TikTok đang đối mặt với làn sóng tẩy chay dữ dội. Ảnh: Getty Images.
Ngày 7/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với Fox News rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét cấm TikTok. Trước đó, chính phủ Ấn Độ cũng đã đóng sập cánh cửa với TikTok và hàng chục ứng dụng Trung Quốc khác tại thị trường Nam Á 1,35 tỷ dân.
Ngân hàng Wells Fargo & Co. mới đây yêu cầu các nhân viên loại bỏ TikTok khỏi điện thoại làm việc do những lo ngại về bảo mật. Hôm 10/7, Amazon cũng yêu cầu nhân viên xóa TikTok khỏi thiết bị di động mà họ sử dụng để truy cập vào email công ty. Nhưng sau đó, Amazon thông báo hướng dẫn này chỉ là một lỗi.
Không giống với bê bối của Cambridge Analytica hay Yahoo, việc Mỹ tẩy chay TikTok xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Bê bối gần đây nhất là vụ TikTok bị phát hiện lén truy cập dữ liệu clipboard từ điện thoại của người dùng. Tuy nhiên, hơn 50 ứng dụng khác như LinkedIn, PUBG Mobile và thậm chí cả ứng dụng New York Times cũng làm điều tương tự.
Chủ sở hữu Trung Quốc
Thứ duy nhất khiến TikTok khác biệt là nguồn gốc Trung Quốc. TikTok hoạt động tại Mỹ, có CEO là người Mỹ, nhưng chủ sở hữu là ByteDance, một tập đoàn có trụ sở ở Trung Quốc. Phần lớn lo lắng đến từ câu hỏi liệu ByteDance kiểm soát bao nhiêu hoạt động của TikTok.
Giống trường hợp Huawei, chính phủ Mỹ rất lo ngại TikTok phục vụ các hoạt động gián điệp của Trung Quốc. Những lo ngại đó có nghĩa là phía Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận một ứng dụng được chống lưng bởi Trung Quốc trên điện thoại người Mỹ.
Về mặt thu thập dữ liệu cá nhân, không ai biết TikTok đang làm những gì. Giới chuyên môn cho biết ứng dụng này thu thập rất nhiều dữ liệu và không ít trong số đó không có mục đích rõ ràng. Tuy nhiên, hàng loạt ứng dụng di động khác cũng có những hành vi tương tự.
Về phần mình, TikTok nhấn mạnh rằng trụ sở của công ty nằm tại Mỹ. "TikTok cũng được lãnh đạo bởi một CEO người Mỹ với hàng trăm nhân viên, lãnh đạo chủ chốt về an toàn, bảo mật, sản phẩm và chính sách công cộng ở Mỹ", công ty Trung Quốc tuyên bố.
"Chúng tôi không bao giờ cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc. Ngay cả khi được chính quyền Trung Quốc yêu cầu, chúng tôi cũng sẽ không làm", TikTok nhấn mạnh.
TikTok có trụ sở tại Mỹ nhưng chủ sở hữu là ByteDance của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, ngay cả khi TikTok không làm điều gì khác thường, ứng dụng này vẫn trở nên nguy hiểm hơn với Mỹ và phương Tây vì mối quan hệ chính trị với chính phủ Trung Quốc.
Các chuyên gia giải thích vấn đề là với hành vi thu thập dữ liệu của TikTok, tình báo Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng mạng xã hội này như một cổng thông tin để giám sát những người dùng cụ thể và thu thập thông tin. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) từng nhiều lần cảnh báo nguy cơ điệp viên Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại của các công ty Mỹ.
Do đó, TikTok hoàn toàn có thể trở thành một rủi ro lớn đối với các tập đoàn khổng lồ của Mỹ như Amazon hoặc Wells Fargo, bởi chúng sở hữu những công nghệ mà Trung Quốc có thể muốn đánh cắp.
Chỉ còn đường cắt đứt
Và chỉ cần chính quyền Bắc Kinh gây áp lực lên TikTok thông qua công ty mẹ ở Trung Quốc, tình báo nước này sẽ luôn có cách âm thầm theo dõi người dùng. Vì vậy, đối với Mỹ và phương Tây, người dùng TikTok không thể an toàn.
Hồi tháng 4, Zoom bị bắt gặp chuyển hướng các cuộc gọi ở nước ngoài về máy chủ tại Trung Quốc. Hành vi này nghiêm trọng hơn nhiều so với bê bối của TikTok. Equifax đánh mất dữ liệu của hơn 100 triệu người. Chúng chắc chắn nhiều thông tin hơn những gì TikTok từng thu thập. Tuy nhiên, đây vẫn là các tổ chức phương Tây.
Chính phủ Mỹ tình nghi TikTok hợp tác với tình báo Trung Quốc. Do đó, công ty này sẽ luôn gây lo ngại bất chấp mọi lời trấn an. Trong thời gian qua, TikTok luôn khẳng định công ty này hoàn toàn độc lập với ông chủ Trung Quốc.
Nhưng có một điều không thể phủ nhận. Đó là TikTok vẫn thuộc về ByteDance, một tập đoàn Trung Quốc. Cách duy nhất để TikTok xóa bỏ mọi nghi ngờ là cắt đứt mối quan hệ giữa công ty ở Trung Quốc với tập đoàn mẹ ByteDance. Và chính phủ Mỹ có thể làm điều đó thông qua Ủy ban Đầu tư Nước ngoài Mỹ.
Phương pháp này nếu được Mỹ áp dụng sẽ có ảnh hưởng cực lớn, không chỉ đối với TikTok. Ứng dụng WeChat chủ yếu được sử dụng ở Trung Quốc nhưng có đến hơn 1 triệu người dùng tại Mỹ. Nhiều người trong số họ là người nhập cư muốn liên lạc với người thân ở Trung Quốc.
TikTok khiến người dùng bất an vì mối quan hệ với Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
WeChat bị cáo buộc là thường xuyên giám sát người dùng bên ngoài Mỹ và kiểm duyệt các chủ đề nhạy cảm. PUBG Mobile được sản xuất bởi Tencent, gã khổng lồ phần mềm Trung Quốc đứng sau WeChat. Và ứng dụng này cũng bị phát hiện thu thập thông tin của người dùng.
Nếu mạnh tay, chính phủ Washington thậm chí có thể loại bỏ hàng loạt ứng dụng Trung Quốc ra khỏi thị trường Mỹ và chặn đứng dòng đầu tư từ Trung Quốc vào các công ty Mỹ. Theo The Verge, trên thực tế Trung Quốc đã làm như vậy với các công ty Mỹ.
Các nền tảng lớn của Mỹ không thể hoạt động ở Trung Quốc. Nhờ đó, Weibo và WeChat phát triển mạnh tại thị trường này. Quan hệ hai nước càng căng thẳng thì doanh nghiệp hai bên càng gặp nhiều khó khăn. Do đó, The Verge cho rằng việc TikTok bị đánh bật khỏi thị trường Mỹ cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Theo Zing