Tại ký túc xá của một trường đại học hàng đầu Thượng Hải, Li và Wang sống cùng nhau. Sau khi tốt nghiệp, cả hai đều làm việc ở cùng một công ty công nghệ với mức lương khởi điểm hàng tháng là 10.000 NDT (1.553 USD).

Hai người trẻ tưởng như có xuất phát điểm giống nhau nhưng thực tế không phải vậy. Li đến từ một thị trấn nhỏ phía bắc tỉnh Giang Tô còn Wang là người gốc Thượng Hải.

Anh phải mất một phần ba tiền lương để thuê nhà và sẽ phải làm việc cực kỳ chăm chỉ nếu muốn tiết kiệm đủ tiền mua một căn hộ ở thành phố, nơi mỗi m2 đất có giá trung bình khoảng 65.000 NDT (10.000 USD).

Trong khi đó, Wang sẽ thừa kế ít nhất hai căn hộ từ cha mẹ mình, trị giá 20 triệu NDT (3,1 triệu USD).

                                            Giới trẻ Trung Quốc không muốn tiếp tục cố gắng để đạt được những kỳ vọng trong cuộc sống, công việc. Ảnh: The Guardian.


Li cảm thấy mình sẽ không bao giờ bắt kịp Wang cả trong công việc, cuộc sống lẫn hôn nhân. Nên thay vì cố gắng khởi nghiệp, tìm đến thành phố khác để phát triển, anh vẫn ở lại Thượng Hải và chọn cách buông xuôi, mặc kệ tất cả.

Không chỉ Li, ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc đang chọn cách buông bỏ, không làm gì khi đối mặt với những áp lực trong cuộc sống. Lối sống này phổ biến đến mức đã được Gen Z, những người sinh sau năm 1996, tại quốc gia tỷ dân đúc kết thành "triết lý nằm thẳng".

Nằm yên mặc kệ sự đời


Theo Sixth Tone, "triết lý nằm thẳng" xuất phát từ một bài đăng hiện đã bị xóa trên diễn đàn Tieba. Chủ nhân bài đăng này đề cập đến thuật ngữ "tang ping" - hành động quyết tâm bỏ qua mọi nỗ lực để hoàn thành một công việc, mục tiêu nào đó.

Người này mô tả mình đã thất nghiệp hai năm nhưng không bận tâm về điều này. Thay vì cố gắng theo đuổi những kỳ vọng của xã hội, anh ta chọn cách "nằm yên".

"Vì chưa bao giờ có một xu hướng đề cao tính chủ quan của con người ở đất nước chúng tôi, nên tôi sẽ tạo ra một xu hướng cho riêng mình: Nằm yên mặc kệ sự đời. Chỉ khi nằm xuống, con người mới có thể trở thành thước đo của vạn vật", người này viết.

                                                            Thuật ngữ "tang ping" của "triết lý nằm thẳng" phổ biến trên mạng xã hội Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone.


Bài đăng nhanh chóng được đón nhận và "tang ping" trở thành một từ thông dụng trong giới trẻ. Trên nền tảng Douban, một nhóm có tên "Lying Down Group" thu hút gần 6.000 thành viên.

Một trong những bài đăng phổ biến nhất của nhóm có tiêu đề "Hướng dẫn cách nằm xuống", liệt kê các bước để chấp nhận lối sống buông xuôi bao gồm: chấp nhận những khuyết điểm của bản thân thay vì cố gắng thay đổi, không đánh đồng tiền bạc với hạnh phúc và từ chối nỗ lực vô ích.

Wendy, thành viên của nhóm, nói với Sixth Tone rằng "triết lý nằm thẳng" của cô có thể giải thích nôm na là "ưu tiên sự bình yên cho cơ thể và tâm hồn".

"Theo tiêu chuẩn chung của xã hội, một lối sống đàng hoàng phải bao gồm làm việc chăm chỉ, cố gắng đạt được kết quả tốt trong các bài đánh giá công việc, phấn đấu mua nhà, xe hơi rồi kết hôn, sinh con. Tuy nhiên, tôi không lao đầu vào công việc như vậy, từ chối làm thêm giờ, không cần thăng chức và cũng không hào hứng với drama ở công ty", cô nói.

Wendy cho biết bản thân chỉ mong muốn được "nằm nghỉ hoàn toàn", từ bỏ công việc và sống bằng tiền tiết kiệm.

Cuộc biểu tình im lặng


Mặc dù được giới trẻ tán đồng, "triết lý nằm thẳng" đang bị truyền thông Trung Quốc chỉ trích dữ dội.

Bài bình luận của tờ Nanfang Daily có trụ sở tại Quảng Châu xuất bản hôm 20/5 viết: "Dù thế nào đi nữa, những người trẻ tuổi phải có niềm tin vào tương lai. Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới, với nguồn lao động dồi dào và lợi thế thị trường khổng lồ… Cuộc sống chỉ có thể hạnh phúc nếu chúng ta chăm chỉ".

Tờ Guangming Daily cũng bày tỏ quan điểm: "Cộng đồng 'nằm thẳng' rõ ràng là không tốt cho sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước".

                                                                           Thái độ thờ ơ, buông bỏ của giới trẻ khiến chính phủ Trung Quốc lo ngại. Ảnh: EPA.


Trong khi đó, trang Caixin Global gọi "triết lý nằm thẳng" của giới trẻ Trung Quốc là "cuộc biểu tình im lặng".

Huang Ping, giáo sư văn học tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, người có nhiều nghiên cứu về văn hóa thanh niên, nói với Sixth Tone rằng các phương tiện truyền thông nhà nước có thể lo ngại lối sống tang ping đe dọa năng suất lao động, sự phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Huang thay vì đổ lỗi cho sự lười biếng, xã hội nên có cái nhìn thấu đáo hơn về những áp lực mà người trẻ đang phải gánh chịu.

"Nằm xuống là một lựa chọn cá nhân chứ không hoàn toàn là thái độ tiêu cực. Đối với một số người trẻ, đó là cách để họ trút bỏ gánh nặng cho bản thân. Khi bạn không thể bắt kịp với sự phát triển của xã hội, giá nhà tăng vọt thì tang ping thực sự là lựa chọn thích hợp nhất", ông Huang giải thích.

Theo Zing