“Chúng ta đã học được cách chung sống với nhiều căn bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, và lao trong những thập kỷ qua”, ông Hsu - bác sĩ bệnh truyền nhiễm và phó khoa Sức khỏe Toàn cầu của trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, thuộc NUS - nói với Zing.

“Bằng cách can thiệp và áp dụng chính sách đúng đắn, chúng ta có thể giảm tối thiểu thiệt hại Covid-19 gây ra cho cá nhân và xã hội”, phó giáo sư Hsu nói.

Hannah Clapham, giáo sư trợ lý chuyên về bệnh truyền nhiễm thuộc trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, cũng đồng ý với ông Hsu.

“Có vẻ như là Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hiệu trên toàn cầu”, bà Clapham chia sẻ với Zing. Bệnh đặc hiệu nghĩa là virus không biến mất hoàn toàn mà đôi lúc sẽ bùng phát ở một số khu vực trên thế giới trong những năm tới, giống như sốt rét hoặc sốt xuất huyết.

Ông Hsu và bà Clapham chỉ là hai trong số nhiều chuyên gia cùng có quan điểm Covid-19 sẽ không biến mất. Tháng 1, gần 90% chuyên gia trong hơn 100 nhà dịch tễ học nghiên cứu virus corona tham gia khảo sát tháng 1 của tạp chí khoa học Nature ở Anh đều đồng ý rằng virus này nhiều khả năng sẽ thành bệnh đặc hiệu.

Nếu Covid-19 thật sự không thể bị dập tắt hoàn toàn, một quốc gia cần làm gì để chuẩn bị cho tương lai “sống chung với Covid-19”?

                          Những người đàn ông cao tuổi đeo khẩu trang ngồi tại công viên ở Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: AP.


Bao nhiêu % là đủ?


Dù vậy, các chuyên gia bất đồng về tỷ lệ % dân số cần được chủng ngừa trước khi việc "chung sống" bắt đầu.

“Tiêm chủng cho càng nhiều người dân càng tốt là điều quan trọng, bao gồm cả người lao động di cư không giấy tờ hợp lệ”, phó giáo sư Hsu Yang nhận định khi trả lời câu hỏi của Zing về việc Việt Nam cần thỏa mãn những tiêu chí gì nếu muốn chuyển đổi sang chiến lược “sống chung với virus”.

Ông Hsu cho rằng tiêm chủng sẽ đóng vai trò mấu chốt để giảm thiểu tác động từ sự lây lan rộng của virus. Nguyên nhân là nếu vẫn mắc Covid-19, người đã được tiêm chủng sẽ ít có khả năng bị nặng, cũng như ít khả năng làm phát tán virus.

Dựa vào kinh nghiệm của Israel và Anh, ông Hsu đánh giá rằng một quốc gia có vẻ sẽ cần tiêm chủng cho ít nhất 60% dân số để có thể giảm thiểu rõ rệt tác động của đại dịch và nghĩ tới việc nới lỏng các biện pháp giới hạn phòng dịch xuống đến mức trước khi có dịch.

Tiến sĩ William Schaffner, giám đốc y khoa của Quỹ quốc gia về các bệnh truyền nhiễm, cố vấn lâu năm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, cho rằng với sự xuất hiện của các biến chủng mới (đang hoành hành là biến chủng Delta), tỷ lệ tiêm chủng cần thiết có thể phải lên đến 80%.

Nếu so sánh với con số 60% phó giáo sư Hsu đưa ra, Việt Nam còn cách một khoảng xa. Tính đến chiều 28/6, tổng cộng Việt Nam đã tiêm gần 3,5 triệu liều vaccine Covid-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 172.994 người, theo Bộ Y tế.

"Theo tính toán của Bộ Y tế, nếu số lượng vaccine về đủ, khoảng 110-150 triệu liều vaccine, trong vòng 3-6 tháng còn lại trong năm nay, ước tính chúng ta sẽ tiêm khoảng 300.000-500.000 liều/ngày và đảm bảo hoàn thành chiến dịch tiêm", Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên ngày 24/6 cho biết, theo Báo Chính phủ.

Việc xét nghiệm ở Singapore sẽ không chỉ thực hiện với ca nghi nhiễm, mà sẽ trở nên định kỳ và thường xuyên với cả những người có vẻ khỏe mạnh. Ảnh: Healthway Medical Group.


So với Việt Nam, tỷ lệ tiêm chủng của Singapore - nước đang chuẩn bị cho hành trình sống chung với Covid-19 - lớn hơn nhiều. Đến ngày 21/6, khoảng 2 triệu người, tương đương 36% dân số, đã được tiêm chủng đủ 2 mũi. Nước này đặt ra mục tiêu chích ngừa đầy đủ cho hơn 60% dân số trước ngày quốc khánh 9/8.

Ngoài tiêm chủng, một điều quan trọng trong viễn cảnh “sống chung với Covid-19” là phải duy trì năng lực theo dõi dịch bệnh như năng lực truy vết, theo phó giáo sư Hsu.

Đồng thời, ông Hsu còn cho rằng cần tiếp tục đầu tư vào công nghệ và con người để cải thiện các chiến lược phòng tránh dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, nhằm đề phòng trường hợp số ca mắc và nhập viện tăng vọt.

Đổi hướng tập trung vào ca nhập viện


Trong cảnh sống chung với Covid-19, cách phản ứng khi phát hiện ca dương tính có thể sẽ rất khác với quy trình hiện tại.

