Theo tờ South China Morning Post, giới chuyên gia pháp lý ở Trung Quốc kêu gọi các ĐH thiết lập một hệ thống ngăn chặn quấy rối tình dục sau vụ ông Wang Guiyuan, giáo sư ngành văn học ĐH Nhân dân Trung Quốc (tại thủ đô Bắc Kinh), bị sa thải vào ngày 22.7.
Nhà trường ra quyết định ra sa thải chưa đầy 24 giờ sau khi nữ nghiên cứu sinh tiến sĩ Wang Di công khai danh tính, đăng video lên mạng xã hội Weibo kể chi tiết về hành vi lạm dụng tình dục của giáo sư hướng dẫn là ông Wang (65 tuổi).
Những video của nữ nghiên cứu sinh bao gồm đoạn ghi làm bằng chứng được lan truyền trên mạng xã hội Weibo. Theo đó, ông Wang bị tố cáo lạm dụng tình dục thông qua hành vi và lời nói. Ông Wang còn đe dọa sẽ không cho nữ nghiên cứu sinh tốt nghiệp sau khi cô từ chối yêu sách của ông ta.
Theo tờ Hoàn cầu Thời báo, sau khi nắm thông tin tố cáo trên mạng xã hội, ĐH Nhân dân Trung Quốc đã tiến hành xác minh và ra quyết định sa thải ông Wang. Công an tuyên bố vào cuộc điều tra vụ việc.
Chỉ vài ngày sau khi ông Wang bị sa thải, hai ĐH khác ở tỉnh Thiểm Tây và Sơn Đông đã tuyên bố sa thải hai giảng viên bị tố cáo trên mạng xã hội về hành vi quấy rối tình dục sinh viên.
Nạn nhân bị lạm dụng tình dục và dư luận hoan nghênh quyết định nhanh chóng của ĐH Nhân dân Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng các ĐH ở Trung Quốc còn thiếu cơ chế ngăn chặn quấy rối tình dục.
"Tôi hy vọng rằng vụ việc này góp phần thúc đẩy việc thiết lập một cơ chế chống lại quấy rối tình dục tại ĐH", bà Lao Dongyan, giáo sư ngành luật tại ĐH Thanh Hoa, cho biết.
|
|
Bên trong ĐH Nhân dân Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh |
Nạn nhân không dám lên tiếng
Trong bài đăng trên Weibo, bà Lao viết: “Không ít sinh viên bị lạm dụng tình dục thường không nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ nhà trường. Thậm chí, một số ĐH còn gây áp lực, buộc sinh viên không được công khai... vì sợ làm ảnh hưởng đến danh tiếng của trường".
Theo bà Lao, học viên cao học bậc thạc sĩ và nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Trung Quốc dễ trở thành nạn nhân bị lạm dụng, phải âm thầm chịu đựng, không dám lên tiếng vì phụ thuộc vào người hướng dẫn. Cụ thể, người hướng dẫn có thể ra quyết định về việc tốt nghiệp, xuất bản bài báo khoa học. Thậm chí, học viên cao học muốn tìm được công việc tại ĐH, học viện cũng phải nhờ vào người hướng dẫn.
Rõ ràng người hướng dẫn có quyền lực quá lớn nên đa số nạn nhân thường phải giữ im lặng, không dám tố cáo, cũng theo bà Lao. “Tôi hy vọng rằng, các nạn nhân có thể tìm kiếm sự trợ giúp thông qua những kênh liên lạc chính của nhà trường, thay vì phải mạo hiểm phơi bày bản thân trước dư luận”, bà Lao cho biết thêm.
Nhà hoạt động vì quyền phụ nữ Zhou Xiaoxuan cho rằng việc thiếu cơ chế khiếu nại ở trường đồng nghĩa "chỉ một số rất ít sinh viên không thể chịu đựng nỗi hành vi quấy rối phải chấp nhận rủi ro bị chế giễu và bắt nạt trực tuyến để lên tiếng tố cáo trên mạng xã hội, với hy vọng được công chúng giúp đỡ".
"Nếu sinh viên chỉ có thể nhờ cậy vào mạng xã hội để hỗ trợ giải quyết những vụ quấy rối tình dục thì đó là điều đáng xấu hổ, một sự thất bại của các ĐH", cô Zhou chia sẻ.
Bên cạnh đó, Công ty luật Qianqian tại Bắc Kinh cũng đăng một bài viết trên nền tảng WeChat, lên tiếng ủng hộ việc thiết lập một cơ chế ngăn chặn hành vi quấy rối tình dục tại các ĐH.
Theo công ty luật này, trong năm 2018 và 2019, 60 vụ lạm dụng tình dục tại các ĐH ở Trung Quốc đã bị phơi bày thông qua mạng xã hội.
“Giảng viên (nhất là giảng viên hướng dẫn) nắm quá nhiều quyền lực trong tay, thiếu quy định về mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên, và văn hóa phân biệt giới tính đang lan tràn trong các tổ chức học thuật là nguyên nhân gốc rễ khiến quấy rối tình dục bị bỏ qua, dung thứ và miễn trừ khỏi hình phạt nghiêm khắc”, theo Công ty luật Qianqian.
Theo Thanh niên