Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Anh

PV: Thưa TS Nguyễn Tuấn Anh, SSTT là một khái niệm hiện nay vẫn còn rất mơ hồ với đa số người Việt. Vì sao anh lại chọn việc nghiên cứu về vấn đề này?

- 15 năm trước, bà ngoại của vợ tôi có tất cả các triệu chứng điển hình, nhưng dù học ở những trường đại học Y Dược hàng đầu của Việt Nam, vợ chồng tôi đều không được đào tạo kiến thức cơ bản để nhận biết đó là bệnh SSTT.

Khi nhận thức của ngoại ngày càng suy giảm, kèm theo các triệu chứng tâm lý hành vi, cả nhà chỉ biết nói bà già rồi nên càng ngày càng lẫn. Người giúp việc, chăm sóc lần lượt bỏ việc vì không chịu được. Gánh nặng chăm sóc bà ngoại đổ lên đầu mẹ vợ và mấy chị em của mẹ, những người cũng già cả và ốm đau luôn nhưng gia đình không còn lựa chọn nào khác. Không có bất cứ một tổ chức xã hội hay y tế nào tư vấn giúp đỡ và gia đình cũng không biết đó là bệnh để tìm kiếm sự hỗ trợ về y tế. “Già thì lẫn” là điều cả xã hội vẫn nghĩ vậy!

Từ khi giành được học bổng phát triển nghiên cứu về SSTT, tôi đi sâu vào nghiên cứu lĩnh vực chuyên ngành mới giật mình nhớ lại những gì đã xảy ra với ngoại.  Vì thế tôi quyết định sẽ làm cách nào đó, để có thể làm nhịp cầu đưa những nghiên cứu tiên tiến của thế giới về Việt Nam.

SSTT đã trở thành thách thức y tế công cộng cấp bách trên toàn thế giới. Riêng trong năm 2018, chi phí cho SSTT toàn cầu đã vượt qua con số 1000 tỷ USD. Nếu coi chi phí cho SSTT toàn cầu như một quốc gia thì đây sẽ là một nền kinh tế lớn thứ 18 trên thế giới. Tháng 5/2017 tại Geneva, Thụy Sĩ, Bộ trưởng Bộ Y tế khi đó là bà Nguyễn Thị Kim Tiến cùng lãnh đạo Y tế của 194 nước thành viên WHO đã ký Kế hoạch hành động toàn cầu ứng phó y tế công cộng đối với SSTT 2017-2025 tại kỳ họp thứ 70 Đại hội đồng Y tế thế giới.

PV: Vấn đề gì anh nhận ra trước nhất?

- Câu chuyện của 15 năm trước giờ tái hiện như một thực tế phũ phàng trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng gì ở Việt Nam. Dementia là hội chứng SSTT gây ra bởi hơn 100 gốc bệnh khác nhau, phổ biến nhất là thể Alzheimer’s (50-75%), tiếp đến là thể sa sút não mạch (20-30%), thể tiền đình thái dương (5-10%) và thể lewy bodies (5%). Ngoài ra còn có rất nhiều những thể kém phổ biến hơn như SSTT ở các bệnh khác như Parkinson, Huntington, Creutzfeldt-Jakob hay SSTT liên quan đến alcohol, HIV/AIDS…

Hiện tại, thuốc điều trị tận gốc chưa có mà chỉ có các thuốc điều trị triệu chứng với vô vàn tác dụng phụ, trong khi lợi ích cho người bệnh từ việc dùng các thuốc này tương đối hạn chế. Bệnh viện, nhà dưỡng lão với môi trường xa lạ thực sự không phải là nơi dành cho người SSTT và chỉ là giải pháp cuối cùng. Vậy làm thế nào để giúp đỡ cho các gia đình có người bệnh SSTT để họ không bị bơ vơ không nơi nương tựa như chúng tôi 15 năm về trước? Câu chuyện gia đình thôi thúc tôi đi tìm câu trả lời với một quyết tâm phải làm được cái gì đó cho quê hương.

PV: Vậy quá trình nghiên cứu của anh đã diễn ra như thế nào?

- Thường xuyên đi dự các hội thảo, một khẩu hiệu của người bệnh có ấn tượng nhất với tôi là “Nothing about me without me”, tạm dịch “không thể làm điều gì tốt cho tôi nếu tôi thiếu sự tham vấn”. Bước đi đầu tiên của tôi là xây dựng mối quan hệ với các hiệp hội người bệnh. Alzheimers’ Disease International (ADI) là Hiệp hội người bệnh SSTT có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Chủ tịch, CEO thế giới và Giám đốc điều hành khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhanh chóng trở thành những người bạn thân thiết.