Phó giáo sư Hsu cho rằng điều quan trọng là cần tập trung vào những ca nhập viện và ca tử vong vì đây là chìa khóa ngăn chặn quá tải cơ sở y tế. Việc truy vết vẫn có vai trò mấu chốt khi nhà chức trách đối mặt với những đợt bùng dịch chưa được kiểm soát hoặc khi xuất hiện biến chủng mới dễ lây lan hơn.

Đây cũng là điều đã được chính quyền Singapore nghĩ đến trong lúc xây dựng lộ trình hướng tới sự bình thường mới. Con đường “sống chung với Covid-19” của nước này phần nào được vạch ra trong tuyên bố ngày 24/6 của nhóm chuyên trách Covid-19 Singapore.

                     Người dân Singapore lúc này có thể mua bộ xét nghiệm Covid-19 tại nhà từ các hiệu thuốc lớn. Ảnh: AFP.


Theo tuyên bố, khi các thành tố trong chiến lược được được thực hiện tốt (bao gồm tiêm chủng, xét nghiệm, điều trị, và trách nhiệm xã hội), phản ứng của chính phủ trước việc phát hiện ca dương tính có thể rất khác so với bây giờ.

Chẳng hạn, nếu phần lớn người dân được tiêm chủng, người mắc Covid-19 có thể hồi phục ở nhà do anh ta và những người xung quanh được bảo vệ. Chính quyền có thể sẽ không còn phải thực hiện truy vết diện rộng và cách ly vì người dân có thể tự mua bộ xét nghiệm ở nhà từ hiệu thuốc. Ngoài ra, thay vì theo dõi số ca mắc mỗi ngày, chính quyền chỉ cần tập trung vào người bị nặng.

Đương nhiên, mức độ xét nghiệm và phạm vi truy vết phải được quyết định dựa trên mục tiêu của chiến lược hiện tại và số lượng người dân đã được tiêm chủng, theo bà Clapham.

Biến chủng và sự bình thường mới


Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới hiện có 4 biến chủng đáng ngại là Alpha (lần đầu phát hiện ở Anh), Beta (lần đầu phát hiện ở Nam Phi), Gamma (lần đầu phát hiện ở Brazil), và Delta (biến chủng lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ). Tuy nhiên, danh sách này vẫn có thể được mở rộng nếu có biến chủng mới xuất hiện.

“Trong tương lai, chúng ta vẫn luôn cần đề phòng trước biến chủng mới có khả năng xuất hiện, bao gồm biến chủng dễ lây lan hơn Delta, tuy nhiên đây vẫn là điều khó có thể tưởng tượng vào lúc này”, phó giáo sư Hsu nói.

Ông Hsu còn lưu ý rằng biến chủng mới có thể sẽ dẫn đến việc phải tiêm nhắc lại hoặc dùng loại vaccine được cải thiện.

Bà Clapham cho rằng khi xuất hiện biến chủng mới, điều cần làm là đo đạc mức dễ lây lan của biến chủng và độ miễn dịch của người dân.

Vấn đề có phải tiêm nhắc lại hay không lúc này “vẫn còn chưa rõ”, bà Clapham nói, bổ sung rằng mục tiêu trước mắt là tiêm chủng mũi một và hai cho người dân.

                                              Một thiếu nữ tiêm chủng ngừa Covid-19 tại Israel. Ảnh: Reuters.


Dù vậy, bà Clapham cho rằng cần phải theo dõi thêm về vấn đề này. Sự cần thiết của việc tiêm nhắc lại sẽ dựa vào thời gian tồn tại miễn dịch do vaccine tạo ra, cũng như hiệu quả bảo vệ của vaccine trước biến chủng.

“Sự theo dõi liên tục sẽ đóng vai trò mấu chốt ở đây”, bà Clapham nói.

Israel có thể được coi là một phép thử lớn đối với hiệu quả của vaccine trước biến chủng Delta - biến chủng dễ lây lan khiến nhiều nước đang phải chật vật chống dịch. Gần 60% dân số Israel lúc này đã tiêm đầy đủ vaccine Pfizer, mức cao nhất thế giới, theo dữ liệu từ Our World in Data.

Tuy nhiên, Israel cũng có thể trở thành ví dụ cho việc các kế hoạch "sống chung với dịch" phải điều chỉnh ra sao trước sự xuất hiện của biến chủng mới và việc số ca nhiễm tăng trở lại bất ngờ. Gần đây, số ca mắc Covid-19 Israel có xu hướng tăng trở lại với 70% ca mắc được cho là do biến chủng Delta, theo Guardian. Israel đã phải tái áp đặt quy định đeo khẩu trang trong không gian kín.

Tính đến ngày 29/6, số ca mắc Covid-19 đang điều trị tại Israel là 1.500 ca, cao gấp 7 lần so với hồi đầu tháng 6. Nhưng trong số ấy, chỉ 45 người phải nhập viện, 21 trong 45 người ở trong tình trạng nghiêm trọng. Số ca tử vong do Covid-19 trong tháng 6 là 7 người, mức thấp nhất trong tháng kể từ đầu đại dịch, theo Jerusalem Post.

Để có thể sống chung với Covid-19, mỗi nước còn cần làm rất nhiều điều. “Đây là việc các quốc gia đều đang tự mày mò trong quá trình thực hiện”, phó giáo sư Hsu nói. “Việc quan trọng là quan sát tình hình tại các nước như Mỹ, Anh, và Trung Quốc để học hỏi kinh nghiệm từ những nơi mở cửa trước chúng ta”.

Theo Zing