Ở hầu hết mọi khía cạnh có thể đo đếm được, tình hình tài chính của thế hệ Millennials Mỹ tệ hơn so với các thế hệ đi trước họ, theo Bloomberg.
Chẳng hạn, số người mua được nhà giảm, khác hẳn với thời bố mẹ họ bằng tuổi họ. Nhóm này cũng gánh nhiều khoản nợ, đặc biệt là nợ sinh viên. Lý do đơn giản bởi họ không giàu có.
Hiện, nếu những dự đoán về một thời kỳ bùng nổ kinh tế hậu Covid-19 thành sự thật, đây có thể là cơ hội duy nhất để cả thế hệ Millennials Mỹ làm giàu trước khi nghỉ hưu.
Mặc dù kiếm được nhiều hơn, thế hệ Millennials Mỹ lại khó làm giàu. Ảnh: iStock.
Trưởng thành trong thời kỳ suy thoái
Luật sư bất động sản Kellie Beach mới bước sang tuổi 40 hồi tháng 4. Điều đó có nghĩa cô phải bắt đầu mạnh tay thanh toán các khoản nợ thẻ tín dụng. Cô quay vòng giữa việc cân bằng số dư và giải quyết số nợ.
“Từ trước tới giờ, tôi tồn tại bằng thẻ tín dụng. Tôi đã quen với việc quẹt thẻ và bội chi”, cô nói với Bloomberg. Thế nhưng, đại dịch khiến cô phải xem xét lại thói quen chi tiêu của mình.
“Giờ đây, tôi lại có cảm giác khác. Tôi nóng lòng muốn thoát khỏi món nợ này, đồng thời tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp và đầu tư trở lại”, cô chia sẻ.
Vào tháng 4, Dustin Roberts (40 tuổi) sở hữu căn nhà đầu tiên. Ấy vậy, anh vẫn “chậm chân” hơn phụ huynh mình thời trước: bố anh mới chỉ 30 tuổi, còn mẹ anh ở độ tuổi 20 khi họ có ngôi nhà của riêng mình.
Thực tế, Roberts không có cách nào tiết kiệm nhanh hơn nữa bởi phần lớn thu nhập của anh dùng để thanh toán khoản vay sinh viên. Anh vẫn còn nợ 38.000 USD tại ĐH Bang San Diego.
“Bố tôi luôn nói về tầm quan trọng của việc mua nhà, rằng đó là phương thức đảm bảo tài chính cho ông ấy. Rõ ràng mức lương của tôi cao hơn ông ấy, nhưng liệu tôi có giàu hơn không? Tôi không chắc rằng mình có thể trả lời ‘có’”, Roberts, nhân viên kinh doanh bán hàng ở Savannah (bang Georgia), cho biết.
Khoản nợ thẻ tín dụng là một trong những lý do "níu chân" thế hệ Millennials Mỹ. Ảnh: Getty Images.
Lứa lớn tuổi nhất thuộc thế hệ Millennials Mỹ, những người sinh năm 1981, đã bước sang tuổi 41 vào năm nay. Họ trưởng thành trong một thời kỳ thịnh vượng kéo dài vào những năm 1990 ở xứ cờ hoa.
Thế nhưng, kể từ khi bước vào tuổi trưởng thành, họ phải trải qua vài cuộc suy thoái lớn ở các giai đoạn quan trọng trên con đường phát triển tài chính.
Năm 27 tuổi, thời điểm mà nhóm này đáng lẽ thăng tiến ở chỗ làm, họ chứng kiến cuộc Đại suy thoái diễn ra và Lehman Bros. phá sản.
William Gale, thành viên cao cấp trong Chương trình Nghiên cứu Kinh tế tại Viện Brookings, cho biết: “Cuộc Đại suy thoái đã đánh gục mọi người. Nó gây ra nạn thất nghiệp, khiến tiền lương tăng chậm. Nó khiến việc tích lũy của cải trở nên khó khăn hơn”.
Sau đó, khi thế hệ Millennials đạt tới thời điểm mà thông thường mọi người được cất nhắc lên vị trí cao hơn, tiền lương hấp dẫn hơn thì đại dịch Covid-19 ập đến.
Năm 2020, nền kinh tế Mỹ giảm 3,5%. Trong khi đó, hồi thế hệ Baby Boomer (sinh năm 1946-1964) sang tuổi 40, nền kinh tế Mỹ đã phát triển và mở rộng với tốc độ 3,5%.
Nợ nần tiền học
Sự khác biệt về độ giàu có giữa các thế hệ có thể bị ảnh hưởng một phần bởi khoản nợ sinh viên. Nhiều người thuộc thế hệ Millennials đã vay nợ để trả tiền học đại học hơn thời trước, đồng thời khoản vay cũng lớn hơn, theo Bloomberg.
