Thói quen chia sẻ trên mạng xã hội khiến người dùng tự tin thái quá?
Cập nhật lúc 22:17, Thứ hai, 05/09/2022 (GMT+7)
Nghiên cứu do các chuyên gia tại Đại học Texas ở Austin (Mỹ) tiến hành cho thấy nhiều người tin rằng họ có kiến thức về nội dung chia sẻ, ngay cả khi chỉ mới đọc qua tiêu đề.
|
|
Nhiều người dễ có cảm giác hiểu về chủ đề mình chia sẻ trên mạng xã hội dù chưa đọc nội dung |
Đài KXAN ngày 5.9 dẫn nghiên cứu của Đại học Texas ở Austin (Mỹ) cho rằng người dùng mạng xã hội dễ bị tự tin quá mức về chủ đề họ chia sẻ thường xuyên trên mạng xã hội.
Theo đó, nhiều cư dân mạng tin rằng họ có kiến thức về nội dung chia sẻ, ngay cả khi họ chưa đọc hoặc chỉ mới lướt qua tiêu đề. Điều này đặc biệt đúng khi họ chia sẻ với bạn thân.
“Việc chia sẻ có thể khiến sự tự tin gia tăng khi vì đưa thông tin lên mạng, người chia sẻ công khai thể hiện đặc điểm của một chuyên gia. Làm thế sẽ định hình ý niệm bản ngã, giúp họ cảm thấy như thể có kiến thức về nội dung đăng”, theo nghiên cứu đăng trên chuyên san Journal of Consumer Psychology.
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu mới đây từ Viện Nghiên cứu báo chí Reuters, trong đó có nội dung cho thấy 51% người tiêu dùng đọc hết nội dung của một tin, bài khi “đọc” tin tức trên mạng. Trong khi đó, 26% đọc một phần và 22% chỉ lướt qua tiêu đề hoặc vài đoạn.
Nhóm nghiên cứu còn tiến hành nhiều thử nghiệm, chẳng hạn như cung cấp cho một nhóm 98 sinh viên những bài báo trên mạng để họ tự do đọc, chia sẻ. Kết quả cho thấy một số sinh viên chia sẻ nhưng không đọc vẫn gia tăng kiến thức chủ quan.
“Nếu mọi người cảm thấy có kiến thức hơn về một chủ đề, họ cũng sẽ cảm thấy rằng có lẽ họ không cần đọc hoặc biết thêm những thông tin bổ sung cho chủ đề đó. Cảm giác sai lầm về việc có kiến thức này khó sửa đổi được”, theo giáo sư Susan M. Broniarczyk tại Đại học Texas, thành viên nhóm nghiên cứu.
Cũng theo nghiên cứu, những công ty mạng xã hội tỏ ra có hiệu quả khi khuyến khích mọi người đọc các tin bài trước khi chia sẻ.
Theo Thanh niên