Các show diễn hoành tráng của Victoria's Secret đã phải dừng lại. Dàn thiên thần cũng không còn được xuất hiện trong các chiến dịch quảng cáo của hãng. Theo New York Times, nguyên nhân được cho là bởi hãng nội y này đang hướng đến thông điệp ủng hộ các nhóm phụ nữ đa dạng bất kể có thân hình chuẩn người mẫu hay không.

Từ khi thông tin trên bùng nổ, truyền thông nhận định đó là kết quả tất yếu, vấn đề chỉ phụ thuộc vào thời gian mà thôi. Nhưng một câu hỏi được đặt ra: Tại sao show diễn của Victoria's Secret lại có thể tồn tại lâu đến vậy?


Bỏ tiền để mua vị thế trong ngành công nghiệp thời trang


Các show thời trang của Victoria’s Secret được tổ chức thường niên từ năm 1995 đến 2018, trong đó bị tạm hoãn vào năm 2004. Ở thời kỳ đỉnh cao, chương trình phát sóng tại hơn một trăm quốc gia, được hàng triệu người trên khắp thế giới đón xem và giúp doanh thu hàng năm của công ty đạt gần 7 tỷ USD.

                                                                                Bella Hadid trong hậu trường show diễn Victoria’s Secret 2018 ở New York.


Victoria’s Secret đã đầu tư số vốn khổng lồ để mua vị thế trong giới thời trang và trong mắt những người theo dõi ngành công nghiệp này.

Trước khi các nhà mốt khác làm show diễn vòng quanh thế giới, Victoria’s Secret đã tiên phong. Năm 2016 khi tổ chức tại Pháp, hãng đã lựa chọn sàn runway ở Grand Palais, địa điểm thường dành cho Chanel. Những nhà thiết kế tên tuổi như Olivier Rousteing (của Balmain), Clare Waight Keller (của Chloé) và Riccardo Tisci (của Givenchy) đã có mặt trên hàng ghế khách mời.

Lady Gaga và Bruno Mars từng tranh nhau để được biểu diễn cạnh những thiên thần nóng bỏng. Những chiếc áo lót và đôi cánh lộng lẫy của hãng nội y cũng đã được Harper’s Bazaar, Vogue và Elle, đôi khi là cả New York Times, đưa tin như những xu hướng thức thời của ngành công nghiệp thời trang.

Biết cách làm dàn người mẫu trở nên nổi tiếng


Theo New York Times, sự thành công của Victoria's Secret vào đầu những năm 2000 được cho là bởi giai đoạn đó vốn thịnh hành văn hoá “pin-up" - đề cao và yêu thích sự gợi cảm của thân hình phụ nữ. Trong thời kỳ này, không chỉ thời trang mà ngành giải trí, thương hiệu hay văn hoá phẩm đều chuộng phong cách "pin-up" mát mẻ như một cách để chiều lòng nam giới.

Có thể nói, các thiên thần của Victoria’s Secret là một phần của quá trình thương mại hóa, xác định thời kỳ văn hóa cuối thế kỷ 20 đã và vẫn đang tiếp tục lan rộng mạnh mẽ ở khắp mọi nơi.

                                                                                Karlie Kloss trong show diễn năm 2011.


Ngoài ra, Victoria’s Secret còn hiểu được sức hấp dẫn của thương hiệu cá nhân, có được lợi thế hoàn hảo trước khi Instagram biến đổi khái niệm về sự nổi tiếng.

Bằng cách tạo ra khái niệm thiên thần (vào năm 1997) và quảng bá họ như những ngôi sao, Victoria’s Secret đã mang lại cho người mẫu quyền lực, tiền tài và sự nổi tiếng. Tất cả những điều đó là bàn đạp để người mẫu dấn bước vào giai đoạn tiếp theo của sự nghiệp, giúp họ cạnh tranh hơn với những diễn viên ngày càng chiếm lĩnh trang bìa của các tạp chí thời trang.

Và Victoria’s Secret đã được người mẫu của mình đáp trả hậu hĩnh. Khi thiên thần Gisele Bündchen rời công ty vào năm 2006, cô là người mẫu có thu nhập cao nhất thế giới. Trong một cuộc phỏng vấn với Refinery29, cô nói rằng Victoria’s Secret đã mang lại đến 80% tổng số thu nhập của mình.

Dàn thiên thần của Victoria’s Secret còn bao gồm Karen Mulder (thiên thần đầu tiên), Tyra Banks, Naomi Campbell và Miranda Kerr - họ đều là những người mẫu có thu nhập cao nhất thị trường.

Sức hấp dẫn choáng ngợp ấy đã khiến cho cả những tên tuổi đã nhiều lần xuất hiện trên trang bìa của Vogue đều khao khát được trở thành thiên thần của Victoria’s Secret.

Ivan Bart, chủ tịch của IMG Models and Fashion, đơn vị quản lý cho các thiên thần như Gisele Bündchen và Karlie Kloss, cho biết: "Các người mẫu đều mong muốn được trình diễn thời trang cao cấp, sải bước trên các sàn runway hoành tráng, tham gia các chiến dịch quảng cáo chuyên nghiệp và Victoria’s Secret".

Bart còn chia sẻ thêm một người mẫu mà anh từng làm việc còn từ bỏ cơ hội trình diễn trong một show thời trang lớn ở Milan vì cô được mời đến một buổi chụp hình cho Victoria’s Secret kéo dài 5 ngày.

"Tôi đã từng gặp những cô gái muốn ký hợp đồng cùng IMG với ước mơ được lên bìa tạp chí Vogue. Sau đó, khoảng năm 2000, họ lại thay đổi ước mơ để trở thành thiên thần của Victoria’s Secret", Bart nói với New York Times.

Đến năm 2013, khi WME, công ty quản lý tài năng kếch xù của Hollywood, mua lại IMG, một phần lý do là họ nhìn thấy cơ hội phát triển thời trang như một lĩnh vực giải trí.

                                                                               Adriana Lima tại show diễn của Victoria’s Secret ở Paris năm 2016.


Vào năm 2015, các giám đốc điều hành của WME là Ari Emanuel, Mark Shapiro đã có mặt ở hàng ghế đầu của show diễn Victoria’s Secret và ghi chép.

Những hiệu ứng mà Victoria’s Secret tạo ra đã che lấp mặt tối của câu chuyện: chế độ ăn kiêng điên cuồng và tập luyện khắc nghiệt mà các người mẫu phải trải qua để có được thân hình hoàn hảo. Đó là phiên bản phi thực tế cho cơ thể phụ nữ trên thế giới.

Giờ đây, những quan điểm về sự quyến rũ như vậy vẫn không thể hoàn toàn biến mất, kể cả khi các show diễn của Victoria’s Secret đã dừng lại. Sự nữ tính phóng đại mà các thiên thần tạo ra có thể đưa mỗi cô gái lên mây hoặc xuống địa ngục, tuỳ thuộc vào quan điểm từng người.

Như trong cộng đồng dao kéo chẳng hạn. Họ điên cuồng phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh sửa cả khuôn mặt và cơ thể để có được diện mạo của các thiên thần. Bất kể không cần đôi cánh.

Theo Zing