Khi đời sống đô thị không còn sức hấp dẫn

leftcenterrightdel
 Ngôi nhà do chính tay anh Liu xây dựng ở quê hương miền núi Xiaxixiang - ảnh: Liu Youwen/CNN

Nằm dựa vào một vách đá ở tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc là căn lều tre Liu Youwen (22 tuổi) tự xây dựng sau khi “nghỉ hưu”. 3 năm trước, Liu rời quê hương, thị trấn Xiaxixiang, tỉnh Quý Châu để đến thành phố Sán Đầu ở Quảng Đông tìm việc. Nhưng vì nghỉ học từ cấp II, chàng trai trẻ đã bị nhiều nhà máy từ chối trước khi tìm được việc sửa ô tô, sau đó là công nhân xây dựng và cuối cùng là làm việc tại một nhà máy may mặc.

Vỡ mộng trước sự ồn ào của cuộc sống thành thị, cuối năm 2022, Liu quyết định về lại quê nhà. Cha mẹ và anh trai của Liu phản đối hành động này nhưng bản thân chàng trai muốn có một "cuộc sống đơn giản", thoát khỏi cuộc tranh đua áp lực cao nơi thành phố. Lấy cảm hứng từ vlogger nổi tiếng Lý Tử Thất - người có nhiều video về cuộc sống ở vùng nông thôn Trung Quốc và thu hút được 18 triệu người đăng ký trên YouTube - hằng tuần, Liu đều đăng tải vlog về cuộc sống thường ngày của anh trên núi, bao gồm những công việc như trồng trọt, nuôi heo, nấu ăn… 

Một số người dùng trực tuyến bày tỏ sự ngưỡng mộ cuộc sống bình dị của Liu. Tuy nhiên, một số người khác tỏ ra hoài nghi. Một bình luận viết: "ở nhà không có việc gì làm à? Sao lại chọn làm những việc vô nghĩa này và “nằm thẳng kệ đời”?”.

Liu đã phản bác lại những lời chỉ trích mình trên mạng: "Có lẽ những người không biết về tôi sẽ coi đây là một hình thức trốn tránh sự đời nhưng tôi không đồng ý với quan điểm đó. Tôi đã tự tay xây toàn bộ ngôi nhà của mình và cuộc sống miền núi cũng chẳng dễ dàng hơn nhiều so với làm việc ở thành phố".

leftcenterrightdel
 Hằng ngày, Liu Youwen đăng tải những video về cuộc sống của mình nơi miền núi - ảnh: Liu Youwen/CNN

Để duy trì lối sống nông thôn, anh kết hợp quảng cáo các sản phẩm vào video của mình, từ việc bán kem dưỡng da tay, sữa rửa mặt cho đến mì chua cay. Trong tương lai, Liu có ý định mở rộng nhà để xây chuồng gà, từ đó anh có thể mở quầy bán thịt trực tuyến. Liu khuyến khích những người muốn chuyển đến vùng nông thôn hãy bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình: “Cuộc sống ở vùng núi tốt hơn nhiều so với cuộc sống ở thành phố - nơi mà ngay cả nước uống cũng tốn tiền”.

Khu vực nông thôn Trung Quốc hiện là mảnh đất màu mỡ cho giới trẻ tìm kiếm cơ hội mới. Gong Chengqiang từng kiếm được 28.000 USD mỗi năm ở Hàng Châu khi làm việc cho một công ty công nghệ trước đại dịch. Giờ đây, anh đang trồng dâu tây ở vùng nông thôn tỉnh Chiết Giang. Người đàn ông 31 tuổi quyết định chuyển về nông thôn sau khi nỗ lực viết blog không thành công và anh bắt đầu có hứng thú hơn với các loại trái cây.

Gong nói: “Gia đình tôi cả đời làm nông dân. Họ chỉ mong con cái có một cuộc sống khác. Vì vậy, tôi sợ gia đình sẽ sốc khi biết rằng sau bao năm nuôi tôi ăn học, tôi lại quyết định quay về nghề nông". Mặc dù anh Gong đã mất 40% sản lượng thu hoạch của mình vào mùa vụ cuối năm 2023 do dịch bệnh, anh vẫn cam kết tiếp tục tìm cách thay đổi mùi vị, chất lượng và giá cả cung cấp cho thị trường của 20 loại trái cây khác nhau.

leftcenterrightdel
 Anh Gong Chengqiang chăm sóc những luống dâu tây của mình trong nhà kính - ảnh: Gong Chengqiang/Bloomberg

Nông nghiệp thông minh

Anh Kang Tae-yang đang thực hiện ước mơ trở thành phi công thì đại dịch COVID-19 ập đến. Chứng kiến ngành hàng không sụp đổ khi các nước đóng cửa biên giới, chàng trai 29 tuổi quyết định chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn khác - làm nông nghiệp. Anh chọn học nghề tại thành phố Pocheon (Hàn Quốc) để trở thành “nông dân thông minh” - một người trồng trọt thời đại mới làm việc trong nhà kính và sử dụng công nghệ để tăng năng suất cây trồng.

