Mukbang (biểu diễn ăn, thường khá nhiều) có lượt xem tăng vọt tại nhiều quốc gia: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ… Riêng tại Malaysia, số người xem mukbang đã tăng 150% trong năm 2019.

Theo nhà nghiên cứu Park Sojeong tại Đại học Seoul (Hàn Quốc), mukbang có vai trò như “người bạn cùng ăn, giúp xoa dịu sự cô đơn”. Người xem mukbang đa số là người sống một mình. Người xem còn có thể gửi quà tặng trong live stream để được nhắc tên và cảm ơn. Vấn đề là dường như người ta hài lòng với những tương tác “xem xong rồi tắt” đó hơn là ăn trưa cùng bạn bè, để rồi phải đầu tư thêm nhiều điều khác nhằm duy trì tình bạn.

Xét cho cùng, đâu thể nào khi cần thì rủ đi ăn trưa, không cần thì không liên lạc? Hiện tượng “ăn cùng bạn ảo” nói trên chỉ là một phần nhỏ trong nhiều xu hướng ở “thế kỷ cô đơn”, khi con người ngày càng cô đơn, càng dè chừng nhau, mất thói quen tương tác và lại càng cô đơn hơn nữa.

 

Sự cô đơn đã và đang trở thành xu hướng chung của thế kỷ XXI, không chỉ vì đại dịch, sự cách ly hay công nghệ. Bởi ngay từ trước khi COVID-19 bùng phát, con người đã tự cô lập vì nhiều lý do: việc tổ chức lại nơi làm việc, sự di cư ồ ạt từ nông thôn lên thành thị, quan điểm đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể... Sự cô đơn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn cả sức khỏe tinh thần, thậm chí trở thành một kẻ “sát nhân thầm lặng”.

Kết hợp 1 thập niên nghiên cứu với nhiều thông tin chi tiết, Noreena Hertz đưa người đọc từ lớp học cách giao tiếp tại một trường đại học thuộc khối Ivy đến những người làm việc từ xa ở London (Anh) bị cô lập trong đại dịch, từ những người đi thuê bạn ở Mỹ đến những cụ ông, cụ bà sống trong một viện dưỡng lão ở Nhật Bản đan mũ len cho robot chăm sóc họ.

Quyển sách gồm 11 chương, bắt đầu từ khái quát chung về lý do thế kỷ XXI được xem là “thế kỷ cô đơn”, cho đến ảnh hưởng của sự cô đơn đến sức khỏe con người. Những thử nghiệm khoa học lý giải nguyên nhân vì sao càng ở thành phố lớn và đông đúc, người ta càng cô đơn.

Hertz phân tích đại dịch đã phóng chiếu sự lo lắng và những tương tác “không tiếp xúc” giữa con người, sự tác động của công nghệ, sự thay thế con người trong cả những việc cần sự giao tiếp trực tiếp với con người, sự ảnh hưởng của cô đơn tới tình dục và tình yêu. Hertz cũng lý giải vì sao nền kinh tế phục vụ sự cô đơn như những phần sản phẩm/dịch vụ cho con người, dịch vụ cho thuê bè bạn, những hoạt động mang lại tương tác ảo khiến người ta thấy mình còn thuộc về đám đông… ngày càng phát triển.

Thế kỷ cô đơn là cuốn sách khoa học xã hội gây ấn tượng sâu sắc. Với nhiều nguồn dữ liệu thuyết phục, tác giả giúp người đọc hình dung rõ nỗi cô đơn của con người bất kể màu da và quốc tịch; cảm giác trống trải mà con người nhận thấy xuất phát từ những thực tế xã hội nào và quan trọng là câu hỏi: “Liệu ta có thể làm gì để thay đổi?”. Và liệu mỗi cá nhân, mỗi quốc gia có thể làm gì để giảm xu hướng cô đơn tiêu cực? 

Theo phụ nữ TPHCM