Một ngày sau khi ông Yoshiro Mori (83 tuổi) xin từ chức trưởng ban tổ chức Olympic Tokyo vì có những nhận xét xúc phạm phụ nữ, Momoko Nojo (23 tuổi) bắt đầu một bản kiến nghị chống lại tình trạng phân biệt giới tính ở Nhật Bản.
"Mục đích không phải sự từ chức của ông ấy. Tôi thấy phải lên tiếng vì trước giờ, xã hội Nhật Bản vẫn coi những bình luận như vậy là bình thường", Nojo nói với BBC. Sau 2 ngày, bản kiến nghị thu được 100.000 chữ ký.
|
Momoko Nojo (23 tuổi) cầm tấm bảng vận động kêu gọi chữ ký cho kiến nghị của mình. |
Sau khi ông Mori từ chức, Seiko Hashimoto, cựu nữ Bộ trưởng Olympic Nhật Bản và từng là vận động viên trượt băng tốc độ nổi tiếng, đảm nhận vị trí bỏ trống.
Động thái này được coi là chiến thắng đối với nữ giới. Nhưng với Nojo, việc này vốn không thể giải quyết được vấn đề bất bình đẳng giới sâu sắc ở Nhật Bản.
Chính phủ khuyến khích, gánh nặng vẫn như cũ
Trọng nam khinh nữ vốn là một tư tưởng thâm căn cố đế ở xứ hoa anh đào. Chỉ vài ngày sau sự việc của ông Mori, ban tổ chức Olympic Tokyo lại gây xôn xao khi thông báo phụ nữ có thể tham gia các cuộc họp, song không được phép phát biểu.
Bất chấp các nỗ lực xóa bỏ định kiến giới hay cụ thể là mục tiêu phụ nữ chiếm 30% các vị trí lãnh đạo ở Nhật vào năm 2020, những câu chuyện xoay quanh bất bình đẳng nam nữ vẫn diễn ra thường xuyên.
Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp Nhật Bản đứng thứ 120 trong số 156 quốc gia về bình đẳng giới, giảm 40 bậc so với xếp hạng năm 2006.
|
Ông Yoshiro Mori (83 tuổi) cúi đầu xin lỗi sau khi có phát biểu mang tính xúc phạm phụ nữ. |
Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Sự phân công lao động mặc định này đã tác động đến gia tăng dân số.
Nhiều phụ nữ Nhật Bản đứng trước viễn cảnh từ bỏ công việc, không có cơ hội thăng tiến nếu sinh con. Điều này dẫn đến thực trạng sinh ít hơn hoặc chọn không sinh con, đồng thời tỷ lệ kết hôn cũng giảm mạnh.
Trước cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, chính phủ Nhật Bản một mặt muốn phụ nữ sinh nhiều hơn, một mặt mong họ tiếp tục làm việc để hỗ trợ lực lượng lao động đang bị thu hẹp của đất nước.
Năm 2015, chương trình Womenomics do cựu Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng cam kết tạo ra nhiều chính sách có lợi cho phụ nữ nước này. Tuy nhiên, các chính sách này chủ yếu khuyến khích nữ giới quay trở lại làm việc, thay vì giải quyết các thách thức cụ thể như thiếu cơ sở chăm sóc trẻ em cho người mẹ.
"Về cơ bản, Nhật Bản không thúc đẩy bình đẳng giới. Chính phủ chỉ động viên mà không đưa ra thay đổi hay hỗ trợ nào. Gánh nặng vẫn do phái nữ chịu", nhà báo Toko Shirakawa, người viết nhiều về tỷ lệ sinh giảm của Nhật Bản, nói.
Mặc dù ngày càng có nhiều phụ nữ thực sự tham gia vào lực lượng lao động, nhiều người vẫn chủ yếu làm việc bán thời gian hoặc không thể theo đuổi sự nghiệp lâu dài, đồng nghĩa với việc họ không tiếp cận được những công việc hàng đầu.
Kết quả là nam giới vẫn chiếm ưu thế trong lĩnh vực kinh doanh và lãnh đạo chính trị ở Nhật Bản.
|
Dù thể hiện động thái ủng hộ phụ nữ, chính phủ Nhật Bản vẫn chưa có chính sách thật sự có hiệu quả cho các bà mẹ, người vợ. |
Thói quen im lặng
Một phần lý do khiến những bình luận miệt thị phụ nữ như của ông Yoshiro Mori vẫn tồn tại là do quy tắc bất thành văn ở xã hội Nhật: mọi người có thói quen né tránh tranh cãi với những người lớn tuổi.
"Nhật là nơi mọi người cảm thấy khó lên tiếng phản bác. Nếu bạn làm vậy, bạn có thể bị coi là ích kỷ. Ngay cả khi thấy lời nói của ai đó phân biệt giới tính, nhiều người sẽ chọn im lặng để tình huống không khó xử", Nojo nói.
Trước đó, khi các lãnh đạo nam giới có các sự cố vạ miệng tương tự, một lời xin lỗi, mong nhận được sự thông cảm của công chúng là đủ để sự việc lắng xuống.
Đó là lý do nhiều phụ nữ lớn tuổi bày tỏ sự ủng hộ đối với kiến nghị của Nojo. Nhiều người cho biết họ cảm thấy phải chịu trách nhiệm một phần khi những lời lẽ xúc phạm phụ nữ tiếp tục xảy ra vì họ đã không lên tiếng trước đây.
Thực tế, các nỗ lực kêu gọi, lên tiếng cũng đem lại tiến bộ khi lớp đàn ông lớn tuổi ở Nhật đã dần thay đổi trong thái độ, ứng xử có chừng mực hơn với những phụ nữ kém tuổi.
|
Sự chênh lệch giữa tỷ lệ nam nữ ở các vị trí lãnh đạo quan trọng trong bộ máy nhà nước Nhật Bản vốn tồn tại từ lâu. |
Để xóa bỏ các bất bình đẳng giới, nhà báo Shirakawa cho biết điều quan trọng là phải tăng số lượng các nhà hoạt định chính sách nữ. Cô cũng ủng hộ việc đưa ra hạn ngạch giới trong quốc hội.
"Và bất cứ khi nào có thể, các chính trị gia nên đề cử đồng nghiệp hoặc giám đốc nữ điều hành các bộ phận", Shirakawa nói.
Risa Kamio, ủy viên hội đồng địa phương ở thành phố Setagaya (thuộc Tokyo), đồng ý rằng phụ nữ cần có nhiều chỗ hơn trong lĩnh vực chính trị. “Một người không thể chiến đấu một mình. Tôi nhận ra rằng chúng ta càng có nhiều nhà lập pháp nữ, thì càng có nhiều người lên tiếng".
Năm 2016, Kamio quyết định tham gia ứng cử vì muốn góp tiếng nói. Nhưng khó khăn cũng xuất hiện từ rất sớm khi Kamio phải vất vả kiếm chỗ trông cậu con trai 3 tuổi. Đi vận động tranh cử, cô được yêu cầu đứng bên ngoài một nhà ga địa phương từ sáng sớm đến nửa đêm - điều không phù hợp với lịch sinh hoạt của gia đình.
Trong khi chồng ủng hộ cô tranh cử, những người thân khác tỏ rõ lo lắng. "Bố mẹ tôi phản đối, đặc biệt là người mẹ vốn dành cả cuộc đời lo chuyện nội trợ. Bà ấy sợ tôi sẽ bận rộn đến mức bỏ bê con trai mình", cô kể lại.
Theo Zing