Báo cáo Xu hướng Toàn cầu vừa được xuất bản bởi Hội đồng Tình báo Quốc gia của chính phủ Mỹ - ấn bản thứ 7 của tài liệu được phát hành 4 năm một lần.

Nó cho thấy đại dịch COVID-19 đã làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng kinh tế, đẩy nguồn lực chính phủ đến giới hạn và tô đậm chủ nghĩa dân tộc.

Các dự đoán, được đưa ra cho đến năm 2040, nói rằng trong 20 năm tới, tốc độ tăng trưởng dân số toàn cầu sẽ chậm lại, dẫn đến một thế giới già hơn; biến đổi khí hậu sẽ ngày càng trầm trọng hơn; quan hệ quốc tế sẽ trở nên “hỗn loạn và biến động”; và nạn đói sẽ hoành hành.

Phiên bản cuối cùng của tài liệu, được xuất bản vào năm 2017, đã giả định rằng sẽ có một đại dịch toàn cầu vào đầu những năm 2020, dẫn đến việc hạn chế di chuyển để ngăn chặn sự lây lan của nó.

Dự đoán tiên tri này dường như đã trở thành hiện thực dưới dạng COVID-19, căn bệnh cướp đi sinh mạng của khoảng 3 triệu người trên toàn thế giới.


                                                                                    Người dân thành phố Pune, Ấn Độ xếp hàng chờ ma thuốc Redemsevir, được cho là có thể điều trị COVID-19


Tài liệu tập trung nhiều vào tác động của đại dịch, gọi đây là “sự kiện toàn cầu nguy hiểm nhất kể từ Thế chiến II, với các tác động về sức khỏe, kinh tế, chính trị và an ninh sẽ còn tồn tại trong nhiều năm tới.

Báo cáo cho biết: “COVID-19 đã làm lung lay những giả định lâu nay về khả năng phục hồi và thích ứng, đồng thời tạo ra những bất ổn mới về nền kinh tế, quản trị, địa chính trị và công nghệ”.

Tài liệu cũng chỉ ra nguyên nhân cho mối quan tâm trong hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống. Ví dụ, những tác động của biến đổi khí hậu có khả năng làm trầm trọng thêm vấn đề mất an ninh lương thực và nước sạch ở các quốc gia nghèo, đẩy nhanh quá trình di cư toàn cầu.

Báo cáo nhận định, mặc dù ngành y tế và giáo dục đã được cải thiện trong những thập niên gần đây, thế giới khó có thể duy trì được tiến bộ như vậy vì “sóng gió” từ đại dịch, dân số già và “tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm hơn”.

Mặt khác, những tiến bộ trong công nghệ có khả năng giải quyết các vấn đề bao gồm biến đổi khí hậu và dịch bệnh, nhưng cũng có thể gây ra những căng thẳng mới.

Các tác giả viết: “Các chính phủ và những đối thủ cạnh tranh sẽ tranh giành vị trí dẫn đầu và thống trị trong khoa học, công nghệ. Từ đó tạo ra những rủi ro tiềm ẩn và hệ lụy đối với an ninh kinh tế, quân sự và xã hội”.

Báo cáo cũng cảnh báo về sự xói mòn lòng tin vào chính phủ và các tổ chức, cũng như “khoảng cách tiếp nhận thông tin” giữa công chúng nói chung và những bộ phận dân số có trình độ cao hơn trong xã hội.

Theo phunuonline.com.vn