Ngày càng nhiều người trẻ như anh Kang bị thu hút bởi những công việc nông thôn, giữa lúc chính phủ Hàn Quốc nỗ lực tuyển dụng thêm nhiều nông dân trẻ dưới 40 tuổi để hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Những người trẻ như anh Kang là một phần của xu hướng "kwichon" - trong đó người dân thành phố chuyển về sống ở vùng nông thôn để thoát khỏi giá bất động sản tăng vọt và sự căng thẳng của cuộc sống đô thị. Giá trung bình 1 căn hộ ở Seoul đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2017-2022. Năm 2021, 515.000 người rời thành phố về nông thôn là con số kỷ lục theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc.

Anh Ahn Hae-sung là một trong những tấm gương của xu hướng "kwichon". Anh từ bỏ công việc nghiên cứu tại công ty sản xuất ô tô Hyundai để thành lập Trang trại dâu tây “chữa lành” Pocheon vào năm 2019. Người đàn ông 43 tuổi này kiếm được 500 triệu won (380.000 USD) mỗi năm từ việc trồng dâu tây và rau diếp. Anh cũng cung cấp đào tạo tại chỗ cho khoảng 1.000 nông dân mỗi năm.

Anh Ahn cho biết: “Trước đây, người nông dân được cho là có địa vị xã hội thấp. Ngày nay, nông nghiệp là một lĩnh vực khởi nghiệp đòi hỏi sự chuẩn bị và nguồn tài chính đáng kể. Giới trẻ không chỉ muốn học cách trồng trọt trên đất mà còn muốn tìm hiểu về tinh thần kinh doanh và công nghệ được sử dụng trong nông nghiệp để tạo thu nhập”.

Trang trại thông minh hiện chỉ chiếm 1 - 2% thị trường nội địa tại Hàn Quốc. Anh Ahn kỳ vọng con số này sẽ tăng nhanh chóng cùng với kế hoạch của chính phủ nhằm tăng thị phần trang trại thông minh lên 30% vào năm 2027. Anh nhận định: “Nông nghiệp đang được chuyển đổi kỹ thuật số. Các phương pháp canh tác truyền thống sẽ dần biến mất, trong khi nhà kính thông minh và công nghệ canh tác kỹ thuật cao trở nên phổ biến hơn”.

leftcenterrightdel
Công nhân nông trại làm việc ở ngoại ô Ahmedabad, ấn Độ, vào tháng 7/2023 - Nguồn ảnh: Reuters 

Đào tạo thế hệ kế thừa

Trong khi đó, tại bang Andhra Pradesh (ấn Độ), với mong muốn thúc đẩy sự quan tâm đến nông nghiệp trong giới trẻ, anh K. Rajendra đã bỏ công việc điều hành một viện đào tạo máy tính vào năm 2018 để chuyển sang quảng bá "nông nghiệp tự nhiên". Người đàn ông 42 tuổi cho biết: “Hầu hết nông dân vùng này đều ở độ tuổi từ 60 đến 80. Cha mẹ không muốn con cái làm ruộng nên thường bắt chúng di cư lên thành phố tìm việc. Thế nên chẳng mấy người ở lại kế nghiệp làm nông”.

Công việc của anh K. Rajendra là một phần trong dự án lớn của bang, nơi có khoảng 800.000 nông dân áp dụng phương pháp canh tác tự nhiên. Nông nghiệp tự nhiên tránh sử dụng phân bón tổng hợp và thuốc trừ sâu, đồng thời sử dụng phân hữu cơ, trồng nhiều loại cây xen canh và không cày xới đất.

Trước đây, anh Rajendra từng giúp các sinh viên theo đuổi ước mơ kỹ sư phần mềm tại Mỹ. Ngày nay, anh đăng tải video về trang trại tự nhiên của mình lên YouTube, điều hành hơn chục nhóm trò chuyện trên WhatsApp để giới thiệu kỹ thuật và khuyến khích những người trẻ thử sức với nghề nông. Là một học viên chăm chỉ, cậu con trai 17 tuổi của anh Rajendra đã bắt đầu giúp đỡ cha mình ở trang trại.

Một nông dân khác tham gia dự án của bang - anh Sabarinath (35 tuổi) - đã đóng cửa tiệm sửa chữa điện thoại di động cách đây 7 năm để chuyển sang làm nông. Anh cho biết: “Hầu hết những người trẻ thừa kế đất từ cha mẹ họ đều cho những nông dân khác thuê đất và nhận một phần doanh thu. Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc làm nông nghiệp”.

Bây giờ, anh Sabarinath tự hào về những nông sản như ớt, ổi, đậu và lúa mà anh trồng trên trang trại năng lượng mặt trời của mình ở làng Atlapragada Konduru. Hằng ngày, anh tiếp đón những vị khách trẻ tuổi đã xem video của anh trên mạng xã hội và thường xuyên đến thuyết giảng tại một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy canh tác tự nhiên.

Theo phụ nữ TPHCM