Tối 20.4, Hiệp Hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam (DBAV) đã tổ chức đêm tiệc với chủ đề "East Meets West" (Đông gặp Tây) nhằm tạo điều kiện để giới kinh doanh Hà Lan và Việt Nam gặp gỡ và hợp tác với nhau.
Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hà Lan (1973-2023) với sự tham dự của khoảng 200 khách, bao gồm các đại diện ngoại giao Hà Lan, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các doanh nghiệp của cả hai nước.
Tại đêm tiệc, các doanh nghiệp Việt Nam chiến thắng chương trình Ready To Export (Sẵn sàng xuất khẩu, hay R2E) cũng đã được trao giải với phần thưởng là một số tiền đầu tư. Giải thưởng cung cấp nguồn tài chính cần thiết để mở rộng kinh doanh và phát triển khả năng xuất khẩu của các doanh nghiệp này.
R2E là chương trình trang bị cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam các kỹ năng và kiến thức cần thiết để thành công trong việc xuất khẩu đến các thị trường quốc tế, trở thành đối tác thương mại với Hà Lan và châu Âu. Thông qua một loạt các buổi đào tạo và tư vấn 1-1, R2E giúp các SME phát triển chiến lược xuất khẩu, cải thiện chất lượng sản phẩm và nâng cao tính cạnh tranh của họ trên thị trường toàn cầu.
Trao đổi với Thanh Niên, Giám đốc điều hành DBAV Guido van Rooy cho biết tất cả các công ty là thành viên của DBAV đều thấy rằng việc các doanh nghiệp Việt Nam tự vươn lên để trở thành đối tác xuất khẩu phù hợp với phương Tây là điều rất quan trọng. Đây là điều đã thúc đẩy họ tổ chức R2E.
"Những công ty tham gia vào chương trình phải nộp kế hoạch kinh doanh. Sau đó, kế hoạch này sẽ được các chuyên gia đánh giá. Những kế hoạch thắng giải phải đạt được các tiêu chí: giúp cải thiện vị thế xuất khẩu của công ty, có tính bền vững, không gây hại cho môi trường và có cơ hội thành công cao", ông van Rooy cho biết thêm.
Trong đêm tiệc, công ty Real Bean Coffee, thương hiệu cà phê Tây Nguyên, đã được trao giải thưởng cao nhất và nhận số tiền đầu tư 250 triệu đồng.
Tổng lãnh sự Hà Lan tại TP.HCM Daniel Stork cũng đánh giá cao R2E. "Tôi nghĩ chương trình R2E rất quan trọng vì nó giúp các SME Việt Nam chuẩn bị cho việc tiếp cận thị trường châu Âu. Vì Hà Lan là điểm đến số một ở châu Âu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, tôi nghĩ chúng tôi có vị trí rất đặc biệt để giúp các SME Việt Nam hiểu rõ hơn về những gì sắp xảy ra", ông Stork chia sẻ với Thanh Niên.
Ông Stork cho biết các vấn đề như biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tồn tại trong thế kỷ tới. Vì vậy, tính bền vững, các quy định như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), thỏa thuận xanh châu Âu sẽ ngày càng quan trọng hơn trong việc tiếp cận thị trường này. Đây là điều các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý.
Trả lời Thanh Niên, Tổng lãnh sự Stork cũng khuyến khích các doanh nghiệp Hà Lan tìm hiểu về việc đầu tư vào Việt Nam. "Tôi nghĩ Việt Nam là một điểm đến cực kỳ hấp dẫn. Chúng tôi bị thu hút bởi năng lượng, tinh thần làm việc chăm chỉ của người dân Việt Nam. Việt Nam là một nơi phù hợp để ghé qua và làm kinh doanh, đặc biệt là khi các doanh nghiệp đang tìm kiếm lao động có tay nghề cao và một nơi có vị trí chiến lược trên thế giới", ông Stork cho biết.
Theo Thanh niên