Về quê lập nghiệp

Anh Lâm Thái Dương (36 tuổi) tốt nghiệp ngành sinh học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, còn chị Lê Hồng Linh (32 tuổi) tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học của Trường ĐH Mở TP.HCM.

Hai anh chị có khoảng thời gian đi làm cho một trang trại rau xanh ở TP.HCM. Tuy nhiên, vì không muốn sống cảnh xa gia đình, làm thuê nơi xứ người nên cả hai quyết định trở về quê (xã Bình Phú, H.Tân Hồng, Đồng Tháp) lập nghiệp.

Khởi nghiệp, lập nghiệp: Sống khỏe nhờ làm nấm rơm trong nhà kính - Ảnh 1.

Anh Thái Dương chăm sóc nấm rơm

Phúc Kha

Sau thời gian tìm tòi, nhận thấy làm nấm rơm không quá khó về kỹ thuật và cũng không mất nhiều công chăm sóc, anh Dương và chị Linh quyết định chọn mô hình này để lập nghiệp.

Đều là tay ngang, vợ chồng anh Dương vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm. Anh chị chăm chỉ học hỏi các chủ trang trại trồng nấm ở địa phương để có thêm kinh nghiệm, đọc nhiều sách báo, rồi xem video hướng dẫn làm nấm rơm trên internet.

Năm 2018, anh Dương bắt đầu làm thử nấm rơm bằng phương pháp truyền thống với hai nhà kính che bằng màng ni lông, mỗi phòng rộng 15 m2. Tuy nhiên, ở loại phòng này thì nhiệt độ, độ ẩm không ổn định nên nấm sinh trưởng và phát triển không như kỳ vọng.

Sau nhiều lần thất bại, vợ chồng anh Dương quyết định thực hiện quy trình làm nấm rơm công nghệ cao trong nhà kính và mạnh dạn đầu tư 1,8 tỉ đồng để biến 2.000 m2 đất vườn thành nhà nấm. Nhà kính làm nấm được chia thành 48 phòng khép kín, mỗi phòng rộng 15 m2. Các phòng được quây kín bằng vách tường xi măng vững chắc, luôn ấm và ẩm hơi nước.

Trong nhà kính, anh Dương và chị Linh bố trí hệ thống ống dẫn hơi nước, dẫn nhiệt để đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm ở phòng nấm luôn được duy trì mức lý tưởng cho sự sinh trưởng của nấm rơm. Từ khi xây dựng nhà kính, họ đã làm chủ nhiệt độ, độ ẩm giúp nấm có thể sinh trưởng tốt, hoàn toàn không phụ thuộc vào thời tiết, có thể canh tác quanh năm.

"Nấm rơm có thời gian sinh trưởng ngắn, khoảng 12 ngày, ít tốn chi phí sản xuất và tận dụng những phế phẩm rơm rạ từ cây lúa của địa phương", anh Dương cho biết.

Khởi nghiệp, lập nghiệp: Sống khỏe nhờ làm nấm rơm trong nhà kính - Ảnh 2.

Nấm rơm sinh trưởng tốt hơn khi trồng trong nhà kính

 

Sản phẩm không đủ cung cấp cho thị trường

Theo chị Linh, khi làm nấm rơm, phải xử lý rơm thật kỹ, chọn meo giống tốt, đúng tuổi, không nhiễm khuẩn thì sẽ cho năng suất cao và chất lượng nấm tốt. Rơm phải được phơi khô đến độ vàng ươm và có mùi thơm của rơm mới.

Nếu rơm bị mốc hoặc bị nấm men thì không dùng để làm nấm rơm vì sẽ cho năng suất nấm không cao, thậm chí còn gây thối, hỏng nấm. Nguyên liệu sau khi ủ sẽ được chất theo dạng kệ và cấy giống nấm vào. Ngoài ra, việc theo dõi nhiệt độ và độ ẩm trong nhà nấm cũng là khâu rất quan trọng.

"Làm nấm rơm trong nhà có nhiều tiện lợi, ưu điểm hơn so với nấm rơm ngoài trời, đó là làm được quanh năm không sợ sinh vật phá hoại, tránh được ảnh hưởng của thời tiết, chủ động điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm để giúp nấm phát triển tốt, đạt năng suất cao, đảm bảo sản phẩm sạch, chất lượng cao", chị Linh nói.

Sau 5 năm gắn bó với mô hình, sản phẩm nấm rơm của anh Dương và chị Linh đã có đầu ra ổn định. Mỗi ngày, trang trại thu hoạch khoảng 20 - 30 kg nấm (giai đoạn nấm cho năng suất cao, mỗi ngày trang trại thu hoạch khoảng 70 - 80 kg nấm). Giá bán khoảng 50.000 - 80.000 đồng/kg. Hiện tại sản phẩm không đủ cung cấp cho thị trường ở địa phương.

"Chúng tôi dự định phát triển thêm số lượng nhà kính làm nấm rơm, tự chủ động sản xuất meo giống, sơ chế nấm rơm để đảm bảo cung cấp cho thị trường", chị Linh cho biết.

Anh Nguyễn Văn Biểu, Bí thư Đoàn xã Bình Phú, H.Tân Hồng, cho biết: "Tôi nhận thấy mô hình làm nấm rơm trong nhà kính của Thái Dương và Hồng Linh rất tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này của anh chị được thiết kế bài bản, quản lý tốt nhiệt độ, độ ẩm và các sinh vật gây hại".

Theo Thanh niên