leftcenterrightdel
 Một ngôi nhà cũ bỏ trống từ lâu bị phá bỏ ở Kurashiki, tỉnh Okama - Ảnh: Kyodo

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản được công bố vào ngày 30/4, tính đến ngày 1/10/2023 số căn nhà bỏ trống đã chiếm 13,8% tổng số ngôi nhà trên cả nước. Đây được xem là mức cao kỷ lục, cứ khoảng 7 ngôi nhà thì có 1 ngôi nhà bị bỏ hoang.

Sự gia tăng số lượng nhà trống, được gọi là akiya trong tiếng Nhật, phần lớn là do người già qua đời hoặc vào viện dưỡng lão, trong khi những cá nhân được thừa kế tài sản lại chọn sống ở những địa điểm thuận tiện hơn.

Con số thống kê mới nhất gây thêm áp lực lên chính quyền trung ương và địa phương trong việc thực hiện các biện pháp phá hủy hoặc tái sử dụng những tài sản không có người ở, vì việc để chúng nguyên trạng có thể làm tăng nguy cơ các tòa nhà sụp đổ, dẫn đến suy giảm an toàn công cộng trong khu vực.

Tiến độ tháo dỡ những ngôi nhà như vậy còn chậm một phần do khó xác định được chủ sở hữu.

Số lượng nhà bỏ trống đang tăng lên theo từng thời kỳ ở Nhật. Vào năm 1973, số nhà trống chỉ ở mức 1,72 triệu căn, chiếm 5,5% tổng số nhà. Con số này tăng lên 4,48 triệu căn vào năm 1993 và đã tăng gấp đôi trong 30 năm qua.

Dữ liệu cho thấy trong số 9 triệu căn nhà không có người ở, có 4,43 triệu căn được cho thuê, số căn để bán là 330.000 và khoảng 4 triệu ngôi nhà vẫn chưa rõ nguyên nhân bị bỏ trống.

Cuộc khảo sát cho thấy, tổng số nhà ở Nhật Bản đã tăng 2,61 triệu lên 65,02 triệu, trong đó số nhà có người ở tăng 2,03 triệu lên 55,65 triệu.

Theo phụ nữ TPHCM