|
|
Các thành viên của cộng đồng LGBTQ+ chờ đợi Thượng viện Thái Lan thông qua Dự luật bình đẳng hôn nhân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 18/6/2024 - Ảnh: Reuters/Chalinee Thirasupa |
Thượng viện Thái Lan đã đưa ra sự chấp thuận cuối cùng - với 130 phiếu thuận, 4 phiếu chống và 18 phiếu trắng – trước những thay đổi trong luật hôn nhân, qua đó cho phép các cặp đôi đồng giới kết hôn.
Luật mới đã được trình lên Quốc vương Maha Vajiralongkorn để xin sự đồng ý của hoàng gia và sẽ có hiệu lực vào 120 ngày sau khi được công bố chính thức trên Công báo Hoàng gia.
Luật mới thay đổi các từ liên quan đến “đàn ông”, “phụ nữ”, “chồng” và “vợ” trong luật hôn nhân thành các thuật ngữ trung lập về giới tính.
Nó cũng mang lại cho các cặp đôi đồng giới những quyền giống như những người dị tính khi nói đến việc nhận con nuôi và thừa kế.
Thái Lan sẽ trở thành nơi thứ ba ở châu Á cho phép các cặp đôi đồng giới kết hôn, sau Đài Loan (Trung Quốc) và Nepal. Các nhà hoạt động hy vọng đám cưới đồng giới đầu tiên có thể được tổ chức sớm nhất là vào tháng 10.
Tunyawaj Kamolwongwat, một nghị sĩ thuộc đảng Tiến lên, nói với các phóng viên trước cuộc bỏ phiếu: “Hôm nay là ngày mà người dân Thái Lan sẽ mỉm cười. Đó là một chiến thắng cho người dân”.
Thái Lan vốn nổi tiếng với nền văn hóa LGBTQ+ (cộng đồng người có xu hướng tính dục khác với dị tính) sôi động, khiến nơi đây trở thành điểm đến được nhiều khách du lịch yêu thích.
Ủy ban Xã hội dân sự về bình đẳng hôn nhân, các nhà hoạt động và các cặp đôi LGBTQ+ cho biết: “Động thái này sẽ nhấn mạnh vai trò dẫn đầu của Thái Lan trong khu vực về việc thúc đẩy nhân quyền và bình đẳng giới”.
Dự luật là đỉnh cao nỗ lực hơn một thập kỷ của các nhà hoạt động và chính trị gia, sau khi nhiều dự thảo trước đó không thể đến được quốc hội.
Vào đầu tháng 6, hàng nghìn người dân và nhà hoạt động LGBTQ+ đã tổ chức một cuộc diễu hành trên đường phố Bangkok, với sự hiện diện của Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin trong chiếc áo cầu vồng lục sắc để kỷ niệm Tháng Tự hào.
Thủ tướng từng lên tiếng ủng hộ cộng đồng LGBTQ+ và dự luật mới. Ông cũng sẽ mở cửa nơi ở chính thức của mình cho các nhà hoạt động và những người ủng hộ tổ chức lễ ăn mừng cho chiến thắng này.
Các nhà hoạt động đang lên kế hoạch cho một cuộc diễu hành vào buổi tối với màn biểu diễn chính ở trung tâm Bangkok, nơi các trung tâm mua sắm khổng lồ đã treo cờ lục sắc để thể hiện sự ủng hộ kể từ khi bắt đầu Tháng Tự hào vào ngày 1/6.
Thái Lan từ lâu đã nổi tiếng về sự chấp nhận đối với cộng đồng LGBTQ+ và những cuộc thăm dò dư luận được công bố trên các phương tiện truyền thông địa phương cho thấy sự ủng hộ áp đảo của công chúng đối với hôn nhân bình đẳng.
Hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới kể từ khi Hà Lan trở thành quốc gia đầu tiên tổ chức hôn nhân đồng giới vào năm 2001.
Nhưng ở châu Á, chỉ có Đài Loan và Nepal công nhận quyền bình đẳng trong hôn nhân cho các cặp đôi đồng giới. Ấn Độ đã đến gần với quyết định tương tự vào tháng 10/2023, nhưng Tòa án Tối cao đã chuyển quyết định này trở lại quốc hội để xem xét thêm.
Ngay cả ở Thái Lan, những người LGBTQ+ dù được chú ý nhiều nhưng vẫn phải đối mặt với những rào cản và sự phân biệt đối xử trong cuộc sống hàng ngày.
Đồng thời, một số nhà hoạt động đã chỉ trích luật mới vì không công nhận người chuyển giới và người mang bản sắc giới nằm ngoài quan niệm nam – nữ. Họ vẫn không được phép thay đổi giới tính của mình trên giấy tờ tùy thân chính thức.
Theo phụ nữ TPHCM