leftcenterrightdel
 Số thị thực được cấp cho những người phụ thuộc vào các sinh viên nước ngoài trong năm 2022 tại Anh chạm mốc 136.000 thị thực. Ảnh: Euractiv

Tuy nhiên, bước đi này đang vấp phải những quan điểm trái chiều khi được cho sẽ ảnh hưởng đến vị thế và sức cạnh tranh của nền giáo dục Anh.

Quyết định gây tranh cãi của chính phủ Anh

Theo con số chính thức được chính phủ Anh công bố, năm 2022, nước này đã cho phép nhập cảnh tổng cộng gần 1,2 triệu người di cư, một con số kỷ lục trong những năm gần đây. Đại đa số những người nhập cư (khoảng hơn 900.000) đến từ các quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu.

Số lượng thị thực của các sinh viên nước ngoài tại Anh đã đạt mốc 486.000 thị thực vào cuối năm 2022, tăng hơn 44% so với năm 2019, khi con số này chỉ ở mức 269.000. Trong khi đó, số thị thực được cấp cho những người phụ thuộc vào các sinh viên nước ngoài trong năm 2022 tại Anh cũng tăng đáng kể, chạm mốc 136.000 thị thực, tăng gần 8 lần so với con số 16.000 ở năm 2019.

Vấn đề di cư là một trong những thách thức lớn mà chính phủ của Thủ tướng Anh Rishi Sunak phải giải quyết kể từ khi ông lên nắm quyền hồi tháng 7/2022. Trước tình hình di cư tăng đột biến, ông Rishi Sunak buộc phải có những biện pháp mới cứng rắn hơn để hạn chế vấn đề này trong đó có dự luật cho phép trục xuất người di cư về Rwanda, mới được Hạ viện Anh thông qua hồi tháng trước. Tuy nhiên, ngay từ khi công bố, dự luật của ông Rishi Sunak đã vấp phải những ý kiến phản đối gay gắt. Các nghị sĩ cánh hữu của Đảng Bảo thủ nhận thấy văn bản này quá mềm mỏng trong khi những người theo chủ nghĩa trung dung của Đảng và phe đối lập cho rằng nó quá cực đoan và có nguy cơ đi ngược lại các cam kết quốc tế về nhân quyền. Hiện dự luật vẫn đang tiếp tục được các phe liên quan “cân nhắc” và hoàn toàn có thể bị “từ chối” nếu không có những sửa đổi mang tính đột phá trong tháng 1 này.   

Trước bối cảnh dự luật còn đang được xem xét trong khi người dân vẫn chờ đợi những kết quả cụ thể, nhất là khi cuộc tổng tuyển cử đang gần kề, chính phủ của ông Sunak không thể chỉ dừng lại ở vấn đề người tị nạn mà cần phải tấn công mọi mặt trận liên quan đến di cư, trong đó có vấn đề của các sinh viên quốc tế và gia đình có liên quan.

Theo một quy định mới, kể từ ngày 1/1/2024, các sinh viên nước ngoài sẽ không còn được phép đưa người thân hay gia đình đến đoàn tụ tại Vương quốc Anh. Biện pháp này áp dụng cho hầu hết sinh viên quốc tế, ngoại trừ những sinh viên đăng ký các khóa học nghiên cứu sau đại học hoặc có học bổng do chính phủ tài trợ. Trước đó, chính phủ Anh cho phép sinh viên tham gia các khóa học kéo dài ít nhất 9 tháng được đưa vợ hoặc chồng và con cái của họ đến nước này trong quá trình theo học. Những quy định mới này dự kiến sẽ giúp giảm khoảng 140.000 người di cư vào Vương quốc Anh mỗi năm.  

Không như những biện pháp khác, việc hạn chế sinh viên đưa người thân đến Anh sẽ đem đến những kết quả khả quan trong thời gian ngắn. Và đó là điều mà chính phủ của ông Sunak đang kỳ vọng lúc này. Việc có những con số làm hài lòng người dân và phe ủng hộ sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới, dự kiến sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2024. Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng biện pháp này sẽ chỉ giải quyết được một số vấn đề bề nổi và nhiều khả năng sẽ gây nên một cuộc khủng hoảng cho thị trường lạo động Anh.

Những tác động trước mắt

Có ý kiến cho rằng, chính sách mới này sẽ ảnh hưởng lớn đến các trường đại học phụ thuộc vào học phí của sinh viên nước ngoài, cũng như vị thế của Anh trên bản đồ giáo dục và cả du lịch của châu Âu và thế giới. Đảng Lao động đối lập tại nước này cũng cho rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời, không thể giải quyết các vấn đề của thị trường lao động, thậm chí cản trở tăng trưởng kinh tế.

Có một sự thật là phần lớn những sinh viên quyết định đến Anh du học đều là những sinh viên thuộc gia đình khá giả hoặc đã đi làm và để dành được một số vốn nhất định. Anh là một trong những quốc gia có nền giáo dục đắt nhất trên thế giới, không chỉ thế, cuộc sống ở Anh cũng cực kỳ đắt đỏ. Thông thường, những gia đình có thu nhập ở mức trung bình sẽ ưu tiên các quốc gia khác như Australia, Singapore, Pháp, Đức hay Hà Lan… để đi du học.

