Theo dữ liệu sơ bộ của cảnh sát, tổng số vụ tự tử trong tháng 10 là 2.153 vụ, tăng hơn 300 vụ so với tháng trước và là con số hàng tháng cao nhất kể từ tháng 5/2015.
Trong số các trường hợp tự tử của tháng 10 thì 851 trường hợp là phụ nữ, tăng 82,6% so với cùng tháng năm 2019. Số vụ tự tử của nam giới tăng 21,3%.
Các chuyên gia đặc biệt quan ngại tác động kinh tế từ đại dịch ảnh hưởng đến phụ nữ. Theo các chuyên gia, trường hợp tự tử đã giảm đều đặn cho đến tháng 7 nhưng sau đó tác động kinh tế của đợt bùng phát dịch COVID-19 đã ập đến và con số bắt đầu tăng lên.
Phụ nữ, những người có nhiều khả năng làm việc không cố định trong các ngành bán lẻ hoặc dịch vụ, bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất việc làm.
Để so sánh, hơn 13.000 người đã tự tử ở Nhật Bản trong năm nay. Con số đó cao gấp 7 lần số người chết do đại dịch lớn nhất mà đất nước từng chứng kiến. Cho đến nay, tự tử vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người trẻ tuổi.
Trong nhiều năm, việc nhận trợ giúp tâm lý đã bị kỳ thị và Nhật Bản có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các nước G7.
Thất nghiệp, làm thêm giờ và khủng hoảng kinh tế đẩy người lao động Nhật Bản - đặc biệt là phụ nữ - vào cảnh bế tắc
Một cuộc khảo sát mới của chính phủ Nhật Bản - một cuộc khảo sát nhắm vào khoảng 10.000 công ty và 20.000 công nhân - cho thấy 1/5 số nhân viên của nước này phải đối mặt với nguy cơ tử vong do làm việc quá sức (bao gồm tự tử).
Gần 23% doanh nghiệp Nhật Bản báo cáo rằng một số nhân viên của họ làm việc hơn 80 giờ làm thêm mỗi tháng. 80 giờ này - khoảng bốn giờ mỗi ngày cộng với giờ hành chính bình thường - chính thức được gọi là ngưỡng mà nguy cơ tự tử leo thang đáng kể.
Số công ty “tham công tiếc việc” nhất chiếm 12%, với nhân viên đạt đỉnh 100 giờ làm thêm mỗi tháng. Gần 30% số nhân viên làm việc quá sức này có mặt trong các ngành công nghệ thông tin và truyền thông cũng như các dịch vụ bưu chính và vận tải.
Khi số vụ tự tử đạt mức cao nhất là 34.427 người vào năm 2003, các nhà hoạch định chính sách đã vạch ra một chương trình phòng ngừa toàn diện được triển khai vào năm 2007.
Thông qua sự kết hợp của các nỗ lực của chính phủ và công ty bao gồm xác định các nhóm có nguy cơ, giới hạn thời gian làm thêm và giúp việc tư vấn dễ dàng hơn, các vụ tự tử đã giảm xuống chỉ còn hơn 20.000 vào năm 2019.
Giờ đây, mục tiêu của chính phủ Nhật Bản là giảm tỷ lệ nhân viên làm việc hơn 60 giờ một tuần – giới hạn ngưỡng "khỏe mạnh" – xuống còn 5% tổng số lao động.
Đó chắc chắn là những chính sách hoan nghênh. Tuy nhiên, người dân vẫn đang chờ đợi một “kế hoạch tuyệt vời” để tránh những tổn thất nghiêm trọng nhất về thế hệ trẻ.
Bộ phận này thậm chí còn chưa chính thức tham gia bộ máy lao động xã hội (shakaijin-worker) vì họ còn quá trẻ. Những vụ tự tử này không thể lý giải do làm việc quá sức, mà chính là thiếu sự quan tâm đúng mực từ gia đình, cộng đồng, chính phủ.
Theo phunuonline.com.vn