Jack Ma, 56 tuổi, người sáng lập tập đoàn Alibaba, đã tuyên bố nghỉ hưu vào tháng 9. Sự thay đổi này đánh dấu kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp Internet Trung Quốc, trong đó, các công ty công nghệ được dẫn dắt bởi "thế hệ CEO thứ hai" - những người có độ tuổi trên dưới 40.
Wang Xing, 41 tuổi, hiện là CEO của Meituan - nền tảng giao đồ ăn trực tuyến nổi tiếng tại Trung Quốc. Tương tự những người khởi nghiệp khác tại "đất nước tỷ dân", đối với Xing, Jack Ma là khuôn mẫu.
Meituan thành lập năm 2010, cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, từ giao đồ ăn, dịch vụ đặt phòng du lịch trực tuyến đến truyền thông. Năm 2018, công ty IPO tại Hong Kong và huy động được hơn 4 tỷ USD.
Alibaba đã "để ý" đến tiềm năng của Meituan ngay từ khi công ty ra đời và mua lại một số cổ phần vào 2011. Xing thần tượng và xem Jack Ma như một "cố vấn kinh doanh". Cả hai thiết lập mối quan hệ tốt đẹp sau đó.
Nhưng mối quan hệ này không còn như trước cách đây khoảng 5 năm. Khi đó, Alibaba cố gắng tăng sự ảnh hưởng của mình lên một Meituan đang phát triển như vũ bão. Xing không đồng ý với cách làm của Alibaba: lôi kéo các công ty mà họ đầu tư, sau đó tìm cách kiểm soát. Do đó, cả hai chấm dứt hợp tác vào 2015. Mục tiêu của Xing sau đó là vượt qua Alibaba.
Cùng năm 2015, Meituan được Tencent đầu tư. Khác với Alibaba, "gã khổng lồ" Internet Trung Quốc được biết đến với chiến lược quản lý theo cách tôn trọng quyền tự chủ, không can thiệp quá sâu vào các công ty mà họ rót vốn.
Xing cũng nhanh chóng thay đổi quan điểm. Ông không còn thần tượng Jack Ma. Hồi tháng 7, chính ông là người công khai chỉ trích "ông trùm" này vì trang mua sắm Taobao (thuộc Alibaba) không hỗ trợ các dịch vụ thanh toán từ đối thủ. Giờ đây, Meituan cũng bắt đầu sử dụng khẩu hiệu "Đánh bại Alibaba!" để thể hiện nỗ lực của mình.
Xing được xem là ví dụ điển hình về "thế hệ CEO thứ hai" trong nền công nghiệp Internet của Trung Quốc. Đó là những người trẻ tuổi, quyết đoán, có thể bắt tay hợp tác nhưng sẵn sàng dứt bỏ mọi thứ nếu lợi ích công ty của mình bị tổn hại. "Thế hệ doanh nhân Internet thứ hai" tại Trung Quốc có thời gian học tập và làm việc ở nước ngoài trước khi về quê hương để khởi nghiệp. Như trong trường hợp của Xing, ông đã nhiều năm nghiên cứu các dịch vụ và phương pháp quản lý Internet tiên tiến tại Mỹ.
Meituan không phải là công ty duy nhất được lãnh đạo bởi CEO tuổi tầm 40 và đang phát triển mạnh mẽ. Pinduoduo, một công ty thương mại điện tử khác, hiện do Colin Huang, 40 tuổi, làm CEO.
Thành lập năm 2015, Pinduoduo hiện có 680 triệu người dùng, gần bằng 740 triệu của Alibaba. Công ty tập trung vào dịch vụ "mua hàng theo nhóm", trả chiết khấu nếu khách hàng mua hàng từ bạn bè hoặc thành viên gia đình.
Zhang Yiming, người sáng lập và CEO của ByteDance, năm nay 37 tuổi. Ông hiện điều hành nền tảng video ngắn TikTok và phiên bản riêng tại Trung Quốc tên Douyin. Ứng dụng hiện có hơn 600 triệu người dùng, vượt qua Tencent và Baidu về doanh thu quảng cáo vào năm 2019. Giá trị công ty của công ty hiện hơn 100 tỷ USD.
Thế hệ các công ty Internet đầu tiên của Trung Quốc được gọi là BAT - viết tắt của ba hãng lớn là Baidu, Alibaba và Tencent. Đây là những doanh nghiệp tiên phong và dẫn dắt ngành công nghiệp Internet của đất nước thời gian dài. Giờ đây, những công ty này quay lại hỗ trợ các doanh nghiệp mới nổi. Chính sách gần đây của Trung Quốc cũng khuyến khích các công ty lớn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. Không ít startup cách đây 4 - 5 năm đã nhận được khoản tiền đầu tư lớn và đạt kết quả như hiện nay mà không nhiều ràng buộc.
Theo thống kê của CB Insights, trong số 490 "kỳ lân" công nghệ - những công ty được định giá ít nhất 1 tỷ USD - trên toàn cầu năm 2020, Trung Quốc là nước có số lượng các công ty đông thứ hai, với 119 doanh nghiệp, sau Mỹ.
Tuy vậy, thương chiến Mỹ - Trung đang phủ "đám mây đen" cho các công ty Internet Trung Quốc. Một số chuyên gia đánh giá, thách thức mà các doanh nhân Internet thế hệ mới của Trung Quốc phải đối mặt hiện nay khi vươn ra "biển lớn", là làm cách nào thúc đẩy việc toàn cầu hóa thành công mà không bị tác động bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Theo vnexpress