Ngày 23/11, Tổng cục Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc ban hành chính sách mới liên quan đến hoạt động livestream.
Streamer phải sử dụng tên thật và người xem dưới 18 tuổi không được tặng tiền, "quà ảo" có giá trị cho chủ kênh. Danh tính người dùng sẽ được kiểm tra thông qua hệ thống nhận diện khuôn mặt và báo cáo thủ công.
Tại xứ tỷ dân, đại dịch Covid-19 trở thành bệ phóng cho xu hướng livestream mới - phát sóng trực tiếp để quảng cáo sản phẩm và bán hàng. Dù thu hút hàng triệu lượt tiếp cận, mô hình kinh doanh này nhận về không ít chỉ trích vì thao túng dữ liệu người dùng, bán các sản phẩm không phù hợp, dịch vụ hời hợt và lạm dụng yếu tố tình dục.
Ngoài ra, tình trạng thanh thiếu niên mạnh tay chi tiền, "tặng quà" cho streamer trở thành vấn nạn lớn trong thời gian qua. Năm 2019, một cậu bé 11 tuổi ở Tứ Xuyên đã rút 40.000 NDT trong tài khoản hưu trí của ông nội để donate cho các streamer nữ trên mạng, dấy lên lo ngại của nhiều bậc phụ huynh.
|
Tại Trung Quốc, có hơn 900 nền tảng phát video trực tiếp với 10 triệu kênh đang hoạt động. Ảnh:E-Commerce News. |
Bằng chính sách định danh mới, chính phủ Trung Quốc hướng đến siết chặt quản lý các kênh livestream, theo SCMP. Các kênh bán hàng phải đăng ký tài khoản bằng tên thật, báo cáo hoạt động của mình với cơ quan chức năng.
Ngoài ra, người xem lứa tuổi thiếu niên sẽ không thể tặng "quà ảo" giá trị lớn cho các sao mạng. Ngược lại, nếu streamer có ý định "vòi quà", khoe thân khi phát sóng trực tiếp, họ sẽ rơi vào "danh sách đen", bị cấm livestream trên mọi nền tảng.
Bên cạnh đó, chính sách mới cũng lưu ý đến đối tượng người nổi tiếng và người nước ngoài. Nhờ đó, tình trạng sao mạng dùng tiền mua lượt xem ảo để tăng tương tác, thúc đẩy doanh số bán hàng và gia tăng danh tiếng sẽ được giải quyết.
|
Chính sách mới của chính phủ Trung Quốc hướng đến siết chặt quản lý hoạt động trên sóng livestream. Ảnh:ABC. |
Tổng cục Phát thanh và Truyền hình Quốc gia cũng yêu cầu các cá nhân, tổ chức hoạt động trên sóng livestream phải đào tạo nhân viên kiểm duyệt nội dung, đảm bảo đưa lên mạng những nội dung sạch, chất lượng.
"Các nền tảng livestream cần ưu tiên lợi ích xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực và đề cao tính chân - thiện - mỹ", cơ quan này nhấn mạnh.
Những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đề ra nhiều biện pháp nhằm quản lý hoạt động của nền tảng phát sóng trực tiếp. Năm 2016, Cơ quan An ninh mạng nước này đã yêu cầu kiểm duyệt nội dung trước khi đăng tải, buộc streamer phải đăng ký hoạt động bằng chứng minh thư hay giấy phép kinh doanh.
SCMP cho biết đầu năm nay, nhiều trang web xứ Trung bắt đầu gỡ bỏ các nội dung mukbang - livestream ăn uống - sau khi bị chỉ trích vì lãng phí đồ ăn.