Tất cả bắt đầu bằng một bài đăng tuyển dụng trên mạng xã hội hoặc lời nhắn thúc giục qua Facebook từ một người quen, hứa hẹn với những thanh niên đang mang nợ từ Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Malaysia... rằng họ sẽ có một công việc ở nước ngoài trong lĩnh vực bán hàng trực tuyến, được trả công hậu hĩnh.
Nhưng khi ra nước ngoài để tìm công việc mới, họ lập tức rơi vào cái bẫy buôn người, mắc nợ với các băng nhóm tội phạm tàn nhẫn, những kẻ này buộc các nạn nhân phải thực hiện hành vi lừa đảo, nếu không sẽ phải bị đánh đập và thậm chí bị bán cho nhóm tội phạm khác.
Theo phản ánh của SCMP, châu Á đang nằm trong tầm ngắm của “đại dịch lừa đảo” này. Vấn nạn tập trung ở Campuchia nhưng những tên tội phạm cũng có các “cứ điểm” béo bở khác là các sòng bạc ở vùng biên giới Myanmar và Lào.
Nhiều người phải trả giá bằng số tiền tiết kiệm của mình, sau khi bị mắc bẫy vào các trò gian lận tinh vi, bị cuốn vào các giao dịch ngoại hối có lợi nhuận cao và các khoản đầu tư theo mô hình ponzi (trả tiền cho nhà đầu tư trước bằng tiền của nhà đầu tư sau) hoặc bị lừa vì tin rằng họ đang đưa tiền cho cảnh sát và nhân viên hải quan.
Các chuyên gia lo ngại hàng chục nghìn thanh niên nam nữ có thể đã bị các băng nhóm lừa đảo bắt giữ, bị lợi dụng để thực hiện vô số cuộc gọi phi pháp mỗi ngày dù họ không muốn. Nhà chức trách Hong Kong cho biết họ đã nhận được 41 đơn kêu cứu từ những người bị lừa trong các đường dây này. Một số vẫn còn mắc kẹt ở Campuchia và Myanmar.
Công ty lừa đảo kiếm hơn 100.000 USD/ngày
Ah Dee là một trong những nạn nhân như vậy. Chàng trai 30 tuổi sau khi thấy mẩu tin việc làm trên Facebook - với mức lương 6.370 USD cho công việc quảng cáo ở Thái Lan – đã lên đường đến Mae Sot, phía Bắc nước này. Nhưng tại đó, anh bị đưa lên một chiếc ô tô và bị bán qua biên giới đến Myanmar. Anh được yêu cầu trả 10.000 USD tiền chuộc hoặc thực hiện các vụ lừa đảo qua điện thoại.
Cơ quan chức năng các nước cho biết hầu hết nạn nhân đến từ Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam, nhưng người Indonesia, Malaysia và thậm chí cả người Kenya cũng đang bị các băng nhóm trung tâm lừa đảo dùng thủ đoạn tương tự dụ dỗ.
“Gia đình phải vay tiền để chuộc tôi ra”, Wan, công dân Thái Lan, người bị lừa bởi lời hứa nhận công việc có mức lương 1.500 - 2.000 USD/tháng nói. Wan phải làm việc ở một sòng bạc trực tuyến, được trả tự do một tháng sau khi gom đủ vài nghìn USD. Nhưng anh cho biết nhiều người khác vẫn đang bị mắc kẹt trong nợ nần với các băng nhóm tội phạm.
“Những ngày bình thường một ‘công ty’ như vậy kiếm được khoảng 5 triệu baht (138.300 USD)… nhưng chỉ tiêu của họ thường gấp đôi con số đó”, anh nói.
Không thể biết chính xác số tiền mà các băng đảng đang kiếm được nhưng cảnh sát Thái Lan tin rằng những tên tội phạm thu được hơn 1 tỷ USD trong suốt thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, chỉ tính riêng từ các công dân Thái Lan bị lừa.
Lừa tình, tiền điện tử và cảnh sát giả
Theo nguồn tin của SCMP, giám sát một số mạng lưới lừa đảo là một số ít người Trung Quốc. Những đầu mối này quản lý công nhân được nhốt trong các khu phức hợp rộng lớn.