ADI với hơn 10 năm vận động để có một “Đối phó toàn cầu với SSTT” cuối cùng cũng đạt được thành quả khi “Kế hoạch toàn cầu về SSTT” được chấp thuận tại Đại hội đồng Y tế thế giới kỳ họp thứ 70. Giải pháp cho Việt Nam dần sáng tỏ. Chỉ có một kế hoạch quốc gia (National Dementia Plan – NDP) – một đối phó về chính sách công cộng đa ngành dưới sự nỗ lực của toàn chính phủ mới có thể giải quyết được triệt để các mặt xã hội, y tế, kinh tế, và pháp luật phức tạp của căn bệnh thế kỷ này.

Làm thế nào để chính phủ quan tâm đến vấn đề SSTT khi nhận thức về căn bệnh này tại Việt Nam còn rất hạn chế là nhiệm vụ kế tiếp. Tôi thành lập mạng lưới nghiên cứu SSTT Châu Á Thái Bình Dương (APR) với các đối tác Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam; trình bày báo cáo về các thuận lợi, khó khăn trong việc xây dựng NDP cho các nước APR tại hội thảo của WHO về việc triển khai kế hoạch toàn cầu về SSTT; tham gia xây dựng sách hướng dẫn của WHO về xây dựng NDP; nhận lời làm thành viên của ban tổ chức của Diễn đàn SSTT quốc gia Úc để có thêm kinh nghiệm; thành lập hợp tác liên ngành (dược, chính sách y tế, y học gia đình, lão khoa và tâm thần học) xuyên quốc gia (Úc, Việt Nam, Mỹ) tại thủ phủ Sacramento của California, USA; cùng đối tác của hợp tác liên ngành viết dự án xin tiền của Global Affair, University of California, Davis (UCD) để có kinh phí hỗ trợ tổ chức hội thảo ở Việt Nam. Cùng thành lập một nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia hàng đầu thế giới để nộp hồ sơ xin kinh phí từ NHMRC/NAFSOTED nhằm thiết lập hệ thống bằng chứng cho việc xây dựng NDP cho Việt Nam.

Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Anh trong một buổi chiêu đãi của bà Đại sứ Úc tại Hà Nội

PV: Và những nỗ lực của anh đã mang lại những kết quả ra sao?

- Tháng 3/2018, Dự án với UCD được duyệt. Chúng tôi đã xây dựng chương trình hội thảo và đặc biệt là đưa được các chuyên gia đầu ngành từ Anh, Úc, Mỹ,… như Chủ tịch hiệp hội ADI, Giám đốc chương trình của Liên đoàn Đào tạo Lão khoa Thế giới… về tổ chức hội thảo quốc gia về SSTT lần thứ nhất tại Hà Nội vào tháng 9/2018.

Đến tháng 12, chúng tôi tiếp tục nhận được tin vui, hồ sơ dự án xin kinh phí từ NHMRC/NAFOSTED để thiết lập hệ thống bằng chứng khoa học cho việc xây dựng NDP của Việt Nam đã được phê duyệt. Kinh phí nghiên cứu này được chính phủ hai nước Úc và Việt Nam đồng tài trợ thể hiện sự ủng hộ của hai chính phủ cho dự án. Dự án được các bên Việt Nam, Úc, Mỹ triển khai từ tháng 4/2019, dự kiến đến 3/2022 sẽ có các kết quả cuối cùng để phục vụ công tác phát triển NDP  cho Việt Nam.

Rất nhiều hoạt động đã được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước triển khai. Năm 2019, Hội thảo quốc tế lần thứ 2 về SSTT đã được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề Tiến tới xây dựng chương trình Quốc gia và nâng cao năng lực nghiên cứu về SSTT ở Việt Nam.

Ngoài kinh phí đồng tài trợ bởi hai chính phủ để thực hiện chương trình, điều quan trọng nữa là nhóm nghiên cứu đã tạo dựng được uy tín để nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các tổ chức quốc tế liên quan. Nhóm nghiên cứu đa quốc gia của chúng tôi đều hết sức nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất. Với tôi, kết quả đó sẽ thực sự là một sự báo ơn với nguồn cội.

Những kết nối mà TS Nguyễn Tuấn Anh đã làm là rất quan trọng để chúng tôi hiểu hơn về tình hình, nhu cầu của ngành Y tế Việt Nam trong việc phát triển nguồn lực để giúp đỡ người mắc chứng SSTT. Tôi vốn rất yêu Việt Nam, nhưng qua những hoạt động này, tôi thêm hiểu và yêu quý đất nước con người Việt Nam nhiều hơn nữa. Chúng tôi sẽ luôn cố gắng trong khả năng tốt nhất để giúp Việt Nam trong những nỗ lực xây dựng kế hoạch quốc gia phòng chống SSTT” -Ông Glenn Rees, Chủ tịch Hội Alzheimer Thế giới.

 

Theo Quê Hương