Với khoảng 700.000 vị trí việc làm cần tuyển dụng còn trống, tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Đức đã giảm xuống còn khoảng 0,7% từ mức khoảng 2% trong những năm 1980 và có thể tiếp tục giảm xuống còn 0,5% nếu nước này không giải quyết được vấn đề thiếu lao động. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho rằng thách thức nghiêm trọng nhất đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu này là tốc độ tăng trưởng bị hạn chế do thiếu hụt lực lượng lao động.

Trong bối cảnh trên, Bộ trưởng Habeck đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thu hút người nhập cư tham gia vào lực lượng lao động nước này, mà trong đó sinh viên quốc tế có thể là một phần lời giải cho bài toán thiếu lao động tại Đức. 

antg anh 1.jpeg -0
Suryansh đang theo đuổi bằng tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Dresden.

Theo báo cáo về sinh viên quốc tế của Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) hồi tháng 9/2023, năm học 2022-2023 có hơn 458.000 sinh viên quốc tế theo học tại nước này.  Xét theo quốc tịch, sinh viên Ấn Độ đông nhất với hơn 42.000 người, tăng gấp ba lần so với 7 năm trước; tiếp đó là đến sinh viên Trung Quốc với hơn 39.000 người. Việt Nam có hơn 4.600 sinh viên theo học tại Đức.

Người phát ngôn DAAD, Michael Flacke, cho biết sinh viên quốc tế chiếm khoảng 14% trong tổng số sinh viên theo học ở nước này. Sinh viên quốc tế thường được cho là “những người nhập cư lý tưởng” vì họ đã trải qua thời gian sống ở Đức và học ngôn ngữ nước này.

Trong khi đó, Enzo Weber, chuyên gia nghiên cứu về việc làm tại Đại học Regensburg, cho biết việc khai thác nguồn nhân tài quốc tế trở nên cần thiết trong bối cảnh Đức đang phải đối mặt với dân số già và thiếu lao động lành nghề. Ông cho rằng việc chính phủ Đức mới đây tạo các cơ hội cho sinh viên quốc tế không chỉ nhằm mục đích thu hút những cá nhân có tay nghề mà còn nuôi dưỡng nguồn nhân tài cho lực lượng lao động nước này.

Gần đây, Đức đã nới lỏng hàng loạt quy định đối với sinh viên quốc tế, như cho phép sinh viên làm thêm 140 ngày/năm, hạ tiêu chuẩn về độ tuổi làm thêm cũng như tiêu chuẩn về tiếng Đức đối với sinh viên học nghề, tăng thời gian làm thêm tối đa của sinh viên quốc tế lên tới 20 giờ/tuần, so với 10 giờ/tuần trước đây. Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức cho biết việc nới lỏng các quy định này tạo ra sự linh hoạt, giúp sinh viên quốc tế đảm bảo cuộc sống và chuyển sang thị trường lao động dễ dàng hơn. Ngoài ra, việc này cũng khiến Đức trở thành địa điểm hấp dẫn nhiều sinh viên quốc tế đến học và ở lại sau tốt nghiệp với tư cách là lao động có trình độ.

Suryansh, 35 tuổi, đang theo đuổi bằng tiến sĩ khoa học vật liệu tính toán và vật lý nano lý thuyết tại Đại học Công nghệ Dresden cho rằng những quy định mới tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong việc vừa học vừa có thể đi làm thêm. Anh nói: “Nếu bạn có kỹ năng và chứng chỉ phù hợp, cùng mức lương xứng đáng, cuộc sống ở Đức sẽ trở nên dễ dàng hơn. Và đây có thể là một lựa chọn để trở thành thường trú nhân ở nước này". 

Theo Study in Germany, trang thông tin về du học Đức, gần 70% sinh viên quốc tế muốn ở lại kiếm việc sau khi tốt nghiệp.

Tại Đức, tình trạng thiếu lao động có tay nghề đặc biệt nghiêm trọng trong ngành công nghệ thông tin và kỹ thuật. Người phát ngôn DAAD, Michael Flacke, cho biết sinh viên Ấn Độ đăng ký các khóa học về công nghệ thông tin và kỹ thuật với tỷ lệ trên mức trung bình, khiến họ trở thành một lực lượng quan trọng đối với thị trường lao động, có thể giúp nước Đức duy trì lợi thế về lĩnh vực này trong cạnh tranh toàn cầu. Ví dụ, Mohammad Rahman Khan, sinh viên 26 tuổi đến từ Ấn Độ, đã chọn Đại học Leibniz Hannover để theo đuổi ngành cơ điện tử và robot.

Trong khi đó, chuyên gia Weber cho rằng ngành kỹ thuật của Đức đang có nhu cầu cao về các chuyên gia lành nghề, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi do số hóa trong các lĩnh vực như máy móc và năng lượng. Ông giải thích: “Với tình trạng khan hiếm lao động và dân số giảm, nhân tài quốc tế trở thành yếu tố quan trọng để duy trì khả năng cạnh tranh của Đức”. Do vậy, việc thu hút và giữ chân những cá nhân có tay nghề trong lĩnh vực kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu lực lượng lao động của ngành công nghiệp Đức đóng vai trò rất quan trọng.

Tuy nhiên, nước Đức vẫn còn rất nhiều việc phải làm để thu hút lực lượng này. Các trường đại học và nhà tuyển dụng cần thực hiện các biện pháp chủ động để đảm bảo sinh viên chuyển tiếp vào lực lượng lao động một cách suôn sẻ. Sinh viên vẫn cần sự rõ ràng về mặt pháp lý để có thể ở lại nước Đức sau khi học xong và có được hợp đồng lao động.

Để làm được như vậy, chuyên gia Weber cho rằng nước Đức cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác như Canada, thiết lập các kênh liên lạc rõ ràng, giải quyết các thủ tục pháp lý một cách hiệu quả và cung cấp thông tin rõ ràng cho sinh viên quốc tế về việc ở lại sau khi học. Ngoài ra, chính phủ Đức cần phải làm cho luật nhập cư trở nên cạnh tranh và dễ tiếp cận, hợp lý hóa các quy trình, đưa ra các lựa chọn thị thực đa dạng và thúc đẩy sự hội nhập liền mạch cho sinh viên và người lao động quốc tế.

Nền kinh tế Đức đang phải cạnh tranh rất mạnh với các nước công nghệ phát triển cao, cả các nền kinh tế mới nổi cũng như trong Liên minh châu Âu (EU). Do vậy, việc nâng cao tính cạnh tranh trong thu hút nhân lực (nhất là lực lượng sinh viên quốc tế) và vật lực là bước đi quan trọng sống còn đối với nước Đức để bù đắp cho lỗ hổng nhân sự trẻ, trình độ cao, từng bước gỡ bỏ rào cản trên chặng đường phục hồi và phát triển kinh tế của nước này.

Theo An ninh thế giới online