Nguồn tin cho biết nhiều khách sạn ở Campuchia bị chuyển đổi thành các trung tâm tổng đài lừa đảo, mỗi tầng là nơi ở của những người thuộc các quốc tịch khác nhau, với mục tiêu nhắm đến những người đồng hương của họ.
Cảnh sát Surachate Hakparn, người chỉ đạo lực lượng chống buôn người của Thái Lan và đã đưa 900 người Thái Lan từ Campuchia về vào cuối năm ngoái cho biết: “Các khu phức hợp này có người mang vũ trang bảo vệ, dây gai và rào chắn ngăn cản, khiến người ngoài không thể ra vào”.
Wan, người trốn thoát khỏi Thái Lan, cho biết các băng nhóm lừa đảo chia công việc cho ba nhóm “tổng đài viên”: nhóm đầu tiên truy tìm trên mạng xã hội để tìm nạn nhân, nhóm thứ hai điện thoại trong vụ lừa đảo theo kịch bản có sẵn, nhóm cuối cùng "chốt" thỏa thuận và thực hiện các thủ tục chuyển khoản ngân hàng.
Các chiêu trò của chúng bao gồm từ cái gọi là “catfishing” - dụ dỗ nạn nhân vào trong mối quan hệ với một nhân vật không có thật – cho đến các khoản đầu tư tiền điện tử hoặc những kẻ lừa đảo đóng giả cảnh sát yêu cầu chuyển tiền để “ngừng đóng băng” tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
Đối với cách lừa đảo thứ ba, kẻ “chốt” thỏa thuận thường sẽ mặc đồng phục giả và gọi điện video cho nạn nhân từ một đầu số trùng với số một đồn cảnh sát Thái Lan thực sự.
Người Kenya cũng đã được đại sứ quán của nước họ tại Thái Lan cảnh báo không nhận công việc trong những khu vực không có hợp đồng chính thức đầy đủ, sau khi một số công dân của họ bị mắc bẫy các băng nhóm lừa đảo ở Myanmar và Lào.
Mạng lưới lừa đảo 'mọc lên như nấm' giữa đại dịch
Theo các quan chức an ninh, từ cách đây khoảng 10 năm, các nhóm tội phạm ở Đài Loan (Trung Quốc) đã phát triển cơ sở hạ tầng lừa đảo. Các băng nhóm này ban đầu thành lập trung tâm cuộc gọi ở Thái Lan, nhắm vào công dân Trung Quốc. Nhưng sau khi những trung tâm này bị chính quyền Thái Lan loại bỏ theo yêu cầu của Bắc Kinh, các băng nhóm chuyển hoạt động qua Campuchia, nhiều thành viên lấy quốc tịch Campuchia. Quy mô hoạt động của chúng cũng được phát triển bằng cách sử dụng "tiền bẩn" có được từ các sòng bạc khu vực sông Mekong .
Ngành công nghiệp này “hút máu” một lực lượng lao động khổng lồ gồm những thanh niên không thể tìm được việc làm kể từ khi đại dịch xảy ra, cũng như lợi dụng sự hy vọng, tuyệt vọng và ngây thơ của hàng triệu người có thể dễ dàng tiếp cận qua thế giới mạng.
Ông Jeremy Douglas thuộc Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm cho biết: “Các mạng lưới này mọc lên như nấm và có thể trở thành một vấn đề khu vực”. Ông nhận định, đại dịch đã thúc đẩy các trùm tội phạm nổi tiếng ở khu vực Mekong “thích nghi và đổi mới”.
“Các sòng bạc hoạt động ở khu vực biên giới và đặc khu kinh tế bị mất lượng khách cơ bản do du lịch cạn kiệt. Các tội phạm đã phản ứng bằng cách chuyển sang lĩnh vực công nghệ và trực tuyến…lừa đảo qua điện thoại là một nhánh bổ sung khi chúng muốn thúc đẩy thêm doanh thu”.
Theo vtc.vn