Thông tin được bác sĩ Vũ Văn Thành, Hội Phổi Việt Nam, đưa ra tại hội thảo về tác hại của thuốc lá mới, ngày 8/4, cho thấy tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử đang ngày một tăng.

Năm 2019, Điều tra Quốc gia sức khỏe học đường, cũng do Bộ Y tế thực hiện, ghi nhận 2,6% học sinh trong lứa tuổi 13-17 đang sử dụng thuốc lá điện tử. Cuộc điều tra tương tự năm 2005, tỷ lệ này là 0,2%.

"Tỷ lệ người hút thuốc lá điện tử tăng lên, đặc biệt là phụ nữ", bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế, cũng cho biết. Bà Trang không cho biết rõ nghiên cứu năm 2020 của Viện Chiến lược và Chính sách y tế được bác sĩ Thành viện dẫn, đã tiến hành khảo sát bao nhiêu học sinh và ở đâu.

Ông Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết thuốc lá điện tử nhắm đến giới trẻ bằng thiết kế bắt mắt, nhỏ gọn, đóng gói như kẹo, nhiều hương vị, giá rẻ... quảng cáo thu hút.

Thuốc lá điện tử còn gọi là thuốc làm nóng, có tác hại với sức khỏe con người, chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh và gây hại cho sức khỏe đặc biệt là trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai. Các chất độc được thấy trong dung dịch điện tử và trong khói. Tiếp xúc lâu sẽ tăng nguy cơ gây các bệnh như ung thư, tim mạch, hô hấp và các bệnh nguy hiểm khác.

Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tính đến giữa tháng 2, Mỹ ghi nhận hơn 2.800 trường hợp bị hội chứng tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử. 68 ca tử vong đã được xác nhận tại 29 bang. 15% số ca nhập viện dưới 18 tuổi, 37% từ 18-24 tuổi.

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Pháp chế, thông tin về tác hại của thuốc lá điện tử, ngày 8/4. Ảnh: T.B

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết thời gian qua các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới tiếp cận với cộng đồng. Song các công ty sản xuất thuốc lá vẫn tìm mọi cách để tiếp thị, quảng cáo sản phẩm.

Bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc quốc gia Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá, cũng nhấn mạnh thời gian qua đã có nhiều thông tin sai lệch về các sản phẩm thuốc lá mới. Thậm chí, tại Trung Quốc lan truyền thông tin sử dụng nicotine giúp chống lại Covid-19, quảng cáo hút thuốc lá điện tử giúp phòng chống một số bệnh hô hấp.

"Đây là những thông tin sai lệch", bà Huyền nói.

Đến nay, thuốc lá mới gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều chưa được cho phép sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam không nên cấp phép nhập khẩu và lưu hành thuốc lá điện tử bởi đây là nguy cơ mới cho một hình thức nghiện khác, gây nhiều tốn kém về sức khỏe, tiền bạc.

"Việt Nam không nên cho phép bất cứ sản phẩm nào có nguy cơ, mà chỉ tập trung vào phòng chống tác hại của thuốc lá truyền thống", bà Trang nói.

Tại Mỹ, lệnh cấm sử dụng thuốc lá điện tử có hương vị đã giúp giảm tỷ lệ trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử từ 27,5% xuống 19%.

Theo vnexpress