Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul mới khuyến cáo du khách quốc tế không nên du lịch đến nước này chỉ để hút cần sa. “Chúng tôi không chào đón những du khách đến với mục đích như vậy”, ông nói với phóng viên khi được hỏi về việc sử dụng cần sa giải trí của du khách đến Thái Lan.

Quan điểm của ông Anutin được đưa ra ngay thời điểm du khách quốc tế bắt đầu đổ xô vào nước này và việc du khách sử dụng cần sa cho mục đích giải trí tăng mạnh. Nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á dự kiến đón 8 - 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, cao hơn mức dự báo trước đó là 7 triệu, nhưng vẫn còn rất thấp so với kết quả 40 triệu năm 2019.

Riêng du khách đến từ Việt Nam, sau đại dịch, các chuyến bay từ đây đi Thái đã được nối lại và lượng khách Việt du lịch Thái tăng trưởng không ngừng. Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan tại TP.HCM, trong số 40 triệu khách quốc tế mà Thái Lan đón được có 1,1 triệu lượt khách Việt năm 2019. Việt Nam luôn nằm trong nhóm những nước gửi khách đến Thái đông nhất. Còn 6 tháng đầu năm nay, có hơn 43.000 khách Việt du lịch Thái Lan; hiện có 5 hãng bay đưa khách đi Thái từ Việt Nam.

Thái Lan tuyên bố không chào đón khách 'du lịch cần sa' - ảnh 1

Một nhân viên đang chuẩn bị cần sa cho khách ở một quán trên đường Khao San, Bangkok

ATHIT PERAWONGMETHA/REUTERS

Tháng 6 năm nay, Thái Lan hợp thức hóa cần sa cho mục đích y tế và sức khỏe; đồng thời bãi bỏ lệnh cấm trồng cần sa, cho phép người dân trồng và tự do buôn bán (với điều kiện có giấy phép). Tuy nhiên, những người sử dụng cần sa ở nơi công cộng có nguy cơ phải đối mặt với án tù ba tháng hoặc tiền phạt lên tới 25.000 bath (khoảng 17 triệu đồng).

Luật cấm sử dụng cần sa cho mục đích giải trí nhưng khó phân biệt đâu là mục đích cho sức khỏe và đâu là cho giải trí. Vì thế, Thái Lan đã thành lập một trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng về sử dụng cần sa đúng mục đích. Bộ trưởng Y tế nước này nói rằng, không loại trừ mục đích dùng cần sa cho giải trí khi dân chúng đã hiểu biết hơn về nó.

Chính sách cần sa của Thái cũng thu hút sự quan tâm từ các nước láng giềng trong khu vực như Malaysia, quốc gia đang nghiên cứu sử dụng cần sa cho mục đích y tế.

Kể từ khi Thái Lan hợp pháp hóa cần sa, các quán cà phê cần sa đã được mở cửa ở Bangkok. Một quán cà phê cần sa ở Khao San, khu vực tựa như phố Tây Bùi Viện, đã chật kín du khách nước ngoài. Nhiều quán như vậy cũng xuất hiện khắp Bangkok. Các chủ quán cà phê cần sa nói họ là trung tâm của nỗ lực hồi sinh ngành du lịch Thái Lan sau đại dịch, vốn đóng góp 12% GDP cho kinh tế đất nước. Họ cũng cho biết, hàng trăm người đã đến quán cà phê mỗi ngày và nhiều chủ dự định mở thêm quán mới. “Khách châu Âu, Nhật, Mỹ... đang tìm kiếm cần sa savita Thái. Cần sa và du lịch là cặp bài trùng”, một chủ quán nói với Reuters.

Theo Thanh niên