Người dân đang quay lại các bãi biển, công viên và đường phố khi một đợt nắng nóng bao trùm phía nam châu Âu và nhiệt độ ấm áp như mùa xuân cho phép người Mỹ cởi bỏ những chiếc áo ấm. Khi ra ngoài, hầu hết họ vẫn giữ khoảng cách và một số người đeo khẩu trang. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình cũng đang đốt nóng từ Đức đến Anh, Mỹ, phản đối các biện pháp hạn chế của chính phủ là vi phạm tự do cá nhân và phá hủy nền kinh tế.

Người Hy Lạp đổ ra biển hôm 16/5 khi 500 bãi biển mở cửa lại giữa thời tiết 34 độ C. Những chiếc ô che nắng được đặt cách nhau 4 mét, với vành ô phải rộng trên một mét. Hy Lạp đang nỗ lực vừa bảo vệ người dân trước Covid-19 vừa hồi sinh ngành du lịch, vốn là kế sinh nhai của nhiều người.

"Đây là điều tuyệt vời nhất với người già chúng tôi, đến đây và thư giãn một chút sau khi bị phong tỏa", ông Yannis Tentomas, hơn 70 tuổi, nói khi ngồi trên bãi cát.


                                                                                                                        Người dân tắm biển ở Athens, Hy Lạp, hôm 16/5. Ảnh: Reuters

Những vòng tròn trắng được đánh dấu trên bãi cỏ ở công viên Domino, quận Brooklyn, thành phố New York, để giúp những người đi tắm nắng và picnic giữ khoảng cách an toàn. Khoảng một nửa trong số họ che mặt khi tụ tập thành từng nhóm nhỏ vào buổi chiều thứ bảy ấm áp, dưới sự giám sát của cảnh sát. 

Ở khu rừng Bois de Boulogne, Paris, Anne Chardon, một huấn luyện viên thể hình, mang theo gel khử trùng và khẩu trang nhưng cho hay cô cảm thấy tự do đã trở lại lần đầu tiên sau nhiều tuần ở trong nhà.

"Chúng tôi cứ như đang ở trong lâu đài của Công chúa ngủ trong rừng, tất cả đều ngủ, tất cả đều đóng băng và bỗng nhiên có một thứ ánh sáng và khoảng không, chúng tôi bất ngờ được trải nghiệm lại những niềm vui nhỏ bé hàng ngày, trong những không gian thuộc về chúng tôi và chúng tôi đang tái khám phá".

Tại vùng French Riviera, nhiều người ngâm mình dưới biển nhưng vẫn đeo khẩu trang. Các hoạt động câu cá và lướt sóng được phép diễn ra nhưng tắm nắng thì bị cấm.

"Chúng tôi chỉ được tự do một phần", một người địa phương nói khi đi dạo dọc bãi biển khá vắng vẻ ở thành phố Nice.


                                                                               Người dân tắm nắng thành từng nhóm trong vòng tròn kẻ sẵn ở công viên Domino, Brooklyn, New York, hôm 16/5. Ảnh: Reuters

Những người đi tắm biển tránh nóng ở Tel Aviv, Israel, ở Biển Địa Trung Hải và Thung lũng Jordan hầu như đều cố gắng cách xa nhau. 

"Chúng tôi hy vọng nước nóng, thời tiết nóng, sẽ khiến corona biến mất", Lilach Vardi, một phụ nữ bơi ở Biển Chết, Israel, nói, trong khi một cứu hộ đang chiên trứng trên chiếc chảo ở bãi cát nóng bỏng gần đó.

Tại Tunisia, nơi 4 ngày liên tiếp của tuần trước không ghi nhận ca nhiễm nCoV nào, mọi người đổ ra đường và các cửa hàng mới mở lại với rất ít biện pháp giãn cách. Người Hồi giáo đang gần kết thúc tháng Ramadan và ăn mừng bằng việc mua sắm.

"Tôi đã ở nhà hai tháng và gần như phát điên", một phụ nữ tại trung tâm thương mại Manar City, thành phố Tunis, cho hay. "Tôi rất ngạc nhiên trước đám đông nhưng tôi cần mua quần áo cho các con dịp lễ Eid".

Tuy nhiên, khắp thế giới, người biểu tình vẫn phản đối mọi hạn chế. Tại các bang Michigan, Wisconsin và Pennsylvania, họ mang theo súng yêu cầu tái mở cửa nhanh hơn.

Hàng nghìn người Đức đã đổ ra đường phố khắp cả nước hôm 16/5 để phản đối những biện pháp của chính phủ. Cảnh sát Ba Lan cũng phải bắn hơi cay để giải tán đám đông ở Warsaw.

Ở công viên Hyde Park, London, cảnh sát bắt 19 người vì cố tình vi phạm quy định giãn cách vào cuối tuần đầu tiên sau khi Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố nới lỏng phong tỏa.

Ở những nơi khác tại London, cảnh tượng yên bình hơn khi trẻ em trèo cây, đá bóng, các nhóm tắm nắng, uống bia, hầu hết tuân thủ giãn cách xã hội.

"Chúng tôi thực sự vui mừng khi được ra ngoài", Niko Privado, người mang theo ba con vẹt đuôi dài, nói. "Đây là lần thứ hai chúng tôi đưa chúng ra ngoài kể từ khi phong tỏa".

Tuy nhiên, gần đó, một phụ nữ bán kem cho hay doanh thu chưa hồi phục.  "Tình hình rất tệ, chỉ có 3-4 người mua mỗi giờ", Zara Safat nói. "Vì giãn cách xã hội nên họ không muốn xếp hàng chờ".

Theo vnexpress