Quang cảnh thành phố Athens, bang Georgia, một thị trấn đại học nổi tiếng - Ảnh: Getty Images
Tại Mỹ, gần 50% thế hệ millennials (thế hệ Y, sinh ra trong giai đoạn 1980 đến 2000) có xu hướng chọn con đường khởi nghiệp. Đối với họ, thị trấn đại học mới là nơi lập nghiệp lý tưởng, chứ không phải thung lũng Silicon.
Hiểu đơn giản, thị trấn đại học là một thành phố, nơi có trường đại học lớn, và dân số của thành phố đó tùy thuộc vào số lượng sinh viên theo học tại trường.
Lịch sử và nền kinh tế của thành phố cũng liên quan chặt chẽ đến hoạt động của trường đại học. Nhiều thị trấn đại học không chỉ là nơi nghiên cứu học thuật mà còn là trung tâm ảnh hưởng chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương.
Mặc dù gần 47% giá trị đầu tư mạo hiểm ở Mỹ đều đổ vào thung lũng Silicon, các trung tâm khởi nghiệp khác trên khắp nước Mỹ đang mọc lên ngày càng nhiều. Với kinh tế phát triển và sự tập trung dày đặc của các sinh viên đại học, kèm theo chi phí sinh sống dễ chịu, những thành phố như Michigan, Columbus, Ohio, St. Louis, Missouri hay Denver đang là thỏi nam châm thu hút giới khởi nghiệp
Theo PayScale (đơn vị Mỹ nghiên cứu lương, thưởng), tổng chi phí sinh hoạt ở San Francisco, nơi tọa lạc thung lũng Silicon cao hơn 60% so với trung bình cả nước Mỹ, chi phí nhà ở cũng cao hơn trung bình 165%.
Michigan, nơi có chi phí sinh hoạt thấp hơn 9% so với trung bình cả nước, nhận được 1,4 tỉ USD đầu tư khởi nghiệp trong 5 năm qua, theo báo cáo của công ty dữ liệu PitchBook. Điều này phản ánh thực tế rằng, khi cần chi phí quá lớn tại thung lũng Silicon, nhiều công ty đầu tư đang đổ dồn về các trị trấn đại học.
Tuy nhiên, vị trí chiến lược và chi phí dễ chịu là chưa đủ. Các thị trấn đại học có hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ mới thu hút được đầu tư.
"Lý do để gắn bó với trường đại học là vì những sinh viên tài năng và sáng tạo đang tụ hội ở đó. Tôi tin rằng, thời nay sinh viên đi học không phải để kiếm việc làm, mà đi học để có thể tự tạo ra việc làm cho mình", Paul Judge, nhà đầu tư công nghệ chia sẻ với Forbes.
Phát biểu của Paul Judge cũng gần như là chủ trương của các thị trấn đại học. Có thể kể đến Benjamin Rathi cùng nhóm bạn tại đại học Michigan vừa mới tốt nghiệp đã sáng lập Blueprints For Pangaea, tổ chức phi lợi nhuận chuyên phân phối vật tư y tế từ Mỹ đi khắp thế giới. Rathi làm được điều đó một phần nhờ dự án cấp vốn trị giá 20.000 USD được trường đại học hỗ trợ.
Rathi chỉ là một trong số nhiều sinh viên tốt nghiệp được đào tạo bài bản và nhận được hỗ trợ để khởi nghiệp. Điều đó cũng là một trong nhiều lý do mà thị trấn đại học đang là điểm đến lý tưởng của giới trẻ khởi nghiệp.
Theo Tuổi Trẻ