Tỉ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam giảm theo từng năm - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thị Hà mong muốn Việt Nam tiếp tục hợp tác với Chính phủ, đối tác quốc tế trong xóa bỏ lao động trẻ em - Ảnh: HÀ QUÂN

Tại hội thảo quốc tế về các cam kết quốc tế liên quan đến phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em ngày 27-5, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết tỉ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam không cao và giảm dần theo các năm. 

Điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy tỉ lệ lao động trẻ em Việt Nam giảm từ 15,5% (năm 2012) xuống còn 9,1% (năm 2018).

Tỉ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn 2% so với tỉ lệ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy vậy, Việt Nam vẫn còn tình trạng một số trẻ em phải lao động sớm, chủ yếu trong khu vực phi chính thức.

Theo bà Hà, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Do đó, nước ta phải chủ động cam kết về phòng ngừa, giảm thiểu và hướng tới xóa bỏ lao động trẻ em.

Bà Hà dẫn lại các giải pháp của Chính phủ Việt Nam như phổ cập giáo dục phổ thông, xóa mù chữ, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ khuyết tật, trẻ em trong hộ gia đình nghèo và có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ; tăng cường chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo; giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19…

Bà Trần Thị Lan Anh, tổng thư ký Liên đoàn Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh việc doanh nghiệp sử dụng lao động trẻ em dẫn tới nguy cơ bị cắt giảm đơn hàng hoặc loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng chi phí tuyển dụng thay thế; giảm uy tín và khó thu hút nhà đầu tư…

 

Tại hội thảo, bà Ingrid Christensen, giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho biết hiện có khoảng 160 triệu trẻ em, tương đương gần 1/10 tổng số trẻ em toàn cầu đang là nạn nhân của tình trạng lao động trẻ em và con số này đang có xu hướng gia tăng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Bà Ingrid Christensen khuyến nghị Việt Nam cần đẩy mạnh các chương trình, chính sách xóa đói giảm nghèo; tăng cơ hội học nghề cho trẻ em, nhất là ở vùng nông thôn; đầu tư hệ thống bảo vệ trẻ em; phát triển sinh kế của các hộ gia đình…

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp cho biết họ "nói không với lao động trẻ em" và khuyến nghị quy trình tuyển dụng lao động phải chặt chẽ, nhất là khâu xác minh hồ sơ; tận dụng mạng xã hội để dự trù nguồn nhân lực; yêu cầu nhà cung ứng cam kết sử dụng lao động đủ tuổi theo luật… 

Đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ, cơ quan chức năng cần chỉ rõ mức phạt, nguy cơ xử lý hình sự để thay đổi nhận thức người dân. 

Hội thảo ngày 27-5 nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em Việt Nam và Ngày thế giới phòng, chống lao động trẻ em (12-6).

Theo Tuổi trẻ