"Rất nhiều phụ nữ xung quanh tôi không mặn mà về chuyện có con, chứ đừng nói sinh tới 3 đứa", Yan Jiaqi (22 tuổi) nói.

Hôm 31/5, chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng thêm các biện pháp kiểm soát kế hoạch hóa gia đình. Theo đó, các cặp vợ chồng sẽ được phép có tới 3 con.

Động thái này được đưa ra sau khi quốc gia tỷ dân ghi nhận chỉ có 12 triệu trẻ em được sinh ra vào năm 2020 - mức thấp kỷ lục.

Trước đó, năm 2016, Trung Quốc cũng đã nới lỏng chính sách một con - một trong những quy định về kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt nhất thế giới - cho phép các cặp vợ chồng có 2 con do lo ngại về lực lượng lao động già hóa và kinh tế trì trệ.

                                                                     Người Trung Quốc không mặn mà với việc có thêm con bởi gánh nặng kinh tế. Ảnh: Reuters.


Theo các chuyên gia, chi phí sinh hoạt cao, thiếu không gian sống và các chuẩn mực xã hội về gia đình được định hình trong hàng thập kỷ qua sẽ cản trở mục tiêu tăng dân số của nước này.

Để chính sách thúc đẩy tăng dân số thành công, chính phủ Trung Quốc sẽ phải thuyết phục được những người như Yang Shengyi (29 tuổi), ông bố hai con, có thêm một đứa nữa. Theo anh, có hai cậu con trai đã là quá đủ trước áp lực cuộc sống ở Bắc Kinh.

"Chúng tôi không có nhiều tiền, chỗ ở thì chật. Vì vậy tôi không nghĩ có lý do gì để sinh con thứ ba. Khi đứa con thứ 2 của chúng tôi chào đời, mọi thứ đột nhiên như phải chia đôi cho 2 đứa trẻ. Giống như ban đầu chúng tôi có thể cho mỗi đứa trẻ 100% thì bây giờ chúng tôi chỉ có thể cho 50%".

Quá muộn và quá ít


Đối với nhiều người trẻ Trung Quốc sống ở đô thị, suy nghĩ về việc có con hay thậm chí kết hôn là điều không dám mơ tới vì công việc áp lực, kéo dài nhiều giờ mỗi ngày và giá nhà đắt đỏ.

"Giới trẻ ngày nay không còn quá quan trọng việc lo hương hỏa gia đình và cảm thấy rằng chất lượng cuộc sống của chính họ quan trọng hơn", Yan nhận định.

Quan điểm ngày càng phổ biến này khiến nhiều nhà hoạch định chính sách dân số đau đầu và đẩy nhanh việc khuyến khích sinh nở. Tuy nhiên, các cam kết mơ hồ về việc hỗ trợ các cặp vợ chồng đặc biệt là phía phụ nữ, giúp họ cân bằng giữa công việc và cuộc sống nếu có thêm con, không mấy được tin tưởng.

Các chuyên gia cho rằng điều kiện kinh tế xã hội đang thay đổi, bao gồm cả việc các gia đình đầu tư giáo dục mạnh mẽ cho con cái và phụ nữ muốn có nhiều tiếng nói hơn trong sự nghiệp và gia đình, khiến chính phủ Trung Quốc sẽ cần phải làm nhiều hơn là chỉ nới lỏng các quy định.

                                          Áp lực tài chính ở các thành phố lớn khiến việc kết hôn, sinh con trở thành gánh nặng với nhiều người trẻ. Ảnh: Reuters.


"Chỉ có một con hoặc không có con đã trở thành chuẩn mực xã hội ở Trung Quốc", Yi Fuxian, nhà khoa học tại Đại học Wisconsin-Madison, nhận xét.

Theo Cục Thống kê Trung Quốc, tỷ lệ sinh của nước này chỉ ở mức 1,3 - thấp hơn mức cần thiết để duy trì dân số ổn định. Các quốc gia khác ở Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore cũng phải vật lộn để tăng tỷ lệ sinh dù đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích.

Yi cho biết các chính sách sinh nở hiện nay là "quá muộn và quá ít". Chuyên gia này cho rằng Trung Quốc nên chú ý thêm một số chính sách của các nước đi trước như Nhật Bản, chẳng hạn như cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em miễn phí, giáo dục miễn phí, trợ cấp nhà ở cho các cặp vợ chồng trẻ.

"Những người trẻ tuổi đang phải chịu rất nhiều áp lực. Họ không có thời gian để chăm sóc con cái ở nhà vì công việc, và nếu họ chăm sóc con cái toàn thời gian, điều đó có nghĩa là phải bỏ bê công việc", người phụ nữ một con, giấu tên, chia sẻ.

Theo Zing