Luôn vui vẻ và tích cực đương nhiên là một điều tốt. Nhưng cố gắng tỏ ra tích cực ngay cả khi bản thân không ổn, liệu có thật sự tốt? Điều này được nhận định là một hình thức của sự ‘tích cực độc hại’.

Thừa nhận mình yếu đuối cũng là một sự mạnh mẽ!

Sự tích cực độc hại (toxic positivity) là một niềm tin cho rằng bất kể hoàn cảnh tồi tệ hay khó khăn như thế nào, mọi người nên duy trì một suy nghĩ tích cực. Đó là một cách tiếp cận theo hướng chỉ để những rung cảm tốt đẹp hiện diện trong cuộc sống. Và mặc dù có những lợi ích tốt đẹp khi trở thành một người lạc quan với một lối suy nghĩ tích cực. Nhưng thay vào đó, sự tích cực độc hại lại từ chối những cảm xúc khó khăn để ngụy tạo thành một vẻ ngoài vui vẻ, hay còn được gọi là những tích cực giả tạo.

Ai cũng biết khi nhìn đời bằng một đôi mắt tích cực sẽ rất tốt cho sức khỏe tinh thần của chúng ta. Nhưng vấn đề là cuộc sống không phải lúc nào cũng tích cực như cách chúng ta nghĩ. Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những cảm xúc và trải nghiệm đau đớn ít nhất một lần trong đời. Mặc dù những cảm xúc đó thường chẳng mấy dễ chịu nhưng chúng đóng một vai trò quan trọng, cần được cảm nhận và giải quyết một cách cởi mở, trung thực. Tích cực độc hại đưa những suy nghĩ tích cực đến một thái cực quá mức. Và thái độ này không chỉ nhấn mạnh vào tầm quan trọng của sự lạc quan, mà còn giảm thiểu hay phủ nhận sự da đạng trong cảm xúc con người, không phải lúc nào cũng hạnh phúc.

Thừa nhận mình yếu đuối cũng là một sự mạnh mẽ!

Các hình thức của tích cực độc hại

Sự tích cực độc hại có thể biểu hiện ở nhiều hình thức khác nhau. Bạn có thể sẽ bắt gặp bản thân mình trong một số ví dụ dưới đây:

Khi có điều gì đó tồi tệ xảy ra, mọi người sẽ thường nói với bạn những câu như: “hãy lạc quan lên!” hoặc “hãy nhìn vào mặt tươi sáng của vấn đề”. Mặc dù những lời an ủi đó có tác dụng xoa dịu rất hiệu quả. Nhưng chúng cũng có thể ngăn cản bạn cảm nhận, chia sẻ về những gì đang trải qua. Những câu nói như vậy thường có chủ đích tốt vì người khác thường không biết nói gì khác để làm bạn vui hơn. Nhưng dần dần, sự tích cực độc hại khiến người trong cuộc có xu hướng từ chối sự hỗ trợ đích thực từ mọi người, điều mà họ cần để đối phó với những gì đang đối mặt.

Vì sao tích cực độc hại không tốt?

Sự tích cực độc hại thực sự có thể gây hại cho những người đang trải qua thời kỳ khó khăn. Họ có thể sẽ cảm thấy rằng mình đang bị đánh giá, so sánh vì không duy trì được một triển vọng tốt đẹp. Thay vì có thể chia sẻ những cảm xúc chân thật và nhận được sự ủng hộ vô điều kiện từ gia đình và bạn bè, họ sẽ cảm thấy cảm xúc của mình như đang bị gạt bỏ, phớt lờ hoặc hoàn toàn bị vô hiệu. 

  • Xấu hổ: Khi một người đau khổ, người đó cần biết rằng cảm xúc buồn bã mà họ đang trải qua là điều hoàn toàn hợp lý. Sự tích cực độc hại thường cho họ một suy nghĩ nhầm tưởng rằng những cảm xúc tiêu cực hiện tại là không thể chấp nhận được. 
  • Cảm giác tội lỗi: Tích cực độc hại gửi một thông điệp rằng nếu bạn không tìm ra cách để lạc quan trở lại, ngay cả khi đối mặt với bi kịch, thì bạn đang làm một điều gì đó rất yếu đuối và sai trái với bản thân.
  • Né tránh những cảm xúc đích thực của con người: Tích cực độc hại hoạt động theo một cơ chế tránh né. Khi một người bi chi phối bởi sự tích cực độc hại, họ thường sẽ tránh đi những tình huống hay cảm xúc khiến bản thân không thoải mái – những thứ vốn thuộc về hỉ, nộ, ái, ố của một con người bình thường.
  • Ngăn cản sự phát triển: Tích cực độc hại ngoài việc cho phép chúng ta tránh né những điều gây ra đau đớn. Đồng thời, nó cũng phủ nhận khả năng đối mặt với các thử thách, những điều có thể dẫn đến sự phát triển và hiểu biết sâu sắc hơn của bản thân.

Thừa nhận mình yếu đuối cũng là một sự mạnh mẽ!

Câu thần chú “luôn tích cực trong mọi hoàn cảnh” có thể khiến bạn thêm mệt mỏi và kiệt sức trong những thời điểm đau khổ dữ dội. Khi một người đang đương đầu với những tình huống khó khăn như: rắc rối tài chính, mất việc, bệnh tật, thậm chí là mất người thân, thì những lời khuyên đại loại như: “Lạc quan lên! Hãy nhìn vào khía cạnh tươi sáng của vấn đề ”, có vẻ là vô cùng tàn nhẫn lúc này.

Dấu hiệu của tích cực độc hại?

  • Thường có xu hướng gạt bỏ các vấn đề hơn là đối mặt với chúng
  • Cảm thấy yếu đuối mỗi khi buồn bã, tức giận hay thất vọng
  • Giấu cảm xúc thật đằng sau những lời nói
  • Che giấu cảm giác thực sự của chính mình
  • Không cảm thông với người đang cảm thấy tiêu cực
  • Cố gắng trở nên khắc kỷ hoặc cố hết sức để tự mình vượt qua những cảm xúc đau thương

Làm thế nào để tránh khỏi tích cực độc hại?

  • Thừa nhận rằng những cảm xúc tiêu cực là điều bình thường trong trải nghiệm của mỗi con người
  • Xác định và gọi tên cho từng cảm xúc thay vì cố gắng tránh né chúng
  • Hãy tỏ bày và đừng cố tỏ ra mạnh mẽ

Một người có thể tránh áp đặt sự tích cực độc hại lên người khác bằng cách khuyến khích và không phán xét khi người khác kể về những trải nghiệm tiêu cực của mình. Hãy để những yếu đuối, lạc lõng bên trong sẽ tự chữa lành cho những vết thương, thay vì cố ngụy tạo nên những lạc quan và tích cực dối trá!

Theo nudoanhnhan.vn