Người nghỉ hưu không phải là gánh nặng xã hội

Độ tuổi nghỉ hưu tại Trung Quốc thuộc hàng thấp nhất thế giới - 60 đối với nam, 55 đối với nữ nhân viên văn phòng và 50 đối với nữ công nhân. Nhiều năm qua, Bắc Kinh đã xem xét tăng tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn chưa đưa ra mốc thời gian cụ thể. Giờ đây, với 28 triệu người sẽ nghỉ hưu vào năm 2023, Trung Quốc cần một hệ thống việc làm linh hoạt hơn để tận dụng tốt nguồn lao động lớn tuổi trong xã hội, bao gồm cả việc cho phép người về hưu đóng góp trong các lĩnh vực có nhu cầu cao như y tế và giáo dục.

Một công việc phù hợp sau tuổi nghỉ hưu giúp người cao tuổi có sức khỏe tốt hơn, cảm thấy hạnh phúc hơn - ẢNH MINH HỌA: EDWIN TAN (GETTY IMAGES)
Một công việc phù hợp sau tuổi nghỉ hưu giúp người cao tuổi có sức khỏe tốt hơn, cảm thấy hạnh phúc hơn - ẢNH MINH HỌA: EDWIN TAN (GETTY IMAGES)

 

Du Peng - Phó hiệu trưởng Đại học Nhân dân, đồng thời là cố vấn của Bộ Nội vụ Trung Quốc - cho biết: “Việc hoãn tuổi nghỉ hưu đang là xu hướng toàn cầu. Thế nhưng, khi số sinh viên tốt nghiệp đại học năm nay vượt quá 11 triệu, phương án hoãn tuổi nghỉ hưu không thể áp dụng chung cho mọi người vì thế hệ trẻ cần công việc”. Ông Du nhận định, xã hội không nên coi những người về hưu là gánh nặng, vì họ vẫn có kinh nghiệm, khả năng làm việc và chỉ cần được khuyến khích, tạo cơ hội tái tham gia lực lượng lao động.

Ông Du nói thêm rằng, việc tăng tỉ lệ sinh là không đủ để ngăn chặn tác động của tình trạng già hóa dân số. Vào cuối năm 2022, hơn 280 triệu người Trung Quốc (gần 1/5 dân số) ở độ tuổi trên 60. Điều này đặt ra thách thức đối với nền kinh tế đang phải đấu tranh để vượt qua tác động kéo dài do đại dịch.

Nhìn sang các nước khác, ông Du cho biết, họ có chính sách tốt hơn, từ chăm sóc người cao tuổi trong cộng đồng đến thúc đẩy sự tham gia xã hội của người cao tuổi. Ví dụ, hệ thống bảo hiểm chăm sóc dài hạn ở Đức và Nhật Bản giúp củng cố mạng lưới chăm sóc người già dựa vào cộng đồng. Trong khi Singapore khuyến khích người trưởng thành sống gần cha mẹ già, thúc đẩy sự tham gia cộng đồng của cha mẹ nhiều hơn. Anh và Ireland cũng có nhiều chương trình đào tạo và hoạt động dành cho người lớn tuổi ở các trường đại học.

Tìm việc làm phù hợp để đảm bảo sức khỏe

Một nghiên cứu năm 2008 ở Mỹ đăng trên tờ Economic Journal chỉ ra rằng, những người nghỉ hưu gặp nhiều khó khăn hơn trong việc di chuyển và sinh hoạt hằng ngày, mắc nhiều bệnh tật hơn và sức khỏe tâm thần bị suy giảm nhiều hơn so với những người cùng tuổi đang còn làm việc. Tuy nhiên, ảnh hưởng sức khỏe của việc nghỉ hưu hoặc tiếp tục làm việc rất phức tạp. Nhìn chung, việc nghỉ hưu tự nguyện gắn liền với sức khỏe, khả năng nhận thức và chính sách phúc lợi.

Một nghiên cứu khác ở châu Âu trong giai đoạn 2013-2018 cho thấy, đối với những công việc đòi hỏi thể chất và áp lực tâm lý cao, lựa chọn nghỉ hưu sẽ giúp cải thiện sức khỏe, giảm các triệu chứng trầm cảm ở người cao tuổi.

Vì thị trường lao động tại nhiều nước vẫn chưa thân thiện với nhóm người lao động lớn tuổi, họ sẽ mất nhiều thời gian hơn để tìm việc và điều kiện làm việc có thể không tốt. Ngoài ra, công việc ở tuổi già dường như khó khăn hơn đối với phụ nữ vì họ có nhiều khả năng bị giám sát tại nơi làm việc, đối mặt với sự phân biệt đối xử về tuổi tác nhiều hơn, được trả lương ít hơn cho cùng nỗ lực, trách nhiệm và trình độ học vấn.

Carly Roszkowski - Phó chủ tịch chương trình phục hồi tài chính tại AARP, một tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ giúp người cao tuổi lựa chọn cách sống - cho biết, có rất nhiều lựa chọn dành cho người cao tuổi muốn tái gia nhập lực lượng lao động nhưng không tạo thêm áp lực cuộc sống.

Cô giải thích: “Những người lao động lớn tuổi muốn chọn công việc có ý nghĩa. Trong nghiên cứu của chúng tôi, hơn 90% muốn làm việc tốt và giúp đỡ mọi người. Họ tin rằng bản thân vẫn còn nhiều điều phải hoàn thành trong những năm cuối đời”.

Theo phụ nữ TPHCM