Mục tiêu chủ yếu của những sinh viên quốc tế đến Anh, ngoài việc du học chất lượng cao thì họ sẽ nhắm đến cơ hội được ở lại làm việc và định cư. Với những sinh viên có người thân thì điều này lại càng bức thiết hơn. Đây có thể coi là một cơ hội đổi đời. Thế nên với việc chọn du học Anh, các sinh viên cũng như gia đình của họ đều đã xác định rõ ràng con đường cần đi. Họ sẽ bằng một cách nào đó, hòa nhập được vào cuộc sống ở Anh và quan trọng nhất là đại đa số sẽ rất tuân thủ luật pháp nước sở tại để hướng đến việc có thể định cư lâu dài.

Đây có thể nói là lực lượng di cư “tốt” cho nước Anh. Và trong quá trình sống, họ và người thân sẽ phải làm việc để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt. Thậm chí, trong thời gian đầu, họ sẽ là một nguồn ngoại hối đáng kể cho chính phủ Anh và đóng góp cho ngành thương mại, du lịch hay kinh tế của nước này.

Ngoài ra, với mục tiêu định cư tại Anh, đại đa số sinh viên có thể ở lại đều đã qua sàng lọc và có một trình độ nhất định. Điều này cũng là một trong những nhân tố quan trọng góp phần bổ sung thiếu hụt của thị trường lao động Anh. Tất nhiên là sẽ có những sinh viên đến với mục đích khác nhưng những thành phần này sẽ bị loại bỏ theo chọn lọc tự nhiên. Việc ở lại Anh một cách bất hợp pháp sau khi đã tiêu tốn một khoản kinh tế đáng kể là điều mà không phải ai cũng có thể hoặc dám làm, chưa kể đến nếu họ còn có thêm gia đình. Thế nên về cơ bản, đây sẽ là lực lượng lao động cần thiết cho thị trường Anh.

Thực tế cũng đúng như vậy, chính lực lượng này đã giúp ngành y tá và điều dưỡng ở Anh không phải trải qua thời kỳ thiếu thốn nghiêm trọng người lao động trong những năm gần đây mặc dù số lượng người bản địa nghỉ việc hoặc đổi việc trong ngành này là khoảng 20.000 người mỗi năm. Anh cũng đã trải qua cuộc đình công tập thể của các bác sĩ, y tá hồi cuối năm 2022 khi họ cho rằng mức lương hiện tại không đủ để trang trải cuộc sống của mình. Một trong những ngành khác được hưởng lợi từ nguồn lực này là ngành công nghệ thông tin hay xây dựng cầu đường.

Tóm lại, với những quy định mới không cho phép sinh viên nước ngoài mang theo người thân đến Anh, nước này sẽ chỉ đạt được những số liệu phù phiếm liên quan đến vấn đề người di cư nhưng về thực chất, Vương quốc Anh sẽ mất một khoản thu nhập đáng kể đến từ những gia đình sinh viên này, cũng như đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động có tay nghề ở một số ngành đã và đang thiếu hụt lực lượng lao động. Chưa kể đến điều này sẽ đẩy Anh vào vị trí kém cạnh tranh so với một số quốc gia khác trong việc thu hút nguồn sinh viên nước ngoài như Mỹ, Pháp, Đức, Canada…   

Giải pháp của chính phủ Thủ tướng Rishi Sunak

Với những quy định mới này, Anh sẽ đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động có tay nghề, thậm chí là bị ảnh hưởng ở một mức nào đó đối với nền kinh tế nội địa. Chưa kể đến đây còn là một lực lượng di cư có lợi cho nước Anh khi đại đa số sẽ cố gắng tuân thủ luật pháp cũng như đóng góp đầy đủ cho các quy định về thuế quan hay bảo hiểm ở nước này.

Thế nên điều cần nhất lúc này với chính phủ Anh, đó là dành thời gian để có thể xem xét lại quy định này một cách cụ thể. Dành thời gian để nghiên cứu và làm việc với các trường đại học sở tại để tìm ra lỗ hổng thị thực nằm ở đâu, liên quan chủ yếu đến ngành học nào. Từ đó đưa ra một quy định có phần cụ thể hơn, thay vì vơ đũa cả nắm như hiện nay. Chính phủ Anh hoàn toàn có thể đưa ra một lộ trình “siết chặt” việc di cư theo từng giai đoạn, để những lực lượng di cư “tốt” có thời gian thích nghi và ra những quyết định phù hợp. Bởi một khi đã có trình độ, thì cho dù đi đến đâu lực lượng này cũng sẽ được chào đón.

Trong khi một số nước Bắc Âu hay Đức đang có những quy định khuyến khích người lao động có tay nghề đến nước mình, thì quyết định này của Anh dường như đang đi ngược lại xu hướng. Thực tế sẽ cho thấy dòng người di cư không phải vì quyết định này mà sẽ giảm bớt. Số người di cư đến miền đất hứa sẽ chỉ thay đổi từ những người có trình độ sang những người không có trình độ. Khi đó, các vấn đề mà Anh đang gặp phải sẽ mệt mỏi hơn bây giờ gấp nhiều lần. Có lẽ Anh sẽ cần học theo Đức, thay vì phải chấp nhận dòng người di cư một cách miễn cưỡng thì họ nên tiến hành sàng lọc ngay từ đầu vào, tại những nước có nguồn nhân lực chất lượng, cũng như tập trung sức lực vào cuộc chiến ngăn chặn người di cư bất hợp pháp.

Tuy nhiên trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử đang đến gần, chính phủ của ông Sunak vẫn sẽ ưu tiên những kết quả ngắn hạn nhằm đạt được niềm tin của người dân cũng như phe ủng hộ. Các điều chỉnh sẽ có thể được đưa ra sau sự kiện này hoặc một khi Anh lại vấp phải những vấn đề có liên quan đến thị trường lao động hay xã hội tương tự.

Theo vov