Những người bắt đầu vào đại học từ năm 1999 phải trả trung bình 15.604 USD/năm cho tiền học, một số khoản phí và tiền ăn ở. Số tiền này nhiều hơn 5.300 USD so với Gen X (sinh năm 1965-1980) và thế hệ Baby Boomer.
Đáng chú ý, khoản nợ này “đeo bám” cuộc đời người Mỹ trong nhiều năm.
Những khoản nợ thời sinh viên đeo bám người trẻ Mỹ trong thời gian dài. Ảnh: Adobe.
Summer Galvez, người vừa tròn 40 tuổi vào tháng 6, từng theo học vài học kỳ tại ĐH Clark Atlanta (bang Georgia). Nhưng cô sớm rút lui vì không đủ khả năng chi trả. Trong cuộc khủng hoảng tài chính, cô đã bị cho nghỉ việc tới 2 lần.
Galvez hiện điều hành 2 doanh nghiệp thành công ở thành phố Dallas, bao gồm một công ty tiếp thị và một tiệm bánh. Tuy nhiên, cô vẫn đang trả các khoản vay sinh viên sau 20 năm rời trường, dù cô không nhận được tấm bằng cử nhân nào.
Nói với Bloomberg, Galvez cho biết cô dựa vào kỹ năng của bản thân và lao động chăm chỉ bởi các công ty lớn không cung cấp sự đảm bảo về việc làm.
“Sẽ luôn có những yếu tố kinh tế có thể xảy ra và khiến cuộc sống của bạn bị ảnh hưởng”, cô nói.
Ngày nay, việc học đại học quan trọng hơn cả đối với thế hệ Millennials. Những người có bằng cử nhân trở lên kiếm được nhiều hơn 113% so với những ai chỉ tốt nghiệp trung học.
Trong khi đó, nhóm Baby Boomers học đại học cũng chỉ kiếm nhiều hơn 57% so với các bạn đồng trang lứa có trình độ trung học.
“Đó là một trong những bước phát triển rõ rệt nhất của thị trường việc làm - nơi giáo dục trở thành yếu tố lớn hơn để thành công”, Lowell Ricketts, nhà khoa học dữ liệu của Viện Công bằng Kinh tế tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis, cho biết.
Khó có thể mua nhà
Một số nhà kinh tế dự đoán thế hệ Millennials sẽ tránh mua nhà sau cuộc sụp đổ thị trường bất động sản năm 2008. Cho tới nay, họ vẫn chưa đến mức đó nhưng tỷ lệ sở hữu nhà của nhóm Millennials thấp hơn so với các thế hệ trước ở cùng thời điểm trong cuộc đời.
“Cách thức cơ bản mà các hộ gia đình trung lưu Mỹ xây dựng sự giàu có là thông qua ngôi nhà của họ. Trong khi đó, thế hệ Millennials ít có khả năng sở hữu nhà riêng hơn”, Richard Fry, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Pew, nói.
Hóa đơn chồng chất, liên tục đối mặt với khủng hoảng khiến thế hệ Milliennials Mỹ khó mua được nhà. Ảnh: Adobe.
Vào năm 2020, 18% người thuê nhà thuộc thế hệ Millennials cho biết họ có kế hoạch sẽ thuê nhà mãi mãi. Tỷ lệ này tăng trong 3 năm liên tiếp, theo một báo cáo từ Apartment List. Mặt khác, trong số những người có kế hoạch mua nhà, 63% không có tiền tiết kiệm để đặt cọc, trả trước.
Tỷ lệ những người thuộc thế hệ Millennials vẫn chung sống với bố mẹ cũng cao hơn đáng kể so với thời trước.
“Về lý thuyết, điều đó có thể giúp ích cho họ trong việc tích lũy tài sản. Thế nhưng, xét về mặt thực tế, những gì đang xảy ra cho thấy dấu hiệu về tình trạng kinh tế thiếu thốn”, ông Gale đến từ Viện Brookings nhận xét.
Mặt khác, tính theo tỷ giá thời nay, thế hệ Baby Boomer có khối tài sản ròng trung bình khoảng 113.000 USD vào năm 1989, tức họ ngoài 40 tuổi. Trong khi đó, tài sản ròng của thế hệ Millennials ở tuổi 40 chỉ tầm 91.000 USD.
Do tuổi thọ của dân số Mỹ đang tăng lên, về sau thế hệ Millennials có thể sẽ nhận được tài sản thừa kế từ gia đình. Điều này giải thích tại sao những người bước sang tuổi 40 ngày nay có giá trị ròng thấp hơn so với thế hệ trước.
Tuy nhiên, đến lúc đó “có thể đã quá muộn để họ tận dụng chúng và đáp ứng một số mục tiêu trong đời mà chỉ có của cải, vật chất đáp ứng được, chẳng hạn mua nhà, đầu tư chứng khoán hay trả nợ”, ông Ricketts cho biết.
Theo Zing