thẳng nảy sinh khi một trong hai phía gán lỗi cho nửa kia, hoặc gây ra sự mất thể diện nếu một bên được yêu cầu thừa nhận rằng mình là nguyên nhân của sự đổ vỡ trong hôn nhân".
Phó giám đốc điều hành của Dịch vụ Cộng đồng Fei Yue Community Services - Arthur Ling - cho biết ly hôn thân thiện là bước tiến quan trọng, giúp các bậc cha mẹ hợp tác trong vai trò nuôi dạy con cái của họ sau ly hôn. Ông nhấn mạnh: "Một số người nghĩ rằng nếu việc ly hôn trở nên dễ dàng, tức là chúng ta đang giảm thiểu giá trị của hôn nhân. Câu trả lời của tôi là: Không ai kết hôn để ly hôn. Vì vậy, đó không phải là giảm thiểu giá trị của hôn nhân. Thay vì thế, trong một cuộc ly hôn gây ra nhiều đau đớn, tổn thương cho trẻ em, chúng ta nên làm thế nào để quá trình đó trở nên thân thiện hơn".
MSF cũng đang thăm dò quan điểm về việc có nên đưa ra các chương trình và dịch vụ giúp đứa trẻ đối phó với việc cha mẹ ly hôn hay không bởi các bậc cha mẹ yêu cầu được hỗ trợ nhiều hơn trong lĩnh vực này.
Theo vnexpress