leftcenterrightdel
 Giới trẻ Singapore vật lộn để cân bằng công việc, gia đình, con cái và ước mơ cá nhân. 

Bài viết là quan điểm của Karishma Vaswani, cây viết của Bloomberg Opinion.

Singapore được biết đến là quốc gia hiện đại với nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Dù người dân tại đảo quốc sư tử này đang tận hưởng một trong những mức sống cao nhất châu Á, đổi lại sự thành công đó là cái giá đắt đỏ phải trả.

Quốc đảo này nổi tiếng văn hóa làm việc căng thẳng, với những giờ làm thêm dài lê thê. Đây là "di sản" từ những ngày đầu Singapore giành độc lập, khi quốc gia non trẻ buộc phải xây dựng nền tảng kinh tế trong bối cảnh đầy thách thức.

Ẩn bên dưới bề mặt hạnh phúc là "đại dịch" thầm lặng về trầm cảm và các vấn đề về sức khỏe tâm thần, khi người lao động Singapore đang vật lộn để cân bằng giữa công việc, cuộc sống, gia đình và những ước mơ cá nhân. 

Một xã hội cạnh tranh khốc liệt

Ashish Xiangyi Kumar, cựu sinh viên xuất sắc từng tốt nghiệp hạng hai bằng Luật tại ĐH Cambridge, là một trường hợp điển hình cho thực trạng trên.

Trang cá nhân LinkedIn của Kumar khác biệt so với hầu hết người cùng thế hệ. Dòng chữ "Happily Free" (tạm dịch: "Tự do vui vẻ") được đặt ngay dưới tên và bằng cấp danh giá từ ĐH Cambridge.

Là thủ khoa người Ấn Độ năm 2004, nhận học bổng chính phủ và có vị trí công việc tại cơ quan nhà nước đáng mơ ước cùng mức lương cao ngay từ khi còn rất trẻ, Kumar có thể coi là một "công dân kiểu mẫu".

leftcenterrightdel
 Để đạt được thành công theo "thước đo" của xã hội, nhiều người lao động Singapore đã đánh đổi những giá trị tinh thần. Ảnh minh họa:Karolina Grabowska/Pexels.

Nhưng với Kumar, thành công không chỉ gói gọn trong bằng cấp, công việc tốt hay số dư tài khoản, anh chọn nghỉ hưu khi chỉ mới 31 tuổi.

Quyết định của anh khiến nhiều người Singapore bất ngờ, đặc biệt trong bối cảnh chính phủ đang nâng tuổi nghỉ hưu. Bắt đầu từ năm 2026, người lao động Singapore chỉ được yêu cầu nghỉ hưu khi bước sang tuổi 64, đây là một phần trong kế hoạch tăng dần tuổi nghỉ hưu lên 65 vào năm 2030.

"Văn hóa 'kiệt sức' (burnout) đang trở nên phổ biến ở Singapore", Hykel Quek, cây viết của Rice Media, người phỏng vấn Kumar, chia sẻ. Hykel Quek cho rằng Kumar gặp may khi anh được nhận học bổng chính phủ, không có nợ, không có nhu cầu lập gia đình. Do đó, lối sống này phù hợp với anh ấy.

Tuy nhiên, đây không phải lối sống cho số đông.

leftcenterrightdel
Singapore là một trong những quốc gia cạnh tranh và có cường độ làm việc cao nhất thế giới. Ảnh minh họa:Today Online. 
 

Các nghiên cứu gần đây cho thấy tình trạng kiệt sức ở quốc đảo này đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, phần lớn là do môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Bên cạnh đó, tình trạng xã hội kỳ thị những người tìm kiếm sự trợ giúp về vấn đề tâm lý càng khiến gánh nặng của trầm cảm và lo âu trở nên nặng nề hơn.

Từ khi còn thơ bé, những đứa trẻ đã được kỳ vọng phải đạt thành tích cao ở trường. Cha mẹ thường tạo thêm áp lực cho hệ thống giáo dục bằng cách cho con đi học thêm để tăng cơ hội vào các trường trung học và đại học danh tiếng. Gánh nặng này sẽ theo một người suốt cuộc đời, trong một xã hội vốn không mấy cởi mở với những con đường khác biệt.

Giấc mơ Singapore

Áp lực thành công diễn ra ngay từ khi người lao động còn trẻ.

Phần đông chọn kết hôn ở độ tuổi đôi mươi để nộp đơn xin nhà ở trợ giá của chính phủ. Sau đó, người trẻ cố gắng sinh đủ số con theo khuyến nghị, mua xe hơi với giá đắt đỏ, và tạo dựng thành công theo chuẩn mực xã hội đặt ra.

Tuy nhiên, ngày nay ngày càng ít người lựa chọn sinh con vì chi phí nuôi dưỡng quá cao và áp lực quá lớn.

leftcenterrightdel
 Xoay xở giữa việc chăm sóc cha mẹ già yếu đau ốm và nuôi dạy con cái trong một xã hội đầy áp lực là vấn đề chung của nhiều người lao động Singapore. Ảnh minh họa:John Diez/Pexels.

Khi bước vào tuổi trung niên, nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi về mục đích sống của mình. Đây cũng là thời điểm khủng hoảng tuổi trung niên ập đến, trầm trọng hơn, bởi cảm giác vô nghĩa và bế tắc trong cuộc sống. Cuộc đời chỉ quay quanh chăm sóc con nhỏ, phụng dưỡng cha mẹ già yếu trong khi cố gắng cân bằng giữa công việc, gia đình và chăm sóc bản thân.

Việc thừa nhận mình có vấn đề về sức khoẻ tâm thần thường bị coi là sự yếu đuối trong nhiều nền văn hóa châu Á, và Singapore cũng không ngoại lệ. May mắn thay, nhận thức này đang dần thay đổi ở thế hệ trẻ.

Chính phủ đang cố gắng cải thiện tình hình bằng cách đưa ra các chính sách về giờ làm việc linh hoạt hơn, khuyến khích các nhà tuyển dụng hỗ trợ nhân viên gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, Karishma Vaswani cho rằng cởi mở thảo luận về sức khỏe tâm thần và những áp lực trong công việc cũng có ích trong việc giải quyết "đại dịch" đang diễn ra âm thầm.

Ngoài ra, việc thừa nhận rằng con đường dẫn đến thành công không nhất thiết phải theo một lối mòn, mà trải đầy những sai lầm, cũng giúp xã hội thay đổi định nghĩa về thành công.

Theo lifestyle.znews